Bài viết bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Phạm Quốc Thành - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
Khớp vai là khớp quan trọng trong quá trình vận động của cơ thể con người. Theo đó, khả năng chuyển động của khớp vai cũng lớn hơn so các khớp khác. Chụp cộng hưởng từ (MRI) khớp vai được đánh giá là phương pháp chẩn đoán hình ảnh tối ưu nhất về các bệnh lý liên quan đến xương khớp, trong đó có khớp vai.
1. Chụp cộng hưởng từ khớp vai
Khớp vai là khớp quan trọng trong vận động, hoạt động của cơ thể. Khả năng chuyển động khớp vai lớn hơn các khớp khác về không gian và tần suất. Tuy nhiên, khớp vại lại không vững chắc so với các khớp khác do bề mặt của ổ chảo nhỏ và nông mà chỏm xương cánh tay lại to hơn.
Về giải phẫu khớp vai nối giữa ổ chảo của xương bả vai vào chỏm xương cánh tay. Ổ chảo là hõm nông, nhỏ hơn so với đầu xương cánh tay. Quanh ổ chảo có sụn viền.
Bao khớp bao quanh ổ chảo phía trên và đầu trên xương cánh tay phía dưới. Dây chằng quạ cánh tay từ mỏm quạ đến củ lớn và củ nhỏ đầu trên xương cánh tay. Các dây chằng ổ chảo cánh tay là các phần dày lên của bao khớp bao gồm dây chằng trên, giữa và dưới.
Các cơ liên quan vùng khớp vai gồm: Cơ dưới vai, cơ tròn lớn, cơ lưng rộng, cơ ngực lớn, cơ quạ cánh tay (phía trước), cơ trên gai, dưới gai, tròn bé (phía sau), cơ delta (phía ngoài). Các cơ trên gai, dưới gai, tròn bé, dưới vai tạo thành các cơ xoay chỏm.
Các thay đổi giải phẫu hay bệnh lý các cấu trúc xương, dây chằng và phần mềm quanh khớp làm ảnh hưởng vận động khớp. Chụp cộng hưởng từ khớp vai sẽ cho các hình ảnh đánh giá tốt các bệnh lý khớp vai.
2. Các bệnh lý ở khớp vai cần chụp cộng hưởng từ
Cộng hưởng từ MRI khớp vai được chỉ định trong những trường hợp sau:
- Bất thường các gân, cơ chóp xoay
- Sụn viền ổ chảo
- Các cơ vùng vai
- Bệnh lý bao hoạt dịch
- Rối loạn tủy xương
- Bệnh lý u và viêm khớp vai
- Bệnh lý mạch máu
- Thần kinh
- Chấn thương gãy xương và trật khớp vai
- Mất vững khớp vai
- Hội chứng chèn ép
- Chụp kiểm tra sau phẫu thuật.
3. Quy trình, các bước thực hiện chụp cộng hưởng từ khớp vai
Bước 1: Chuẩn bị bệnh nhân
- Cho bệnh nhân đi vệ sinh trước khi thăm khám
- Có giấy yêu cầu chụp của bác sĩ lâm sàng có chẩn đoán rõ ràng hoặc có hồ sơ bệnh án đầy đủ (nếu cần).
- Giải thích quy trình cho bệnh nhân hiểu rõ để phối hợp tốt trong thăm khám.
- Yêu cầu bệnh nhân loại bỏ bất cứ thứ gì có chứa kim loại (răng giả, máy trợ thính, kẹp tóc, trang sức, vòng tai...)
- Đảm bảo rằng bệnh nhân đã hiểu và điền vào bảng cam kết đồng ý chụp MRI.
- Cung cấp cho bệnh nhân nút tai hoặc bảo vệ tai, nghe nhạc.
- Nếu cần thiết phải đặt đường truyền tĩnh mạch trước khi vào phòng chụp.
Bước 2: Tư thế bệnh nhân
- Bệnh nhân nằm ngửa trên bàn chụp hai chân duỗi thẳng, lòng bàn tay bên cần chụp ngửa và duỗi thẳng.
- Đặt vai bên cần chụp vào coil, dùng nệm chêm lót kê vào vai và hông bên đối diện sao cho lưng bệnh nhân tạo với mặt bàn một góc 20o.
- Cố định tay bằng bao cát đệm mút.
Bước 3: Kỹ thuật viên tiến hành chụp
- Khảo sát khớp vai với các mặt cắt hướng trán-chếch song song với trục dọc khớp, hướng đứng dọc-chếch vuông góc với trục dọc khớp và hướng ngang. Thường khảo sát chuỗi xung SE, kèm chuỗi xung xóa mỡ.
- Khảo sát có tiêm đối quang vào ổ khớp khi đánh giá các sụn viền ổ khớp.
- Khảo sát có tiêm đối quang từ trong trường hợp đánh giá các bệnh lý viêm nhiễm, u hoặc sau phẫu thuật.
Bước 4: Kết thúc thăm khám
- Hướng dẫn bệnh nhân ra ngoài chờ bác sĩ đọc kết quả
- Kỹ thuật viên in phim
Chụp MRI khớp vai có thể phát hiện các tổn thương xương trong chấn thương như gãy không di lệch, dập phù tủy xương, những trường hợp chấn thương đã chụp X - Quang hoặc chụp cắt lớp vi tính nhưng không phát hiện được. Không những thế, chụp cộng hưởng từ xương khớp còn giúp đánh giá các tổn thương khớp vai phần mềm, gân cơ, dây chằng,... kèm theo trong chấn thương xương.
Xem thêm: Hướng dẫn thực hiện quy trình đảm bảo an toàn cộng hưởng từ