U thần kinh trên da thường gây đau đớn, ảnh hưởng tới chất lượng sống của bệnh nhân. Phẫu thuật u thần kinh trên da là phương pháp được chỉ định thực hiện để điều trị hiệu quả bệnh lý này.
1. U thần kinh trên da là gì?
U thần kinh trên da gồm một nhóm các bệnh lý thần kinh có biểu hiện là các tổn thương lành tính trên da có thể đi kèm với các triệu chứng loạn sản của cơ quan khác. Đây là tình trạng được đặc trưng bởi hiện tượng các tế bào trên da phân chia và sinh sản quá mức (gọi là loạn sản) và hình thành khối u trên da.
Nhóm bệnh u thần kinh trên da gồm:
- U sợi thần kinh lành tính (Neurofibromatosis - NF1, NF2);
- Lao củ;
- Mắc hội chứng von Hippel - Lindau;
- Mắc hội chứng Wyburn Mason (hay u mạch hình chùm hoa)
- Mắc hội chứng Sturge Weber.
Đa số các trường hợp u thần kinh trên da là lành tính, không gây nguy hiểm. Bệnh chỉ gây đau nhức, cản trở chuyển động và gây mất thẩm mỹ cho bệnh nhân. Và trong trường hợp bệnh ảnh hưởng nhiều tới chất lượng cuộc sống, bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ u thần kinh trên da.
2. Tìm hiểu phương pháp phẫu thuật u thần kinh trên da
2.1 Chỉ định/chống chỉ định
Chỉ định
- Bệnh nhân có khối u thần kinh trên da gây đau và có nguy cơ ung thư hóa;
- Khối u tăng trưởng nhanh về kích thước, gây ảnh hưởng tới chức năng cơ thể hoặc thẩm mỹ.
Chống chỉ định
- Bệnh không có chống chỉ định tuyệt đối;
- Nên cân nhắc với các trường hợp khối u thần kinh trên da có kích thước nhỏ, không phát triển.
2.2 Chuẩn bị phẫu thuật
- Nhân sự thực hiện: Bác sĩ phẫu thuật chính, bác sĩ phụ mổ, bác sĩ gây mê, phụ mê, điều dưỡng;
- Phương tiện kỹ thuật: Bàn mổ, phương tiện gây mê, gây tê; bộ dụng cụ phẫu thuật thần kinh ngoại biên; bộ dụng cụ cò súng các kích cỡ 1 - 4mm, gạc, chỉ khâu, gói cầm máu surgicel;
- Bệnh nhân: Được vệ sinh thân thể sạch sẽ; làm điện cơ, điện thần kinh ở vùng chi bị tổn thương; được giải thích kỹ về tình trạng bệnh, quy trình phẫu thuật và nguy cơ tai biến
- Hồ sơ bệnh án: Chuẩn bị đầy đủ theo yêu cầu.
2.3 Tiến hành phẫu thuật
- Tư thế bệnh nhân: Tùy thuộc vị trí khối u mà bệnh nhân có thể nằm ngửa hoặc nằm sấp;
- Vô cảm: Thực hiện gây tê tại chỗ, gây tê vùng, gây tê đám rối hoặc gây mê (trong trường hợp bệnh nhân không hợp tác);
- Rạch da với kích thước tùy thuộc vào vị trí khối u;
- Thực hiện tách cân cơ, bộc lộ khối u;
- Kiểm soát cuống khối u rồi tách khối u ra khỏi các tổ chức xung quanh;
- Cắt bỏ khối u;
- Dùng dao lưỡng cực để cầm máu;
- Thực hiện đóng cân cơ và đóng da 2 lớp, hoàn tất phẫu thuật.
2.4 Theo dõi sau phẫu thuật
- Theo dõi toàn thân của bệnh nhân với các chỉ số sinh tồn như mạch, huyết áp, nhiệt độ, hô hấp;
- Theo dõi tình trạng vết mổ: Chảy máu, nhiễm khuẩn;
- Theo dõi tình trạng vận động cảm giác của các chi;
- Theo dõi sau này: Đánh giá khả năng tái phát u thần kinh trên da hoặc nguy cơ ung thư hóa.
2.5 Tai biến và cách xử trí
- Chảy máu sau mổ: Thực hiện băng ép, khâu cầm máu và mổ lại nếu có hiện tượng tụ máu nhiều gây hội chứng chèn ép;
- Nhiễm khuẩn: Sử dụng kháng sinh dự phòng và chăm sóc, thay băng vết mổ cho bệnh nhân;
- Áp xe: Nên tách vết mổ, dẫn lưu hoặc mổ lại làm sạch mủ áp xe.
U thần kinh trên da thường lành tính và việc điều trị bằng phẫu thuật cũng không quá phức tạp. Tuy vậy, bệnh nhân vẫn cần phối hợp tốt với bác sĩ điều trị khi thực hiện phẫu thuật để nâng cao cơ hội điều trị thành công, giảm nguy cơ tai biến. Đồng thời, người bệnh cần chú ý lắng nghe cơ thể mình, khi phát hiện một khối u, nốt tăng trưởng hay các dấu hiệu bất thường khác cần đi khám ngay để chẩn đoán phát hiện bệnh sớm và có phương án can thiệp điều trị kịp thời, hiệu quả.
XEM THÊM