Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Đỗ Văn Mạnh - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Ngộ độc nước lọc do uống quá nhiều nước rất hiếm gặp nhưng tình trạng này đã gặp trên lâm sàng và đã được ghi nhận. Triệu chứng ngộ độc nước khá giống với bệnh lý thông thường nên nhiều người không phát hiện, đến khi tình trạng trở nặng và phải đi cấp cứu. Vậy ngộ độc nước được hiểu như thế nào và nó ảnh hưởng ra sao đến sức khỏe của người bệnh?
1. Ngộ độc nước là gì?
Nước chiếm 70-80% trọng lượng cơ thể và phân bổ ở hầu hết các cơ quan như 75% thành phần não bộ, 83 % thành phần máu, 22% thành phần trong xương, 75% thành phần tạo nên cơ bắp... Nước có vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động sống như vận chuyển chất dinh dưỡng, oxy đi nuôi cơ thể, chuyển đổi thức ăn thành năng lượng, giúp cơ thể hấp thu dưỡng chất và loại bỏ chất thải, độc tố ra khỏi cơ thể, điều chỉnh nhiệt độ cơ thể...
Việc bổ sung đủ nước hằng ngày giúp chúng ta duy trì cơ thể khỏe mạnh, các nghiên cứu chỉ ra mỗi ngày chúng ta cần uống 2 lít nước, tuy nhiên tùy thuộc vào các yếu tố như môi trường sinh sống hoặc làm việc, công việc của mỗi người, lượng nước bổ sung có thể nhiều hơn 2 lít nước.
XEM THÊM: Bạn có nên uống 3 lít nước mỗi ngày?
Mặc dù uống nhiều nước được khuyến khích vì tốt cho sức khỏe, tuy nhiên mọi người chỉ nên uống đủ lượng nước cần thiết và chia đều lượng nước uống trong một ngày. Không nên uống quá nhiều nước trong thời gian ngắn vì sẽ khiến gián đoạn chức năng não gây ra tình trạng ngộ độc nước. Khi lượng nước được đưa quá nhiều vào trong cơ thể sẽ làm loãng các chất điện giải có trong máu, đặc biệt là natri dẫn đến tình trạng hạ natri máu gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.
Trên thực tế, không có quy định nào là uống bao nhiêu là nhiều nước vì tình trạng sức khỏe, cận nặng và độ tuổi ở mỗi người không giống nhau. Nhìn chung ở người lớn không nên uống nhiều hơn 1 lít nước trong vòng một giờ, trẻ em và người già nên uống ít hơn một chút so với người lớn.
XEM THÊM: Nhu cầu về nước ở trẻ theo từng độ tuổi như thế nào?
2. Triệu chứng ngộ độc nước bạn nên biết
Đa phần các triệu chứng ngộ độc nước có những dấu hiệu như sau:
- Đau đầu
- Buồn nôn hoặc nôn
- Tăng huyết áp
- Hoang mang
- Song thị
- Buồn ngủ
- Yếu cơ và chuột rút
- Mất cảm giác
- Dạ dày khó chịu, chướng bụng
- Trường hợp nặng người bệnh có thể phù não, rối loạn thần kinh, hôn mê hoặc tử vong.
3. Nguyên nhân hình thành ngộ độc nước
Trên thực tế, ngộ độc nước thường xảy ra khi uống nhiều hơn 5 lít nước trong thời gian ngắn và rất ít khi xảy ra tình trạng này, vì đa phần một người không thể uống nhiều nước như vậy chỉ trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, một vài trường hợp vẫn có thể xảy ra ngộ độc nước lọc do tham gia các chương trình hay cuộc thi uống nhiều nước, tập luyện thể thao và uống nhiều nước do khát. Thời kỳ chiến tranh việc tra tấn bằng hình thức tạt nước cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngộ độc nước lọc.
Ngoài các nguyên nhân trên, sau đây là những tác nhân dẫn đến tình trạng nạp quá nhiều nước vào cơ thể:
- Người bị rối loạn tâm thần, không làm chủ được bản thân, uống nhiều nước trong vô thức khiến cơ thể rơi vào tình trạng ngộ độc nước mà không hề biết.
- Sử dụng chất kích thích như thuốc lắc khiến cơ thể ra nhiều mồ hôi dẫn đến uống nhiều nước hơn bình thường
- Trẻ sơ sinh thường có trọng lượng thấp, việc uống quá nhiều nước so với mức mà cơ thể cần sẽ khiến tình trạng ngộ độc nước xảy ra.
- Trong quá trình điều trị người bất tỉnh, việc bổ sung chất dinh dưỡng thông qua đường tĩnh mạch hay ống thông mũi dạ dày cần được kiểm soát cẩn thận, tránh gây ra tình trạng ngộ độc nước vì các chất dinh dưỡng thường dùng đa phần ở dạng lỏng.
4. Điều trị ngộ độc nước như thế nào?
Ngộ độc nước được điều trị dựa trên tình trạng thực tế của bệnh nhân cũng như mức độ nghiêm trọng của triệu chứng để đưa ra phương pháp điều trị thích hợp nhất:
- Giảm lượng nước đang uống hoặc ngừng uống nước cho đến khi cơ thể ổn định.
- Sử dụng thuốc lợi tiểu để đẩy lượng nước dư thừa ra khỏi cơ thể.
- Nếu việc uống nhiều nước do một nguyên nhân bệnh lý nào đó gây ra thì người bệnh phải điều trị căn bệnh đó.
- Trong trường hợp hạ natri nghiêm trọng phải điều trị bằng cách bổ sung natri cho người bệnh.
Ngộ độc nước không phải là trường hợp cấp cứu phổ biến. Bên cạnh đó, đây cũng có thể là khái niệm khá xa lạ đối với nhiều người, vì thực tế không ai nghĩ rằng uống nhiều nước cũng có thể bị ngộ độc. Vì thế, mọi người nên tìm hiểu và biết về cách phòng ngừa tình trạng này. Đối với người hay luyện tập thể thao và làm việc trong môi trường nóng ẩm quanh năm thì nên điều hòa lượng nước nạp vào cơ thể, hoặc sử dụng những loại nước uống có bổ sung thêm các chất điện giải như natri, kali...
Một lưu ý nhỏ là nếu khi đi vệ sinh, bạn thấy màu sắc nước tiểu quá trong thì đây cũng là dấu hiệu cảnh báo bạn đã uống quá nhiều nước và nên điều chỉnh lại lượng nước uống hằng ngày.
Không có tiêu chuẩn chính thức nào về lượng nước một người cần uống mỗi ngày. Lượng nước hấp thụ phù hợp phụ thuộc vào các yếu tố như trọng lượng cơ thể, mức độ hoạt động thể chất, khí hậu, tình trạng sức khỏe, giới tính và tuổi tác. Tuy nhiên, để ngăn ngừa tình trạng thừa nước, ngộ độc nước, bạn chỉ nên uống nước theo nhu cầu, giúp giữ quá trình chuyển hóa nước và điện giải luôn được ổn định.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.