Hội chứng parkinson có thể gặp trong những bệnh gì?

Bài viết được viết bởi ThS.BS Nguyễn Thị Minh Phương - Bác sĩ Chuyên khoa Thần Kinh, Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Parkinson là bệnh lý thoái hoá của hệ thần kinh và tiến triển từ từ tăng dần. Người mắc bệnh Parkinson có thể chung sống với bệnh trong nhiều năm. Các triệu chứng của bệnh Parkinson chia làm 2 nhóm: triệu chứng liên quan đến vận động và các triệu chứng không vận động. Các triệu chứng vận động bao gồm: run tay khi nghỉ, giảm độ ve vẩy tay khi đi, giảm biểu cảm nét mặt, giảm chớp mắt, đi lại chậm chạp, tay chân cứng dần, mất thăng bằng ...

Bên cạnh đó giảm khả năng ngửi mùi, mất ngủ, táo bón, hạ huyết áp, tiểu nhiều, sa sút trí tuệ ... là những triệu chứng không vận động. Thông thường các triệu chứng không vận động có thể xuất hiện vài năm trước khi người bệnh có các rối loạn về vận động.

1. Hội chứng parkinson (parkinsonism) là gì ?

Hội chứng Parkinson là một khái niệm chung để chỉ các bất thường về vận động tương tự như trong bệnh Parkinson: run tay, đi lại chậm, cứng tay chân...

Các rối loạn giống như Parkinson này có thể gặp trong nhiều bệnh cảnh, một số trong nhóm này đã được nghiên cứu kỹ hơn và có tên gọi riêng. Trong giai đoạn đầu của bệnh, rất khó có thể phân biệt rõ ràng được đâu là bệnh Parkinson, đâu là hội chứng giống Parkinson.

Thông thường, các triệu chứng trong hội chứng Parkinson tiến triển nhanh hơn, đi kèm với các triệu chứng khác như hoang tưởng, liệt đưa mắt nhìn lên/ xuống, hay ngã từ khi mới bị và không đáp ứng với thuốc điều trị bệnh Parkinson (Levodopa) hoặc đáp ứng chỉ trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên có rất nhiều người bệnh không có đủ các triệu chứng điển hình để chẩn đoán một bệnh cụ thể và bác sĩ chỉ có thể dùng khái niệm Hội chứng Parkinson. Đôi khi việc chẩn đoán xác định chỉ dựa vào việc khám nghiệm não người bệnh (brain autopsy) sau khi chết.


Hội chứng Parkinson là một khái niệm chung để chỉ các bất thường về vận động tương tự như trong bệnh Parkinson
Hội chứng Parkinson là một khái niệm chung để chỉ các bất thường về vận động tương tự như trong bệnh Parkinson

2. Hội chứng parkinson trong một số bệnh lý

Dưới đây là một số bệnh lý có biểu hiện của hội chứng Parkinson:

2.1 Hội chứng Parkinson do thuốc (Drug-Induced Parkinsonism)

Hội chứng Parkinson do thuốc có thể khó chẩn đoán phân biệt với bệnh Parkinson, mặc dù run hoặc mất thăng bằng tư thế xảy ra nhẹ hơn. Một số thuốc có thể làm giảm Dopamine trong não và do đó gây ra các triệu chứng giống bệnh Parkinson.

Các thuốc như thuốc chống loạn thần, chẹn kênh Canxi, một số chất kích thích như Amphetamin, cocain có thể gây hội chứng Parkinson. Nếu bạn dừng sử dụng các chất trên, triệu chứng có thể cải thiện dần hoặc hết, đôi khi có thể sẽ cần khoảng 18 tháng.

2.2 Liệt trên nhân tiến triển (Progressive Supranuclear Palsy -PSP)

Các triệu chứng xảy ra sớm bao gồm mất thăng bằng dáng đi, dẫn tới người bệnh thường bị ngã bất ngờ, thay đổi nhân cách, hay quên. Các vấn đề bất thường thị giác thường xuất hiện sau khoảng 3-5 năm sau khi có triệu chứng về đi lại.

Người bệnh khó nhìn tập trung vào vật do các cơ vận nhãn bị liệt. Các thuốc điều trị bệnh Parkinson có thể có tác dụng điều trị bệnh nhưng cần dùng liều cao hơn.

2.3 Teo đa hệ thống (Multiple System Atrophy - MSA)

Teo đa hệ thống hay còn gọi là hội chứng Shy- Grager bao gồm một nhóm các rối loạn của 1 hoặc nhiều hệ trong cơ thể. Triệu chứng hay gặp nhất và xuất hiện sớm nhất là các biểu hiện rối loạn thần kinh thực vật như hạ huyết áp tư thế, rối loạn tiểu tiện, rối loạn cương dương... Các dấu hiệu khác có thể gặp như nói khó, nuốt khó, khó thở, giảm tiết mồ hôi, cứng tay chân, chậm chạp...

Ở bệnh nhân teo đa hệ thống, các triệu chứng cứng và giảm vận động thường tiến triển nhanh, do đó người bệnh thường sẽ sớm bị mất thăng bằng và ngã hơn trong vòng 3 năm đầu tiên kể từ khi khởi phát bệnh. Bệnh nhân thường đáp ứng kém với các thuốc điều trị bệnh Parkinson.


Teo đa hệ thống là căn bệnh có biểu hiện của bệnh Parkinson
Teo đa hệ thống là căn bệnh có biểu hiện của bệnh Parkinson

2.4 Sa sút trí tuệ thể Lewy (Dementia with Lewy Bodies - DLB)

Sa sút trí tuệ thể Lewy là nguyên nhân thứ 2 gây sa sút trí tuệ ở người già sau bệnh Alzheimer. Các triệu chứng suy giảm nhận thức, giảm trí nhớ, lẫn lộn tiến triển tăng dần.

gười bệnh cũng hay xuất hiện các triệu chứng hoang tưởng thị giác, giảm khả năng tập trung chú ý hoặc mức độ tỉnh táo. Run thường không xảy ra hoặc xảy ra rất kín đáo. Các triệu chứng của Parkinson thường không hoặc đáp ứng kém với Levodopa.

2.5 Thoái hóa vỏ não - hạch nền (Corticobasal Degeneration -CBD)

Là bệnh lý ít gặp nhất trong nhóm các hội chứng Parkinson. Bệnh thường xảy ra sau 60 tuổi. Các triệu chứng bao gồm mất chức năng của 1 nửa người, kèm theo các động tác tự động, giật cơ ở 1 tay hoặc chân và nói khó.

Người bệnh có thể gặp khó khăn hoặc không thể sử dụng được chi bị tổn thương, mặc dù không bị liệt vận động hay mất cảm giác ở chi đó. Cho đến nay vẫn chưa có điều trị đặc hiệu cho bệnh nhân.

2.6 Hội chứng Parkinson do bệnh mạch máu (Vascular Parkinsonism)

Bệnh xảy ra do các mạch máu nhỏ trong não bị tắc, gây đột quỵ nhẹ, và có thể xảy ra nhiều đợt như vậy. Thông thường người bệnh sẽ hay bị các triệu chứng về dáng đi hơn là các triệu chứng run, và hay xảy ra ở 2 chân.

Bệnh tiến triển chậm hơn so với các dạng khác của hội chứng Parkinson, hoặc có thể diễn biến từng đợt nặng dần. Các triệu chứng có thể đáp ứng một phần hoặc không đáp ứng với Levodopa.

3. Chẩn đoán

Cho đến nay chưa có một test nào giúp chẩn đoán xác định bệnh Parkinson với hội chứng Parkinson hoặc phân biệt giữa các hội chứng Parkison với nhau. Bác sĩ sẽ dựa vào bệnh sử của bệnh nhân, khám lâm sàng và một số xét nghiệm để đưa ra nhận định ban đầu. Trong nhiều trường hợp rất khó để nhận biết bệnh Parkinson với hội chứng Parkinson.

Vì vậy chẩn đoán có thể sẽ được bác sĩ xem xét lại dựa vào tiến triển của bệnh, dựa vào sự đáp ứng với các thuốc điều trị hoặc sự xuất hiện thêm các triệu chứng mới.

4. Điều trị


Bác sĩ có thể sẽ kê đơn điều trị một số triệu chứng như thuốc chống trầm cảm, tiêm botox..
Bác sĩ có thể sẽ kê đơn điều trị một số triệu chứng như thuốc chống trầm cảm, tiêm botox..

Các thuốc làm tăng nồng độ Dopamine ở não là những thuốc đầu tay trong điều trị bệnh Parkinson. Với những bệnh nhân có hội chứng Parkinson, có thể sử dụng những thuốc tương tự để điều trị.

Tuy nhiên không phải trường hợp nào thuốc cũng có hiệu quả. Bác sĩ có thể sẽ kê đơn điều trị một số triệu chứng như thuốc chống trầm cảm, tiêm botox..

Bên cạnh đó, nên duy trì một chế độ tập thể dục hàng ngày để cải thiện độ cứng cũng như sự mềm dẻo của các cơ và khớp. Kết hợp điều trị lý liệu pháp, hoạt động trị liệu ngôn ngữ và liệu pháp nghề nghiệp.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa. Khách hàng khi chọn thực hiện các xét nghiệm tại đây có thể hoàn toàn yên tâm về độ chính xác của kết quả xét nghiệm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe