Niệu quản sau tĩnh mạch là đường đi bất thường của niệu quản gây ra chèn ép tĩnh mạch chủ dưới dẫn đến tình trạng ứ nước thận. Nếu không được điều trị bệnh sẽ gây ra các ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của thận. Vì vậy, phương pháp điều trị có hiệu quả và được các bác sĩ lựa chọn đầu tiên là phẫu thuật nội soi tạo hình niệu quản sau tĩnh mạch chủ.
1. Tổng quan niệu quản sau tĩnh mạch chủ
Niệu quản sau tĩnh mạch chủ là một dị dạng bẩm sinh hiếm gặp. Niệu quản đáng lẽ nằm bên ngoài tĩnh mạch chủ dưới nhưng nó lại đi vào trong bắt chéo phía sau và uốn quanh tĩnh mạch chủ và đi ra phía trước của tĩnh mạch chủ dưới. Sự quấn quanh tĩnh mạch chủ dưới của niệu quản khiến cho tĩnh mạch chủ dưới bị chèn ép gây nên tình trạng tắc nghẽn niệu quản trên và ứ nước thận.
Đây là trường hợp bẩm sinh hiếm gặp, nhưng niệu quản sau tĩnh mạch chủ thường không biểu hiện triệu chứng cho đến độ tuổi từ 30-50 do tắc nghẽn niệu quản gây thận ứ nước từ từ. Các triệu chứng của bệnh phụ thuộc vào mức độ tắc nghẽn và gây ra các bệnh đường tiết niệu như: nhiễm khuẩn đường tiểu tái diễn, nước tiểu có máu, viêm thận hay sỏi thận.
Bệnh thường được chẩn đoán dựa vào phương pháp chẩn đoán hình ảnh, bao gồm chụp cắt lớp vi tính hay chụp Xquang. Dựa vào kết quả này và các triệu chứng lâm sàng, mức độ ứ nước thận bác sĩ điều trị có thể chỉ định phẫu thuật nội soi tạo hình niệu quản sau tĩnh mạch chủ.
2. Quy trình nội soi tạo hình niệu quản sau tĩnh mạch chủ
Để thực hiện phẫu thuật nội soi tạo hình niệu quản sau tĩnh mạch chủ, bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng để đưa ra chỉ định tiến hành. Những trường hợp được chỉ định thực hiện phương pháp phẫu thuật này được xác định là ứ nước thận do niệu quản sau tĩnh mạch chủ mà không có chống chỉ định (bệnh mạch vành, bệnh van tim, bệnh suy tim, tam phế mạn, nhiễm khuẩn thành bụng, nhiễm khuẩn tiết niệu chưa được điều trị)
Bệnh nhân được kiểm tra các chỉ số trước khi tham gia vào cuộc phẫu thuật. Chụp niệu đồ tĩnh mạch, cắt lớp vi tính và xét nghiệm đánh giá chức năng của thận. Một điều quan trọng là bệnh nhân phải điều trị hết nhiễm khuẩn niệu hoặc bệnh toàn thân trước khi tiến hành phẫu thuật.
Trước mỗi cuộc phẫu thuật, ngoài việc chuẩn bị bệnh nhân, dụng cụ, phòng mổ, phẫu thuật viên, thì việc chuẩn bị các biên bản vô cùng quan trọng. Nó bao gồm: biên bản hội chẩn, biên bản duyệt mổ, biên khán tiền khẩu, tiền mê và biên bản cam đoan của người nhà bệnh nhân.
2.1. Quy trình tiến hành phẫu thuật nội soi tạo hình niệu quản sau tĩnh mạch
Bệnh nhân được gây mê nội khí quản. Sau đó, được điều chỉnh tư thế phù hợp để tiến hành phẫu thuật. Với đường mổ qua phúc mạc, bệnh nhân nằm nghiêng 70-75 độ và được kê độn ở dưới lưng. Với đường mổ sau phúc mạc, bệnh nhân nằm nghiêng 90 độ và kê đơn ở dưới lưng.
- Mổ nội soi qua phúc mạc
Phẫu thuật viên tiến hành đặt trocar đầu tiên được đặt ở cạnh rốn trên. 2 trocar khác được đặt ở dưới bờ sườn và trên mào chậu. Khi đoạn trên niệu quản bị giãn nhưng tĩnh mạch chủ và đoạn dưới niệu quản bình thường thì phẫu thích di động hoàn toàn 2 đoạn niệu quản này. Cắt đôi niệu quản đoạn giữa, giải phóng và đưa đoạn niệu quản sau tĩnh mạch chủ ra trước. Đặt sonde và khâu nối niệu quản lại. Cuối cùng, kiểm tra cầm máu, đặt dẫn lưu, tháo hơi và đóng các lỗ trocar.
- Mổ nội soi sau phúc mạc
Phẫu thuật viên đặt trocar đầu tiên ở giữa bờ sườn và mào chậu trên đồng thời bơm hơi tạo khoang sau phúc mạc. Sau đó, tiến hành phẫu tích niệu quản, giải phóng và cắt nối tương tự như mổ nội soi qua phúc mạc.
2.2. Theo dõi và xử trí tai biến
Trong quá trình mổ nội soi tạo hình niệu quản sau tĩnh mạch chủ cần theo dõi: mạch, huyết áp, nồng độ CO2 & O2 trong máu, lượng máu mất, các biến chứng có thể xảy ra trong khi mổ (tổn thương mạch máu, tổn thương tạng), thời gian phẫu thuật. Trong trường hợp, tai biến khó xử trí có thể chuyển sang mổ mở.
Sau khi mổ, bệnh nhân vẫn được tiếp tục theo dõi về toàn trạng của người bệnh, tình trạng nước tiểu, dẫn lưu, tình trạng vết mổ, ...
Một số tai biến có thể gặp trong khi mổ như: chảy máu do tổn thương tĩnh mạch chủ, tổn thương tạng khi phẫu tích niệu quản, rách thủng cơ hoành-màng phổi, rách phúc mạc. Tuỳ vào tình trạng tai biến, phẫu thuật viên có thể quyết định tiếp tục mổ nội soi hoặc chuyển sang mổ mở. Tai biến sau mổ thường gặp như chảy máu tại vị trí đặt trocar, rò nước tiểu, tụ dịch vùng mổ, nhiễm trùng vết mổ.
Cũng như nhiều các phẫu thuật nội soi khác, nếu nội soi tạo hình niệu quản sau tĩnh mạch chủ không được thực hiện tại các cơ sở y tế uy tín, có đủ trang thiết bị hiện đại, phẫu thuật viên được đào tạo bài bản có thể dẫn đến biến chứng trong và sau quá trình phẫu thuật. Vì thế khi thực hiện nội soi tạo hình niệu quản sau tĩnh mạch chủ bệnh nhân cần tìm hiểu thông tin về bệnh viện để thăm khám và điều trị.