Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Huỳnh An Thiên - Bác sĩ Nội thần kinh - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Hội chứng màng não xuất hiện khi màng não chịu tổn thương bởi các nguyên nhân khác nhau. Hội chứng màng não có thể có các triệu chứng như co giật, rối loạn thực vật hoặc hôn mê, gây nguy hiểm tới tính mạng của bệnh nhân.
1. Cấu tạo và chức năng của màng não và dịch não tủy
Não bộ và tủy sống được bảo vệ bởi màng não. Màng não gồm 3 lớp:
- Màng cứng: Là một màng xơ dày, dính chặt vào mặt bên trong của xương sọ và gồm có 2 lá. Trong khoang sọ, 2 lá này dính với nhau và chỉ tách ra ở những vị trí tạo thành xoang tĩnh mạch;
- Màng nhện: Là một lớp màng mỏng, bao gồm những sợi lỏng lẻo và nằm sát mặt trong của màng cứng;
- Màng nuôi (hoặc màng mềm): Là lớp màng dính sát vào tổ chức não, có nhiều mạch máu. Nằm giữa màng nhện và màng nuôi là khoang dưới nhện - nơi chứa dịch não tủy. Dịch não tủy là chất lỏng không màu, có tổng dung tích khoảng 130ml. Dịch não tủy có chức năng bảo vệ não tránh khỏi các chấn thương cơ học, nuôi dưỡng các mô thần kinh, đồng thời loại bỏ các sản phẩm chuyển hóa hệ thần kinh.
Màng não có chức năng bao quanh, bảo vệ bộ não, tủy sống và phần đầu của các dây thần kinh sọ não. Khi màng não bị tổn thương do các nguyên nhân như xuất huyết dưới nhện, u, viêm màng não, phù não - màng não cấp,... thì trên lâm sàng sẽ thấy biểu hiện hội chứng màng não.
2. Hội chứng màng não là gì?
Hội chứng màng não là tổng hợp các triệu chứng bệnh lý ở não - màng não gây ra. Hội chứng màng não gồm một số triệu chứng, được gộp thành 3 nhóm là:
- Hội chứng kích thích màng não;
- Hội chứng về dịch não tủy;
- Những dấu chứng tổn thương não.
Yếu tố quyết định để chẩn đoán xác định hội chứng màng não chính là sự thay đổi về dịch não tủy. Nếu bệnh nhân có hội chứng kích thích màng não nhưng dịch não tủy vẫn bình thường thì tình trạng đó được coi là phản ứng màng não, không xem là hội chứng màng não bệnh học.
3. Triệu chứng của hội chứng màng não
3.1 Triệu chứng toàn thân
- Bệnh nhân mệt mỏi, môi khô, khát nước, tiểu ít và đau nhức toàn thân;
- Sốt cao, mạch chậm và không đều, da khô nóng, ăn uống kém.
3.2 Triệu chứng não toàn bộ
Tam chứng màng não
- Đau đầu: Là triệu chứng hay gặp nhất. Bệnh nhân bị đau đầu dữ dội vùng trán và sau gáy, đau tăng khi có tiếng động, ánh sáng hoặc cử động đột ngột, sử dụng thuốc giảm đau không có hiệu quả nhưng sẽ đỡ đau nhanh nếu rút bớt dịch não tủy;
- Nôn vọt: Người bệnh dễ bị nôn, nôn đột ngột (đặc biệt là khi thay đổi tư thế), không có buồn nôn báo trước. Có nhiều trường hợp sau khi nôn đã giảm đau đầu;
- Táo bón, không kèm theo chướng bụng, không đỡ khi dùng thuốc nhuận tràng. Nếu bệnh xảy ra ở trẻ em thì trẻ có thể bị tiêu chảy.
Triệu chứng thực thể
- Rối loạn tâm thần: Bệnh nhân có thể bị trầm cảm hoặc kích động vật vã;
- Rối loạn ý thức: Lú lẫn, dẫn đến hôn mê;
- Co cứng cơ: Khi màng não bị kích thích dẫn đến tăng trương lực cơ, co cứng cơ, đặc biệt là cơ vùng cổ lưng nhưng không gây đau. Khi khám có thể đánh giá tư thế đặc trưng của người bệnh, dấu hiệu cứng gáy, dấu hiệu Kernig và dấu hiệu Brudzinski để xác định tình trạng co cứng cơ;
- Rối loạn cơ tròn: Bí hoặc đại tiểu tiện không tự chủ;
- Tăng phản xạ gân xương đều tứ chi do tình trạng kích thích bó tháp;
- Tăng cảm giác đau toàn thân;
- Sợ ánh sáng do tăng cảm giác đau khi nhìn ra hướng có ánh sáng;
- Rối loạn thần kinh giao cảm: Mặt đỏ hoặc tái, vã mồ hôi lạnh;
Triệu chứng não khu trú: Động kinh toàn thể hoặc động kinh cục bộ, bại liệt chi, tổn thương dây thần kinh sọ não (đặc biệt ở các trường hợp viêm màng não mủ, lao màng não).
3.3 Thay đổi ở dịch não tủy
- Dịch não tủy có thể bình thường hoặc thay đổi theo nguyên nhân gây bệnh;
- Màu sắc dịch não tủy: Bình thường trong nhưng có thể có màu vàng chanh, đỏ máu hoặc đục tùy nguyên nhân gây bệnh. Cụ thể, màu đỏ do xuất huyết màng não, chấn thương sọ não, bệnh máu, vỡ dị dạng mạch máu, tăng huyết áp, viêm màng não tối cấp. Màu vàng do xuất huyết lâu ngày mới chọc dịch não tủy hoặc do lao màng não. Màu đục do viêm màng não mủ. Màu trong suốt cũng có thể do lao, siêu vi,... nên cần xét nghiệm;
- Áp lực dịch não tủy tăng trên 20cmH2O khi chọc dò thắt lưng ở tư thế nằm (áp lực bình thường là 7 - 20cmH2O);
- Các xét nghiệm sinh hóa có thể bình thường hoặc thay đổi ở các thành phần như Protein, NaCl, Glucose,...;
- Xét nghiệm vi khuẩn: Soi tìm hoặc nuôi cấy có thể phát hiện một số vi khuẩn gây bệnh trong dịch não tủy;
- Tế bào: Cho kết quả bình thường hoặc tăng bạch cầu lympho hay neutro.
Cần chẩn đoán phân biệt hội chứng màng não với phản ứng màng não và một số trường hợp giả màng não như đau cơ, đau xương, đau cột sống, viêm khớp, viêm xương, nhiễm virus hoặc chấn thương vùng cột sống cổ.
4. Nguyên nhân hội chứng màng não
- Viêm màng não mủ: Các triệu chứng lâm sàng xảy ra đột ngột, cấp tính với biểu hiện sốt cao, nhiễm trùng, nhiễm độc và dấu hiệu màng não rầm rộ. Dịch não tủy có màu đục như nước vo gạo, khi xét nghiệm sinh hóa sẽ thấy glucose và muối giảm, tìm thấy tế bào bạch cầu đa nhân trung tính thoái hóa. Khi nuôi cấy dịch não tủy sẽ phát hiện có vi khuẩn gây mủ;
- Viêm màng não do virus: Hội chứng màng não xảy ra cấp tính rầm rộ, dịch não tủy có màu trong, albumin tăng, glucose và muối bình thường, tế bào lympho tăng;
- Viêm màng não lao: Bệnh nhân bị gầy sút, chán ăn, mệt mỏi, sốt nhẹ vào buổi chiều; dịch não tủy có màu trong hoặc vàng chanh, xét nghiệm thấy tăng protein, giảm glucose và muối; xét nghiệm tế bào chủ yếu tăng lympho và nuôi cấy có thể tìm được vi khuẩn lao;
- Xuất huyết dưới nhện (chảy máu màng não): có biểu hiện nhức đầu dữ dội, có thể đi kèm rối loạn ý thức, dấu hiệu màng não rõ. Khi chọc dò dịch não tủy thấy có máu không đông. Khi chụp cắt lớp vi tính sọ não sẽ thấy máu trong khoang dưới nhện. Ở người trẻ tuổi, xuất huyết màng não thường do dị dạng mạch và trường hợp này cần chụp mạch não để chẩn đoán xác định.
Hội chứng màng não là tình trạng nguy hiểm có thể đe dọa tới tính mạng bệnh nhân. Vì vậy, khi có biểu hiện của hội chứng màng não, bệnh nhân cần được thăm khám, chẩn đoán xác định nguyên nhân để kịp thời điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.