Nút mạch điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh

Giãn tĩnh mạch thừng tinh (Varicocele) là bệnh lý phổ biến và thường gặp ở nam giới từ tuổi vị thành niên trở lên. Điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh bằng phương pháp nút mạch hiện đang được áp dụng rộng rãi nhờ hiệu quả cao và hạn chế được mức độ xâm lấn.

1. Tổng quan về bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh

Giãn tĩnh mạch thừng tinh là tình trạng tĩnh mạch bị suy yếu hoặc mất van tĩnh mạch, khiến máu không thể lưu thông về hệ thống tuần hoàn chung và ứ trệ tại hệ thống tinh hoàn bên dưới. Dẫn đến quá trình trao đổi chất kém đi, tăng nhiệt độ ở tinh hoàn dẫn đến suy giảm chức năng sinh tinh, rối loạn cương dương thậm chí gây vô sinh.

2. Đối tượng nguy cơ

Theo nhiều nghiên cứu thì có khoảng 15-17% nam giới ở lứa tuổi trưởng thành có tình trạng giãn tĩnh mạch thừng tinh. Trong đó, 90% các ca là xuất hiện ở tinh hoàn bên trái và khoảng 10% là mắc ở cả hai bên. Giãn tĩnh mạch thừng tinh hiếm khi xuất hiện trước tuổi dậy thì khi chỉ có 1% bé trai dưới 10 tuổi mắc chứng này. Ở lứa tuổi thiếu niên, tỷ lệ mắc bệnh chiếm từ 8-10%. Riêng từ lứa tuổi vị thành niên trở lên thống kê cho thấy tỷ lệ bị bệnh tăng lên khoảng 15% cộng đồng nam giới.

Giãn tĩnh mạch thừng tinh là một bệnh lý phổ biến và thường gặp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chức năng sinh sản của nam giới. Ước tính có đến 15-25% trường hợp vô sinh nam nguyên phát và từ 75-81% vô sinh nam thứ phát gây ra do mắc giãn tĩnh mạch thừng tinh.


Giãn tĩnh mạch thừng tinh ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản ở nam giới
Giãn tĩnh mạch thừng tinh ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản ở nam giới

3. Cách nhận biết giãn tĩnh mạch thừng tinh

  • Ở giai đoạn sớm: Chứng giãn tĩnh mạch thừng tinh thường không có biểu hiện lâm sàng. Nhiều bệnh nhân đến khám vì lý do vô sinh, sau đó tình cờ phát hiện ra nguyên nhân là do giãn tĩnh mạch thừng tinh.
  • Ở giai đoạn muộn: Triệu chứng thường gặp là người bệnh thấy có cảm giác nặng, đau tức, khó chịu ở bên dưới tinh hoàn. Khi sờ, nhìn có thể thấy đám rối tĩnh mạch nổi ngoằn ngoèo dưới da. Nếu lâu có thể thấy bên tinh hoàn bị giãn tĩnh mạch thừng tinh bị nhỏ hơn bên đối diện. Có đến 80-90% trường hợp giãn tĩnh mạch thừng tinh ở tinh hoàn bên trái.

4. Các biện pháp chẩn đoán

Chẩn đoán bệnh lý giãn tĩnh mạch thừng tinh thường được dựa trên hai hình thức:

4.1 Chẩn đoán lâm sàng

Đánh giá người bệnh ở nhiều tư thế: Tư thế nằm, đứng. Kết hợp nhìn, sờ để đánh giá mức độ giãn tĩnh mạch thừng tinh theo các cấp độ Dubin:

  • Độ 0: Khó nhận biết qua dấu hiệu lâm sàng, chỉ xác định được thông qua siêu âm, chụp mạch máu hoặc các phương thức chẩn đoán khác.
  • Độ 1: Khi làm nghiệm pháp Valsava sờ nắn thấy búi tĩnh mạch bị giãn
  • Độ 2: Khi người bệnh trong tư thế đứng thẳng sờ nắn thấy búi tĩnh mạch.
  • Độ 3: Khi người bệnh trong tư thế đứng thẳng nhìn thấy búi tĩnh mạch giãn.
  • Độ 4: Dễ dàng nhìn thấy búi tĩnh mạch giãn ngoằn ngoèo dưới da bìu dù người bệnh ở tư thế đứng hay đang nằm.

4.2 Chẩn đoán cận lâm sàng

  • Siêu âm Doppler màu

Bình thường khẩu kính tĩnh mạch tinh dưới 2mm, khi đám rối tĩnh mạch có đường kính >2,5mm thì được chẩn đoán là giãn. Có 5 mức độ giãn tĩnh mạch thừng tinh trên siêu âm Doppler:

  • Độ 1: Không giãn tĩnh mạch tinh trong bìu nhưng quan sát thấy có dòng trào ngược của đám rối tĩnh mạch thừng tinh đoạn ống bẹn.
  • Độ 2: Không giãn ở tư thế nằm nhưng tư thế đứng thấy có giãn và dòng trào ngược khu trú ở phía trên tinh hoàn.
  • Độ 3: Không giãn ở tư thế nằm nhưng tư thế đứng thấy có giãn và dòng trào ngược lan tỏa ở phía trên và phía dưới tinh hoàn.
  • Độ 4: Thấy giãn tĩnh mạch thừng tinh và có dòng trào ngược khi làm nghiệm pháp Valsalva ở tư thế nằm.
  • Độ 5: Thấy giãn tĩnh mạch thừng tinh, có dòng trào ngược ngay cả khi không làm nghiệm pháp Valsava.
  • Siêu âm kết hợp chụp cắt lớp vi tính ổ bụng (CT)

Là những xét nghiệm cần thiết giúp loại trừ các trường hợp giãn tĩnh mạch tinh thứ phát do các khối u sau phúc mạc hay ở tiểu khung chèn ép.

  • Tinh dịch đồ

Tinh dịch đồ được chỉ định trong những trường hợp vô sinh để đánh giá mức độ ảnh hưởng của giãn tĩnh mạch thừng tinh đối với chức năng sinh sản tinh trùng.


Xét nghiệm tinh dịch đồ giúp chẩn đoán giãn tĩnh mạch thừng tinh
Xét nghiệm tinh dịch đồ giúp chẩn đoán giãn tĩnh mạch thừng tinh

5. Điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh

Phương thức điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh còn tùy thuộc vào mức độ giãn:

  • Ở mức độ nhẹ (độ 1,2) có thể theo dõi kết hợp sử dụng thuốc để ngăn sự tiến triển của bệnh.
  • Ở mức độ nặng hơn (độ 3,4,5), khi việc sử dụng thuốc không hiệu quả có thể cần phải can thiệp phẫu thuật (mổ hở, mổ nội soi, mổ vi phẫu...).

Hiện nay, với sự phát triển của điện quang, phương pháp nút mạch điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh (Percutaneous varicocele embolization) đang được sử dụng phổ biến ở Việt Nam và dần thay thế cho hình thức phẫu thuật do những ưu điểm: tính chất xâm nhập tối thiểu, hiệu quả cao, không gây mê hoặc gây tê, không để lại sẹo, không có nguy cơ thắt vào ống dẫn tinh.

Vật liệu sử dụng: Vòng xoắn kim loại (coils), bóng, chất gây xơ...

Dưới hướng dẫn của X-quang, luồn ống kim nhỏ (ống catheter) vào tĩnh mạch đùi bên phải rồi luồn lên tĩnh mạch trung rồi đi qua bên trái và nút mạch chọn lọc và nhánh tĩnh mạch thừng tinh bị giãn.

Phương pháp nút mạch điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh có ưu điểm:

  • Tính thẩm mỹ cao do không phải rạch da vùng bẹn, bìu
  • Không có nguy cơ tổn thương, thắt ống dẫn tinh
  • Hiệu quả điều trị tương tự như phẫu thuật, bao gồm cả hiệu quả tại chỗ và hiệu quả điều trị vô sinh
  • Thời gian nằm viện và phục hồi, quay lại sinh hoạt thường ngày ngắn (<24h)
  • Có thể nút mạch cho cả 2 bên với chỉ 1 đường vào tĩnh mạch, không cần chỉ khâu da như phẫu thuật.
  • Chỉ cần gây tê tại vùng tĩnh mạch đùi chung, không cần gây mê toàn thân hoặc gây tê tủy sống.

Nút mạch điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh là kỹ thuật có ý nghĩa quan trọng trong chẩn đoán và hỗ trợ can thiệp điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh nói riêng và nhiều bệnh lý khác về mạch máu nói chung. Khi thực hiện thủ thuật, bệnh nhân nên tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ để đạt hiệu quả trị liệu cao, giảm nguy cơ tai biến.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe