Ống thông Blakemore được dùng như thế nào trong hồi sức cấp cứu?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Hữu Thắng - Bác sĩ hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long. Bác sĩ đã có gần 10 năm kinh nghiệm trong Hồi sức cấp cứu.

Ống thông Blakemore là một dụng cụ được sử dụng trong quá trình cầm máu khi điều trị chứng xuất huyết tiêu hóa, thường có nguyên nhân từ vỡ tĩnh mạch thực quản.

1. Tìm hiểu về ống thông Blakemore

Ống thông Blakemore là một ống thông có tác dụng làm chậm hoặc ngăn chặn tình trạng chảy máu từ thực quản và dạ dày. Tình trạng chảy máu này thường gây ra bởi giãn tĩnh mạch dạ dày hoặc thực quản – những tĩnh mạch bị sưng do lưu lượng máu bị tắc nghẽn.

Một ống thông Blakemore gồm 3 bóng, mỗi bóng sẽ có những chức năng khác nhau:

  • Bóng thực quản: phồng thành một quả bóng nhỏ trong thực quản.
  • Bóng dạ dày: phồng thành một quả bóng nhỏ trong dạ dày.
  • Ống hút dạ dày: có tác dụng loại bỏ chất lỏng cũng như không khí ra khỏi dạ dày.

Để đặt ống thông Blakemore, ống thông sẽ được đưa vào cơ thể qua miệng hoặc qua mũi để đưa đến dạ dày. Sau khi máu đã được cầm, ống thông sẽ được loại bỏ.


Ống thông Blakemore là một ống thông có tác dụng làm chậm hoặc ngăn chặn tình trạng chảy máu từ thực quản và dạ dày
Ống thông Blakemore là một ống thông có tác dụng làm chậm hoặc ngăn chặn tình trạng chảy máu từ thực quản và dạ dày

2. Ống thông Blakemore được chỉ định trong trường hợp nào?

Ống thông Blakemore được sử dụng như một kĩ thuật cấp cứu để kiểm soát chảy máu từ các tĩnh mạch thực quản bị vỡ. Khi các tĩnh mạch này bị vỡ, tình trạng chảy máu sẽ diễn ra mạnh mẽ. Nếu như không được điều trị hoặc điều trị quá muộn, sự mất máu này có thể dẫn đến tử vong.

Một số trường hợp sau đây được chỉ định đặt ống thông Blakemore để kiểm soát chảy máu:

  • Bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa có nghi ngờ do tĩnh mạch thực quản bị vỡ.
  • Ở trường hợp chưa chẩn đoán xác định xuất huyết tiêu hóa do chảy máu dạ dày hay vỡ tĩnh mạch, việc đặt ống thông Blakemore cũng có tác dụng trong việc theo dõi xuất huyết dạ dày cũng như hỗ trợ chẩn đoán chính xác nguyên nhân.

Tuy nhiên, kỹ thuật này cũng chống chỉ đỉnh trong một số trường hợp:

  • Chảy máu tĩnh mạch đã ngừng hoặc đã có dấu hiệu chậm lại.
  • Bệnh nhân gần đây có phẫu thuật liên quan đến thực quản hoặc cơ bụng.
  • Bệnh nhân có thực quản bị thu hẹp hoặc bị tắc nghẽn.

Bệnh nhân hẹp thực quản có chống chỉ định thực hiện đặt ống thông Blakemore
Bệnh nhân hẹp thực quản có chống chỉ định thực hiện đặt ống thông Blakemore

3. Quy trình kỹ thuật ống thông Blakemore trong hồi sức cấp cứu

3.1 Giai đoạn chuẩn bị

Về người thực hiện, kĩ thuật yêu cầu ít nhất:

  • 1 bác sĩ về chuyên khoa Hồi sức – cấp cứu.
  • 1 kỹ thuật viên hỗ trợ dụng cụ.

Về các dụng cụ - phương tiện hỗ trợ, yêu cầu:

  • Ống thông Blakemore.
  • Dầu paraphin hoặc mỡ xylocain ở dạng bơm phun.
  • Dây nối và đầu nối với mục đích dẫn lưu dịch và máu ở dạ dày vào một cái túi chất dẻo, buộc cố định vào ống thông Blakemore.
  • Đèn soi thanh quản, đèn Clar, kẹp Magill và mỏ vịt.
  • Máy hút và ống thông các loại.
  • Gạc vô khuẩn...

Đối với bệnh nhân, cần chú ý:

  • Ở bệnh nhân còn tỉnh táo và có ý thức, nên đặt bệnh nhân nằm ngửa hoặc nằm ở tư thế nửa ngồi.
  • Ở bệnh nhân hôn mê: đặt bệnh nhân nằm ngửa và đầu thấp.
  • Trước khi thực hiện đặt ống thông Blakemore, bệnh nhân cần được tiêm tĩnh mạch 0.5mg atropin.

3.2 Quy trình kỹ thuật ống thông Blakemore – các bước tiến hành

Đầu tiên, các bác sĩ sẽ soi mũi xem vị trí nào dễ thông thất, sau đó gây tê ống mũi bằng xylocain dạng phun.

Bôi dầu paraphin vào 2 bóng và đầu của ống thông Blakemore, di chuyển ống thông thẳng góc với khuôn mặt của bệnh nhân và đưa thẳng vào mũi.

Khi ống Blakemore đã di chuyển đến họng:

  • Nếu bệnh nhân tỉnh táo, yêu cầu bệnh nhân nuốt rồi đẩy thêm vào trong. Sau mỗi lần nuốt, bệnh nhân cần thở thật sâu và đều. Trường hợp bệnh nhân bị sặc hoặc nôn, bác sĩ cần hút dịch ở miệng và họng ngay bằng ống thông to có nối với máy hút.
  • Nếu bệnh nhân hôn mê: bác sĩ phải đặt ống nội khí quản trước khi đặt ống thông Blakemore để hạn chế sặc ở phổi.
  • Đẩy ống thông vào trong đến khoảng vạch thứ 3. Lúc này, ống thông đã ở trong dạ dày, bác sĩ sẽ kiểm tra có dịch vị chảy ra hay không.
  • Bơm 20ml khí vào trong bóng tròn (bóng dạ dày), từ từ kéo ống thông ra đến khi bóng đã ép sát vào tâm vị.
  • Ống thông sẽ được nối với hệ thống ròng rọc bằng cao su (khoảng 100 đến 150 gram).
  • Các bác sĩ sẽ bơm khoảng 60 – 80ml khí vào bóng thực quản nhằm mục đích duy trì áp lực bên trong dao động từ 40mmHg – 50mgHg. Trong trường hợp máu vẫn chảy ra, có thể bơm đến 100ml khí nhưng không được vượt quá giới hạn này.
  • Kiểm tra lại vị trí của ống Blakemore bằng cách chụp X-quang. Vị trí tối ưu nhất của ống thông Blakemore là ở ngay dưới cơ hoành và bên dưới cơ tim một chút.

3.3 Theo dõi bệnh nhân sau khi đặt ống thông Blakemore

Bệnh nhân sau khi đặt ống thông Blakemore cần phải được theo dõi sát và tuân theo các chú ý sau:

  • Mỗi giờ, bệnh nhân phải rửa dạ dày đều đặn bằng nước đá đang tan. Việc này cần thực hiện đến khi không còn máu cục trong nước và nước rửa trong.
  • Theo dõi các thông số hô hấp của bệnh nhân vì việc đặt ống có thể gây suy hô hấp.
  • Bóng thực quản phải được đều đặn tháo 15 phút trong mỗi 4 tiếng, hạn chế nguy cơ hoại tử thực quản.
  • Sau khi máu ngừng chảy, ống thông cần được lưu lại thêm 12 giờ, sau đó tháo bóng thực quản nhưng vẫn lưu lại bóng dạ dày trong khoảng 12 tiếng tiếp theo. Tiếp theo, tháo bóng dạ dày và để lại ống thông khoảng 24 tiếng.

4. Một số rủi ro có thể xảy ra khi đặt ống thông Blakemore


Chảy máu cam là rủi ro có thể gặp phải khi đặt ống thông Blakemore
Chảy máu cam là rủi ro có thể gặp phải khi đặt ống thông Blakemore
  • Chảy máu cam: cầm máu tại chỗ.
  • Hoại tử thực quản nặng: có thể sử dụng phẫu thuật.
  • Hạ nhịp tim hoặc ngừng tim: áp dụng phương pháp hồi sức cấp cứu.
  • Suy hô hấp: cần thông khí nhân tạo cho bệnh nhân.
  • Trào ngược dịch dạ dày: sử dụng ống nội khí quản với bóng chèn và hút dịch.

Kỹ thuật đặt ống thông Blakemore là một phương pháp phổ biến dùng để cầm máu khi bị xuất huyết tiêu hóa. Việc đặt ống có thể sử dụng ở người tỉnh táo và cả bệnh nhân đang hôn mê. Bệnh nhân sau khi đặt ống cũng như tháo ống thông cần được theo dõi kĩ về tình trạng sức khỏe.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe