Đau thần kinh tọa là bệnh lý thần kinh và cột sống có thể gặp ở người trẻ lẫn người già. Một trong những biện pháp điều trị triệu chứng bệnh là dùng thuốc giảm đau thần kinh tọa. Vậy cần lưu ý điều gì khi dùng loại thuốc này.
1. Bệnh lý đau thần kinh tọa là bệnh lý như thế nào?
Bệnh đau dây thần kinh tọa là bệnh lý thường gặp hiện nay, ở cả nam và nữ, người trưởng thành hoặc người già đều có thể mắc phải. Bệnh đặc trưng bởi tình trạng đau dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa nên thường được gọi là bệnh đau dây thần kinh tọa.
Triệu chứng thường gặp là đau vùng thắt lưng, chạy dọc xuống vùng mông, đùi, cẳng chân, bàn thân và các ngón chân theo đường đi của dây thần kinh tọa. Cơn đau có thể xảy ra một cách đột ngột, thường đau dữ dội hoặc cũng có khi đau âm ỉ. Khi người bệnh cử động mạnh thì sẽ đau nhiều hơn, nằm nghỉ sẽ giảm đau. Đau dây thần kinh tọa ảnh hưởng đến khả năng đi lại của bệnh nhân, vì vậy làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Trong những tình trạng bệnh nặng, người bệnh có thể bị nhức, tê 2 chân và có thể làm mất cảm giác 2 chân.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh lý này thường do thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, chấn thương, thoái hóa cột sống hay thừa cân béo phì.
Bệnh lý này nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách thì có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như liệt 2 chân, vẹo cột sống, hội chứng chùm đuôi ngựa...
2. Bị đau dây thần kinh tọa uống thuốc gì?
Khi đã được chẩn đoán bệnh đau dây thần kinh tọa thì mục tiêu điều trị cho bệnh nhân sẽ là:
- Điều trị theo nguyên nhân để giải quyết triệt để
- Cải thiện triệu chứng đau của bệnh nhân để khả năng vận động được hồi phục.
- Một số trường hợp người bệnh chỉ cần nghỉ ngơi trong một thời gian, điều chỉnh thói quen vận động, lao động thì bệnh sẽ được cải thiện mà không cần dùng thuốc.
- Chỉ định điều trị nội khoa được áp dụng đối với các trường hợp đau nhẹ, đau vừa.
- Chỉ định điều trị ngoại khoa được đưa khi các trường hợp đau nặng, xuất hiện các biến chứng khiến người bệnh không thể vận động hoặc mất cảm giác một số vùng trên cơ thể.
- Đau dây thần kinh tọa ác tính cần được giải áp trước tiên.
Đối với điều trị nội khoa, người bệnh sẽ được kê một hoặc nhiều các loại thuốc sau đây, tùy vào từng bệnh cảnh nhất định mà sẽ có chỉ định kê đơn phù hợp:
- Thuốc giảm đau: Một số loại thuốc giảm đau thần kinh tọa thường được dùng như Acetaminophen, Tramadol, Aspirin, Codein, Morphin...
- Thuốc kháng viêm không chứa Steroid: Thuốc cũng có tác dụng giảm đau, đồng thời giúp kháng viêm. Một số loại thuốc NSAID thường dùng như Ibuprofen, Naproxen, Diclofenac...
- Thuốc Corticosteroid: Thuốc cũng có tác dụng giảm đau, kháng viêm, có thể ở dạng uống hay tiêm. Nếu người bệnh không đáp ứng đối với đường uống thì sẽ có chỉ định dùng thuốc ở đường tiêm.
- Thuốc giãn cơ: Các thuốc giãn cơ thường dùng như Tolperison (có tác động lên hệ thần kinh trung ương), Eperisone (tác động lên cơ vân, cơ trơn mạch máu giúp các cơ này được thư giãn) hay Mephonecin giúp giảm sự co thắt cơ do chèn ép dây thần kinh tọa nên cũng có tác dụng giảm đau.
- Thuốc giảm đau thần kinh: Một số loại thuốc giảm đau thần kinh như Pregabalin hay Gabapentin được sử dụng trong các cơn đau dây thần kinh tọa.
- Thuốc tăng dẫn truyền thần kinh ngoại biên: Loại thuốc thường dùng nhất trong nhóm này đó là Galantamine cũng có tác dụng giảm đau thần kinh tọa.
- Vitamin nhóm B: Vitamin B1, vitamin B6 và vitamin B12 có tác dụng đối với việc hỗ trợ chuyển hóa các tế bào thuộc hệ thần kinh, hỗ trợ trong điều trị đau dây thần kinh tọa.
- Miếng dán Lidocaine: Đây là phương pháp điều trị tại chỗ nên có khả năng làm giảm cơn đau ngay tại vị trí sử dụng miếng dán.
3. Lưu ý khi uống thuốc giảm đau thần kinh tọa
Các loại thuốc giảm đau thần kinh tọa kể trên cần được sử dụng đúng chỉ định, đúng liều và thời gian dùng thuốc hợp lý thì mới mang đến kết quả như mong đợi. Bên cạnh đó, thuốc cũng có một số lưu ý trong quá trình dùng để hạn chế những tác dụng phụ xảy ra:
- Đối với thuốc giảm đau: Paracetamol hay Acetaminophen nếu dùng quá liều sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm như viêm gan, hoại tử gan nên cần lưu ý dùng thuốc với liều lượng 325 – 650mg/ lần, mỗi lần cách nhau 4 – 6 giờ và chỉ dùng khi có cơn đau xuất hiện, không dùng quá 4g/ngày. Aspirin không được sử dụng đối với người dưới 18 tuổi, vì có khả năng gây ra tác dụng phụ là hội chứng Reye.
- Đối với thuốc kháng viêm không chứa steroid: Các thuốc này có thể gây ra những tác dụng không mong muốn lên hệ tiêu hóa, hệ tim mạch... như tình trạng đau dạ dày hay viêm loét dạ dày. Vì vậy, cần dùng thuốc chung với bữa ăn, khi uống nên kèm với thật nhiều nước, khuyến cáo trên 200ml nước hoặc bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng thêm những loại thuốc bảo vệ dạ dày điển hình như thuốc ức chế bơm Proton, misoprostol. Các thuốc NSAIDs có tác dụng phụ lên hệ tim mạch thường phải cẩn trọng hơn khi chỉ định ở những bệnh nhân là người lớn tuổi, có tiền sử bệnh tim mạch. Ngoài ra, thuốc còn có thể gây ra tình trạng chảy máu, mất máu kéo dài nên không sử dụng trên những bệnh nhân đang gặp phải tình trạng xuất huyết, phụ nữ đang mang thai ở 3 tháng cuối thai kỳ, bệnh nhân đang sử dụng vitamin K, methotrexate.
- Đối với thuốc corticosteroid: Thuốc nếu lạm dụng quá liều trong thời gian dài có thể gây ra những ảnh hưởng đối với hệ tim mạch, hệ tiêu hóa nên cần có sự theo sát và chỉ định cụ thể của bác sĩ điều trị đối với loại thuốc giảm đau này.
- Đối với thuốc giãn cơ: Các tác dụng phụ của thuốc có thể gây ra cho người bệnh đó là khô miệng, tiểu tiện khó khăn, chóng mặt, buồn ngủ, tăng men gan, protein niệu nên cần theo dõi khi dùng loại thuốc này.
- Đối với thuốc giảm đau thần kinh: Thuốc cũng gây ra những tác dụng không mong muốn như chóng mặt, cơ thể mệt mỏi, buồn ngủ... Thuốc cũng cần được cân nhắc đối với những bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim, người có tiền sử bệnh thận mãn tính...
- Đối với thuốc tăng dẫn truyền thần kinh ngoại biên: Loại thuốc này cần được sự giám sát chặt của bác sĩ về liều dùng thuốc cũng như thời gian dùng thuốc.
Có rất nhiều loại thuốc cũng như phương pháp để hỗ trợ giảm đau đối với bệnh lý đau dây thần kinh tọa. Tuy nhiên, mỗi loại thuốc đều có những tác dụng không mong muốn và những lưu ý trong khi sử dụng nên người bệnh cần có sự tư vấn kỹ càng của những bác sĩ kinh nghiệm trong điều trị bệnh lý này.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.