Người bị cận về già có hết không là nỗi thắc mắc chung của nhiều người, nhất là các trường hợp bắt đầu bước vào tuổi xế chiều. Cận thị vốn là một loại tật khúc xạ phổ biến, thường phát triển ở độ tuổi rất trẻ và có thể vẫn tiếp diễn đến suốt đời nếu không được điều trị dứt điểm. Nếu xảy ra đồng thời cả tật cận thị và lão thị khi về già, bệnh nhân sẽ có nguy cơ gặp phải những biến chứng nguy hại tới thị lực.
1. Người bị cận về già có hết không?
Một số người cho rằng, mắt sẽ bị lão thị (viễn thị ) khi về già và tật cận thị sẽ biến mất. Tuy nhiên, theo quan điểm của bác sĩ nhãn khoa, điều này hoàn toàn không đúng, bởi lẽ mắt không thể tự khỏi cận thị dù tuổi tác ngày một cao.
Thực tế, cận thị được xem là một trong những tật khúc xạ thường gặp nhất ở cả trẻ em và người lớn. Trong khi đó, viễn thị là quá trình lão hoá tự nhiên của cơ thể con người. Vậy người già có bị cận không? Khi bước qua độ tuổi 18, mắt dường như đã phát triển toàn diện, vì vậy tật cận thị ở thanh thiếu niên cũng bắt đầu tiến triển chậm và ít bị tăng độ. Tuy vậy, nếu lơ là chăm sóc và thường xuyên dùng các thiết bị điện tử, độ cận vẫn có thể tăng lên và gây ra những hệ luỵ nguy hiểm khác cho thị giác. Cho tới khi bước sang tuổi 40, bạn sẽ cảm thấy mắt xuất hiện những dấu vết của lão hoá, bao gồm điều tiết kém và khó nhìn rõ các vật ở cự ly gần. Quá trình này có xu hướng diễn ra chậm hơn ở những người đã mắc tật cận thị ngay từ lúc con trẻ. Khi mắt vừa bị cận thị vừa có biểu hiện viễn thị khiến cho nhiều người già lầm tưởng rằng bản thân đã hết cận.
Cận thị và lão thị sẽ không bù đắp cho nhau, do đó người cao tuổi thường phải đeo kính hai tròng để khắc phục cả hai vấn đề trên khi về già. Tốt nhất, để phòng ngừa nguy cơ mắc cùng lúc 2 tình trạng khúc xạ vào tuổi xế chiều, bạn nên điều trị sớm tật cận thị ngay từ ban đầu bằng phương pháp phẫu thuật.
2. Nguyên nhân nào dẫn đến tật cận thị?
Có nhiều yếu tố là nguồn cơn làm phát triển tật cận thị ở trẻ em và người lớn, cụ thể:
- Gen di truyền: Đã phát hiện ra loại gen APLP2 có khả năng di truyền tật cận thị sang cho thế hệ con.
- Làm việc liên tục ở khoảng cách quá gần: Khi ngồi làm việc trước màn hình máy tính hoặc đọc sách quá lâu ở cự ly gần có thể kích thích một số gen nhất định dẫn đến hiện tượng rối loạn bộ điều tiết và làm ảnh hưởng chức năng thị giác. Ngoài ra, việc sử dụng lâu các thiết bị điện tử cũng gây tăng trưởng trục mắt, đồng thời phát triển những khả năng gây cận thị khác.
- Yếu tố môi trường: Những điều kiện môi trường như ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi, ánh sáng hay không khí đều ảnh hưởng đến thị lực và có khả năng làm phát triển tật cận thị.
- Áp lực công việc hoặc học tập: Đọc sách nhiều hoặc stress do thi cử hay công việc cũng được xem là nguyên nhân gây suy giảm thị lực.
- Chế độ ăn uống: Việc ăn quá nhiều đồ có hàm lượng calo cao, nhiều đường hoặc thức uống có gas sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của nhãn cầu.
- Ít vận động thể chất: Tập thể dục không chỉ tốt cho cơ bắp mà còn có lợi đối với sức khoẻ của mắt. Hoạt động thể thao thường xuyên giúp thúc đẩy vận chuyển máu và các dưỡng chất đi nuôi cơ quan mắt. Vì vậy, việc ít tập luyện thể dục có thể tác động xấu tới chức năng thị giác, tạo cơ hội cho cận thị phát triển.
3. Mắt cận thị khi về già gây ra những biến chứng gì?
Ngoài tìm hiểu xem người bị cận về già có hết không, ta cũng cần nắm rõ những biến chứng liên quan đến tật cận thị ở người cao tuổi để có biện pháp phòng ngừa và điều trị chứng bệnh này ngay từ sớm. Khi không xử lý cận thị trước 40 – 50 tuổi và để chúng tiếp diễn lúc về già sẽ làm tăng nguy cơ dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng hơn, thậm chí phát triển các bệnh lý khó chữa về mắt. Điều này đặc biệt nguy hiểm nếu tật cận thị kết hợp cùng lúc với lão thị. Dưới đây là những biến chứng thường gặp nhất ở những người cao tuổi bị cận thị:
3.1. Bong võng mạc tiểu đường
Những người bị cận thị và đã mắc tiểu đường trên 10 năm thường có nguy cơ cao bị bong võng mạc tiểu đường khi về già. Tình trạng cận thị mức độ nặng khiến giác mạc và trục nhãn cầu bị kéo giãn. Mặt khác, bệnh đái tháo đường khiến cho các mạch máu ở mắt trở nên mỏng manh và dễ vỡ hơn, gây ra tình trạng xuất huyết dịch kính, co kéo và gây bong võng mạc.
Theo số liệu thống kê mới đây của Viện Mắt Quốc Gia cho biết, cứ 10 người bị bong võng mạc tiểu đường sẽ có tới 4 người bị biến chứng mù lòa vĩnh viễn. Vì vậy, những người cao tuổi mắc tật cận thị cần chăm sóc sức khỏe đôi mắt thật chu đáo để hạn chế tối đa nguy cơ phát triển những tình trạng trên.
3.2. Đục thuỷ tinh thể
Theo nghiên cứu gần đây cho thấy, khoảng 50% người từ 65 tuổi trở lên có các biểu hiện của bệnh đục thuỷ tinh thể. Đặc biệt, vấn đề này đến sớm hơn ở những người cao tuổi bị cận nặng trên 6 Diop. Tuy nhiên, đục thuỷ tinh thể khi phát hiện kịp thời vẫn có thể chữa trị thành công bằng phương pháp phẫu thuật.
Các chuyên gia cho biết, đục thuỷ tinh thể là bệnh lý hàng đầu dẫn đến tình trạng mù lòa nếu không được khắc phục sớm. Khi mắc bệnh, thuỷ tinh thể của mắt sẽ trở nên đục dần, đồng thời tín hiệu hình ảnh truyền qua mắt cũng ngày một ít đi, cuối cùng khiến người bệnh không thể nhìn thấy được.
3.3. Bệnh Glocom
Nguyên nhân lớn tiếp sau chỉ sau đục thuỷ tinh thể dẫn đến tình trạng mù lòa là bệnh Glocom. Biến chứng này tăng dần theo tuổi tác và đặc biệt có nguy cơ cao xảy ra ở những người cao niên bị cận nặng trên 8 Diop.
Glocom có thể gây suy giảm thị lực, đồng thời khiến cho tầm nhìn dần thu hẹp về trung tâm mắt. Nếu không chữa trị sớm, bệnh nhân sẽ bị mất thị lực hoàn toàn.
3.4. Thoái hoá điểm vàng
Một biến chứng khác cũng thường xuất hiện ở những người già bị cận thị là thoái hoá điểm vàng. Bệnh có tác động nghiêm trọng đến vùng thị lực trung tâm của mắt, gây ra những hạn chế về tầm nhìn, khả năng lái xe và đọc chữ, thậm chí dẫn đến mù lòa vĩnh viễn.
Tình trạng thoái hóa hoàng điểm xảy ra khi tuổi tác ngày một cao kèm theo tật cận thị khiến võng mạc bị kéo giãn do trục nhãn cầu dài ra. Bên cạnh đó, các vấn đề như xuất huyết, tổn thương mạch máu ở mắt hoặc u nang hoàng điểm cũng là nguyên nhân gây thoái hoá điểm vàng.
3.5. Những biến chứng khác
Bệnh nhân cao tuổi mắc tật cận thị kèm theo các bệnh lý mãn tính khác về huyết áp, dạ dày, gan, xương khớp hay thận,... thường có nguy cơ cao phát triển những biến chứng khác gây nguy hại tới sức khoẻ. Ngay cả khi mắt không còn tăng độ cận, bệnh nhân vẫn nên thường xuyên đi khám tổng quát khoảng 6 tháng / lần, đồng thời chăm sóc cho mắt thật chu đáo để tránh những hệ luỵ khôn lường khác.
4. Cách chăm sóc mắt cho người già bị cận thị
Nhằm giúp cho đôi mắt khỏe mạnh và hạn chế tối đa nguy cơ gặp những biến chứng, người bị cận thị sau 40 tuổi cần chăm sóc mắt cẩn thận với những phương pháp sau:
- Bổ sung dưỡng chất có lợi cho sức khoẻ của mắt như vitamin A, B, C, E, omega 3 hoặc 6,... đến từ những thực phẩm tự nhiên (bí đỏ, bông cải xanh, cà rốt, rau bắp cải,...).
- Tích cực tập thể dục, thể thao ít nhất 30 phút mỗi ngày, đồng thời tăng cường tham gia những hoạt động ngoài trời để rèn luyện sự tinh anh cho đôi mắt.
- Áp dụng các bài tập mát xa cho mắt ít nhất 10 – 15 phút mỗi ngày để chữa tật cận thị, đồng thời làm chậm quá trình lão hoá và giúp mắt tăng thị lực, giảm khô mỏi.
- Xây dựng thói quen sống lành mạnh, tránh xa khói thuốc lá và không để mắt làm việc quá tải,...
- Kiểm tra sức khoẻ của mắt từ 3 – 6 tháng / lần để sớm phát hiện những vấn đề bất thường.
Hy vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp bạn hiểu hơn về việc người bị cận về già có hết không? Nếu có bất kỳ băn khoăn, thắc mắc nào hãy liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị hỗ trợ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.