Những biến chứng sỏi thận khó lường

Sỏi thận là một trong những bệnh lý chiếm tới 45-50% các bệnh tiết niệu ở Việt Nam. Tỷ lệ nam giới mắc cao hơn nữ giới và lứa tuổi thường gặp đó là từ 30-60 tuổi. Nếu sỏi thận không được phát hiện sớm và can thiệp có thể gây ra những biến chứng khó lường như nhiễm khuẩn tiết niệu, viêm đài bể thận, viêm hẹp cổ đài thận, viêm thận kẽ, ứ nước, ứ mủ thận, giãn đài bể thận, áp xe thận,... Do đó việc phòng ngừa biến chứng sỏi thận sớm là vô cùng quan trọng.

1. Sỏi thận là căn bệnh như thế nào?

Sỏi thận là một bệnh lý thường gặp nhất tại đường tiết niệu. Đây là một bệnh lý sỏi tiết niệu thường gặp nhất ở nam giới trung niên. Độ tuổi mắc bệnh thường từ 30-60 tuổi. Khi hệ tiết niệu bắt đầu có hiện tượng lắng đọng và kết tinh sỏi, những tinh thể và viên sỏi nhỏ thường đi theo đường tiểu và được bài tiết ra bên ngoài. Tại một vị trí nào đó trên đường tiết niệu, viên sỏi hoặc tinh thể bị vướng lại sẽ tiếp tục lắng và kết tinh tạo thành những viên sỏi kích thước lớn hơn.

Tại đây, sỏi có kích thước lớn dần sẽ cản trở dòng lưu thông của nước tiểu và dẫn tới ứ đọng nước tiểu, giãn phình ở phần trên vị trí tắc nghẽn. Tại vị trí này, sẽ xảy ra nhiều biến chứng của sỏi thận như nhiễm trùng, tắc đường tiểu, suy thận,... Vì vậy, nếu sỏi thận được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ không gây nguy hiểm nhưng nếu để trong thời gian dài có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm.


Suy thận là biến chứng sỏi thận
Suy thận là biến chứng sỏi thận

2. Biến chứng của sỏi thận

Biến chứng nguy hiểm của sỏi thận có thể kể đến như:

2.1 Nhiễm trùng đường tiết niệu

Những chất cặn bã nếu không được đào thải hoàn toàn được tích tụ trong thận, đây chính là cơ hội để cho vi khuẩn phát triển mạnh trong đường tiết niệu. Người bệnh sỏi thận có thể sẽ có biểu hiện như đi tiểu ra mủ, tiểu ra máu, tiểu dắt và có thể kèm sốt cao và những triệu chứng đau lưng. Tình trạng này nếu không được phát hiện kịp thời, điều trị đúng lúc có thể gây ra những khó khăn trong việc điều trị sau này của bác sĩ. Khi tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu được thuyên giảm thì bệnh sỏi thận mới có thể điều trị dứt điểm.

2.2 Suy thận

Những hạt sỏi sẽ làm tắc đường tiểu của cả hai quả thận cùng một lúc, người bệnh sẽ bị mất tiểu hoàn toàn, tình trạng này nếu để kéo dài nhiều ngày có thể dẫn tới tử vong. Khi thận bị ứ nước, nhiễm trùng lâu ngày sẽ phát hủy dần nhu mô thận, đơn vị thận cho đến khi mất đi khoảng 50% cơ thể bạn vẫn có thể chịu đựng được. Tuy nhiên, nếu đơn vị thận mất tới 75% thì bạn sẽ có nguy cơ bị suy thận. Lúc này, để có thể tiếp tục duy trì sự sống, người bệnh sẽ phải chạy thận hoặc ghép thận, chi phí điều trị rất đắt và không thể chữa khỏi được.

2.3 Vỡ thận

Vỡ thận là một trong những biến chứng của sỏi thận xảy ra khi thận ứ quá nhiều nước trong khi vách thận mỏng. Tuy nhiên, đây là trường hợp rất hiếm khi có thể xảy ra. Khi các đài thận bị căng trướng nước tiểu sẽ tạo ra một áp lực cao tác động vào dây thần kinh và vỏ thận gây ra cơn đau quặn thận, viêm nhiễm nặng ở đường tiểu còn gây hoại tử đường tiểu.

2.4 Tắc đường tiểu

Khi những viên sỏi được hình thành trong bồn thận hoặc đài thận hay bọng đái đều có khả năng sẽ đi vào niệu quản và niệu đạo. Những viên sỏi sẽ chiếm hết toàn bộ thiết diện của niệu quản và niệu đạo gây tắc đường tiểu. Lúc này hệ niệu đạo sẽ co bóp mạnh hơn để có thể đẩy viên sỏi ra ngoài khỏi chỗ tắc nghẽn.

Đây chính là giai đoạn bạn cảm thấy có những cơn đau âm ỉ hoặc dữ dội tại vùng giữa xương sườn và lan dần phía dưới háng. Khi đường tiểu bị tắc, những chất thải và nước tiểu sẽ không thể thoát ra được gây nên hiện tượng thận hoặc niệu quản bị ứ nước hoặc tắc đái.

2.5 Viêm bể thận cấp

Tắc nghẽn đường tiết niệu do sỏi thận lâu ngày không được điều trị sẽ dẫn tới tình trạng nhiễm khuẩn cấp tính ở các đài thận, niệu quản và bể thận. Nếu nhiễm khuẩn bể thận nặng sẽ gây ra cơn viêm bể thận cấp. Triệu chứng viêm bể thận cấp xảy ra đột ngột và nguy cấp như sốt cao, đau hông dữ dội và đái ra mủ,...


Tắc đường tiểu là biến chứng sỏi thận
Tắc đường tiểu là biến chứng sỏi thận

3. Người bị sỏi thận cần làm gì?

Để phòng ngừa sỏi thận bạn nên thăm khám và kiểm tra sức khỏe định kỳ để có thể phát hiện sớm những bất thường trong cơ thể. Việc điều trị sớm cũng giúp cho bệnh tiến triển tốt hơn cũng như phòng ngừa được các biến chứng nguy hiểm. Bên cạnh đó, người bệnh cần lưu ý đến việc phòng ngừa bệnh tái phát để tránh nguy cơ bị suy thận tăng lên. Quá trình điều trị sỏi thận phụ thuộc nhiều vào yếu tố như kích thước, vị trí sỏi và số lượng. Nếu viên sỏi nhỏ dưới 5mm thì thường sẽ uống nhiều nước để đào thải ra ngoài bằng đường tiểu. Đồng thời, bác sĩ sẽ kê thêm một số loại thuốc giảm đau, kháng sinh nếu bị nhiễm trùng. Nếu kích thước viên sỏi lớn không thể tự đào thải ra ngoài thì cần tới bệnh viện để can thiệp bằng những phương pháp khác nhau như mổ nội soi hiện đại như:

  • Tán sỏi bằng sóng xung kích ngoài cơ thể
  • Nội soi lấy sỏi qua da
  • Nội soi tán sỏi bằng ống soi cứng
  • Nội soi tán sỏi ngược dòng bằng ống nội soi mềm.

Ngoài ra, khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như đau quá mức, tiểu ra máu, khó đi tiểu,... thì cần tới ngay cơ sở y tế để được thăm khám và có biện pháp can thiệp kịp thời.

Tóm lại, sỏi thận là một trong những bệnh lý chiếm tới 45-50% các bệnh tiết niệu ở Việt Nam, lứa tuổi thường gặp đó là từ 30-60 tuổi. Nếu sỏi thận không được phát hiện sớm và can thiệp có thể gây ra những biến chứng khó lường như nhiễm khuẩn tiết niệu, viêm đài bể thận, viêm hẹp cổ đài thận, viêm thận kẽ, ứ nước, ứ mủ thận, giãn đài bể thận, áp xe thận,... Vì vậy, khi xuất hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như đau quá mức, tiểu ra máu, khó đi tiểu,... thì cần tới ngay cơ sở y tế để được thăm khám cũng như có biện pháp can thiệp kịp thời.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán sỏi thận

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe