Hình ảnh cộng hưởng từ (mri) trong bệnh Parkinson

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Tôn Nữ Trà My - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Hình ảnh cộng hưởng từ bệnh Parkinson có vai trò quan trọng trong chẩn đoán phân biệt bệnh Parkinson và một số bệnh lý gây ra hội chứng Parkinson. Từ kết quả chẩn đoán này các bác sĩ có thể phân biệt, xác định giai đoạn bệnh và đưa ra hướng điều trị phù hợp.

1. Đặc điểm của bệnh Parkinson

Bệnh Parkinson là một dạng thoái hóa của hệ thần kinh trung ương làm ảnh hưởng đến khả năng cử động, giữ thăng bằng và kiểm soát cơ của người bệnh. Bệnh Parkinson thường gặp ở người cao tuổi, tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng lớn. Cả nam và nữ đều có thể mắc bệnh Parkinson nhưng tỷ lệ mắc bệnh ở nam cao hơn nữ. Các nhà khoa học hiện nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể gây bệnh Parkinson nhưng nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, hàm lượng Dopamine trong cơ thể người bệnh bị giảm đi đáng kể. Dopamine là một chất dẫn truyền thần kinh có vai trò quan trọng giúp truyền tín hiệu giữa các sợi thần kinh trong não, giúp cho việc cử động và phối hợp động tác của cơ thể. Khi các tế bào não bị thoái hóa sẽ khiến lượng Dopamin trong cơ thể người bệnh thiếu hụt đi và làm người bệnh gặp nhiều khó khăn trong vận động.

Ở giai đoạn sớm người bệnh Parkinson có thể có các triệu chứng như:

  • Mệt mỏi, đau cơ, táo bón, khó khăn trong thực hiện các thao tác đơn giản như đi giày, dép,...
  • Giảm hoạt động một tay khi vận động, rối loạn chữ viết, vã mồ hôi và bong vảy da ở mặt gối
  • Một số ít người bệnh có triệu chứng run khi nghỉ nhưng không liên tục, kín đáo.

Giảm hoạt động một tay khi vận động là triệu chứng thường gặp ở bênh nhân Parkinson
Giảm hoạt động một tay khi vận động là triệu chứng thường gặp ở bênh nhân Parkinson

Khi bệnh tiến triển sang giai đoạn nặng thì các triệu chứng bắt đầu biểu hiện rõ ràng hơn, người bệnh Parkinson có các triệu chứng điển hình là:

  • Run: là triệu chứng thấy rõ ở môi, lưỡi, ngọn chi. Run thường xuất hiện ở một bên cơ thể trong nhiều năm đầu, sau một vài năm có thể tiến hành run hai bên. Bên bị run đầu tiên cũng có xu hướng bị nặng hơn trong suốt diễn biến bệnh.
  • Cứng đơ: chân tay người bệnh cứng ở tất cả các nhóm cơ gây khó khăn trong vận động. Đây là một trong các triệu chứng quan trọng nhất.
  • Giảm vận động: người bệnh mất vẻ biểu lộ tình cảm trên khuôn mặt, ít chớp mắt. Mất đi các động tác tự nhiên của tay chân, nhất là khi cử động.

Các triệu chứng thường gặp khác là phù, tím tái ngọn chi, rối loạn chức năng dạ dày, bàng quang, hạ huyết áp tư thế, loạn cảm giác đau, trầm cảm, sa sút trí tuệ ở giai đoạn nặng,...

Cần phân biệt bệnh Parkinson và hội chứng Parkinson. Hội chứng Parkinson gồm những triệu chứng giống bệnh Parkinson nhưng do những bệnh lý khác gây ra các triệu chứng này.

2. Hình ảnh cộng hưởng từ bệnh Parkinson

Chụp cộng hưởng từ sọ não là kỹ thuật tạo ra những hình ảnh giải phẫu trong cơ thể nhờ từ trường và sóng radio. Đây là phương pháp an toàn, không xâm lấn nhưng cho hình ảnh có độ sắc nét cao, giúp phát hiện những tổn thương, bất thường sọ não từ giai đoạn sớm.

Để chẩn đoán bệnh Parkinson, bác sĩ sẽ dựa vào các triệu chứng lâm sàng và chỉ định thực hiện một số xét nghiệm chuyên biệt. Chụp cộng hưởng từ (MRI) sọ não có vai trò quan trọng trong chẩn đoán phân biệt bệnh Parkinson và một số bệnh lý gây ra hội chứng Parkinson.

Hình ảnh cộng hưởng từ bệnh Parkinson có các đặc điểm sau đây: hình ảnh teo chất đen ở thân não. Trên ảnh T2 có thể nhận thấy liềm đen giảm tín hiệu hơn bình thường. Chụp cộng hưởng từ sọ não cũng giúp phát hiện được các nguyên nhân gây hội chứng Parkinson thứ phát.


Bệnh nhân Parkinson nên được chỉ định chụp MRI sọ não để đánh giá tình trạng bệnh
Bệnh nhân Parkinson nên được chỉ định chụp MRI sọ não để đánh giá tình trạng bệnh

3. Người bệnh cần lưu ý gì khi chụp cộng hưởng từ trong bệnh Parkinson?

Khi được bác sĩ chỉ định chụp cộng hưởng từ sọ não để chẩn đoán bệnh Parkinson, người bệnh cần lưu ý một số điểm sau đây để đảm bảo an toàn khi chụp:

  • Người bệnh không được mang vào phòng chụp MRI các vật dụng có kim loại như trang sức, đồng hồ, điện thoại di động, chìa khóa,...
  • Từ trường cao của máy chụp có thể gây hại đến thiết bị cấy ghép bằng kim loại trong cơ thể. Do đó, người bệnh cần thông báo cho nhân viên phòng chụp nếu có sử dụng máy trợ thính, máy tạo nhịp tim, van tim nhân tạo,...
  • Cố gắng nằm yên khi chụp để hình ảnh đạt chất lượng tốt.

Người bệnh không cần nhịn đói trước khi chụp cộng hưởng từ sọ não. Chỉ trường hợp cần gây mê, bác sĩ sẽ dặn người bệnh nhịn đói 4-6 tiếng trước khi chụp. Thời gian chụp thường dao động từ 15-45 phút, tùy thuộc vào mức độ phức tạp cần khảo sát và sự hợp tác của người bệnh.


Bệnh nhân không cần nhin ăn trước khi tiến hành chụp MRI sọ não
Bệnh nhân không cần nhin ăn trước khi tiến hành chụp MRI sọ não

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe