Bài viết được viết bởi Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Hằng - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Xét nghiệm sinh học phân tử có ý nghĩa khẳng định trong chẩn đoán bệnh nhiễm trùng. Tuy nhiên phương pháp này không làm được kháng sinh đồ. Để đánh giá kết quả các xét nghiệm miễn dịch phải dựa vào sinh bệnh học của từng loại vi sinh vật.
1. Bệnh nhiễm trùng (hay còn gọi là bệnh nhiễm khuẩn) là gì?
Nhiễm trùng là sự xâm nhập và nhân lên của vi sinh vật trong/trên vật chủ (có thể gây bệnh hoặc không gây bệnh).
Vi sinh vật và những sinh vật sống có kích thước vô cùng nhỏ bé mà mắt thường không nhìn thấy được, muốn quan sát phải sử dụng các kính hiển vi có độ phóng đại lớn. Vi sinh vật là tác nhân gây nhiễm trùng và bệnh nhiễm trùng. Vi sinh vật bao gồm vi khuẩn, vi rút, nấm và ký sinh trùng.
Bệnh nhiễm trùng là một nhiễm trùng do vi sinh vật gây ra mà trong đó có sự hư hại các chức năng hoặc cấu trúc của cơ thể vật chủ (người hoặc động vật), được biểu hiện bằng các dấu hiệu và triệu chứng.
Hàng năm ở Mỹ có khoảng 125.000 người chết vì bệnh nhiễm trùng. Đây là căn nguyên đứng thứ 4 sau các bệnh tim mạch (650.000), bệnh mạch não (389.000), ung thư (370.000); cao hơn nhiều so với tai nạn (100.000), xơ gan (31.000) và tự tử (25.000).
Việt Nam là nước nhiệt đới, có môi trường và khí hậu thuận lợi cho vi sinh vật phát triển nên bệnh nhiễm trùng rất phổ biến và đa dạng.
2. Xét nghiệm Vi sinh là gì?
Xét nghiệm Vi sinh là tập hợp các xét nghiệm phân tích, chẩn đoán căn nguyên gây nhiễm trùng và bệnh nhiễm trùng bao gồm xác định nguyên nhân (vi sinh vật gây bệnh) hay hậu quả (đáp ứng miễn dịch của cơ thể vật chủ), giúp hỗ trợ cho chẩn đoán và điều trị bệnh nhiễm trùng.
Xét nghiệm Vi sinh được chia thành 2 nhóm lớn là xét nghiệm trực tiếp và xét nghiệm gián tiếp, có thể phân chia thành 4 phương pháp:
- Xét nghiệm soi trực tiếp
- Xét nghiệm nuôi cấy
- Xét nghiệm miễn dịch
- Xét nghiệm sinh học phân tử
3. Ý nghĩa của từng xét nghiệm Vi sinh
Mỗi loại xét nghiệm đều có ý nghĩa riêng của nó.
3.1. Xét nghiệm soi trực tiếp
Đây là phương pháp đơn giản, dễ thực hiện, nhanh có kết quả, bao gồm:
- Làm tiêu bản nhuộm soi từ bệnh phẩm để tìm vi khuẩn, nấm dựa vào hình thể, tính chất bắt màu, kích thước và cách sắp xếp; đánh giá các loại tế bào.
- Làm tiêu bản soi tươi từ bệnh phẩm để tìm ký sinh trùng, một số loại vi khuẩn, nấm dựa vào hình thể, tính chất di động.
Kết quả của các xét nghiệm soi trực tiếp thường chỉ có giá trị chẩn đoán sơ bộ và định hướng cho các bước xét nghiệm tiếp theo. Chỉ trong một số trường hợp, khi các vi sinh vật có hình thể đặc biệt mới có giá trị chẩn đoán khẳng định.
3.2. Xét nghiệm nuôi cấy, phân lập, định danh vi sinh vật
Xét nghiệm này nhằm định danh chính xác vi sinh vật gây bệnh từ các loại bệnh phẩm lấy từ các vị trí bị nhiễm trùng trên cơ thể.
Sau khi nuôi cấy, phân lập, định danh sẽ thu thập được chủng vi sinh vật gây bệnh từ các vị trí nhiễm trùng để tiến hành làm kháng sinh đồ. Kết quả kháng sinh đồ sẽ cho thấy vi sinh vật gây bệnh còn nhạy cảm hay đề kháng với mỗi loại kháng sinh, từ đó giúp các bác sỹ lâm sàng lựa chọn được kháng sinh phù hợp để điều trị.
Vì vậy, kết quả xét nghiệm nuôi cấy, phân lập, định danh vi sinh vật gây bệnh đang được coi là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán các bệnh nhiễm trùng.
3.3. Các xét nghiệm sinh học phân tử
Là các xét nghiệm kỹ thuật cao, phát hiện gen đặc trưng của vi sinh vật, giúp chẩn đoán nhanh bệnh nhiễm trùng, rút ngắn thời gian chờ đợi kết quả.
Xét nghiệm sinh học phân tử có ý nghĩa khẳng định trong chẩn đoán bệnh nhiễm trùng. Tuy nhiên phương pháp này không làm được kháng sinh đồ.
3.4. Các xét nghiệm miễn dịch
Phát hiện kháng nguyên của vi sinh vật hoặc kháng thể trong huyết thanh người bệnh dựa vào kháng thể – kháng nguyên mẫu đã biết trước. Để đánh giá kết quả các xét nghiệm miễn dịch phải dựa vào sinh bệnh học của từng loại vi sinh vật.
XEM THÊM: