Hạ kali máu gặp trong những bệnh gì?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Võ Hà Băng Sương - Bác sĩ Nội tổng quát - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Rối loạn Kali là một trong những rối loạn điện giải thường gặp trên lâm sàng. Kali ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh; khi nồng độ kali thấp, các tế bào không thể phân cực và giải phóng năng lượng liên tục, làm cơ bắp và dây thần kinh không thể hoạt động bình thường.

1. Nguyên nhân gây hạ Kali máu

Hạ kali máu có thể là do lượng kali nhập vào giảm, nhưng thường do mất kali quá mức trong nước tiểu hoặc từ đường tiêu hoá.

1.1 Mất kali qua thận


Hạ kali có thể dẫn đến hạ magie, hạ clo trong máu
Hạ kali có thể dẫn đến hạ magie, hạ clo trong máu

Mất Kali qua thận gặp ở các rối loạn gây tăng bài tiết kali qua thận. Tăng aldosterone nguyên phát hay thứ phát đều dẫn đến tăng bài tiết kali ở các đoạn ống thận (quai Henlle, ống lượn xa).

Có thể gặp một số trường hợp sau:

  • Bệnh lý tuyến thượng thận nguyên phát (tăng sản thượng thận bẩm sinh, u tuyến thượng thận hoặc thứ phát (Hội chứng cushing) gây thừa steroid, dẫn đến cường Aldosterol thứ phát. Các u tiết Aldosterol tiên phát.
  • Ăn các chất như glycyrrhizin (có trong cam thảo tự nhiên và được sử dụng trong sản xuất thuốc lá nhai), ức chế enzym 11 beta-hydroxysteroid dehydrogenase (11β-HSDH), ngăn ngừa việc chuyển đổi cortisol, có hoạt tính muối nước, thành cortisone, điều này không dẫn đến nồng độ cortisol cao và thải kali qua thận.
  • Một số bệnh lý di truyền hiếm gặp:

+ Hội chứng Bartter, một rối loạn cơ bản được biết đến là tình trạng sản xuất renin và aldosterone quá mức, tăng thải Kali và natri qua thận, hậu quả của đột biến trong cơ chế vận chuyển ion nhạy cảm lợi tiểu quai trong quai Henle

+ Hội chứng Gitelman: Tương tự hội chứng Bartter, Hội chứng Gitelman cũng có tình trạng sản xuất quá mức renin và aldosterone, thận thải kali và natri, đột biến chức năng trong cơ chế vận chuyển ion nhạy cảm thiazid ở ống lượn xa.

+ Hội chứng Liddle là một rối loạn nhiễm sắc thể trội hiếm gặp, có đặc trưng bởi tăng huyết áp và hạ kali nặng. Hội chứng Liddle được gây ra bởi sự hấp thụ natri không kiềm chế được trong ống lượn xa. Sự hấp thụ nồng độ natri cao một cách không thích hợp làm tăng huyết áp và thận thải kali.

  • Thận thải kali cũng có thể gây ra bởi nhiều bệnh về thận bẩm sinh và mắc phải, chẳng hạn như toan hóa ống thận và Hội chứng Fanconi, một hội chứng bất thường gây thải kali, glucose, phosphate, acid uric, và axit amin.

- Hạ magne máu là một tình trạng có liên quan thường gặp của hạ kali máu. Phần lớn sự tương quan này là do các nguyên nhân thông thường (ví dụ như thuốc lợi tiểu, tiêu chảy), nhưng bản thân hạ magne máu cũng có thể làm tăng sự mất kali thận.

1.2 Mất kali qua đường tiêu hóa

  • Nôn hoặc mất do dẫn lưu qua sonde dạ dày gây ra mất kali thận do kiềm chuyển hóa và kích thích tiết aldosterone do giảm thể tích; aldosterone và kiềm chuyển hoá đều làm cho thận thải kali.
  • Dẫn lưu mật, mở thông hồi tràng, sau phẫu thuật ruột non.
  • Tiêu chảy cấp và mạn tính. Thụt tháo hoặc dùng thuốc nhuận tràng.

1.3. Dịch chuyển trong tế bào

Tình trạng kali dịch chuyển từ ngoại bào vào trong tế bào gây nên hạ kali máu có thể gặp trong các trường hợp:

  • Dùng insulin theo đường tĩnh mạch trong điều trị đái tháo đường, truyền glucose, dùng Natri bicarbonat.
  • Kích thích hệ thống thần kinh giao cảm, đặc biệt với các thuốc đồng vận beta2 (ví dụ, Theophylin, albuterol, terbutaline), có thể làm tăng hấp thu kali tế bào. Hạ Kali gây ra do nhiễm độc giáp là hậu quả gián tiếp theo cơ chế này,
  • Liệt chu kì có tính chất gia đình: rối loạn nhiễm sắc thể trội hiếm gặp đặc trưng bởi những cơn thoáng qua của tình trạng hạ kali máu nặng do là sự dịch chuyển bất thường đột ngột của kali vào trong tế bào.

1.4 Do thuốc

  • Thuốc lợi tiểu là những loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất gây ra hạ kali máu: Thiazides. Lợi tiểu quai. Thuốc lợi tiểu thẩm thấu
  • Thuốc nhuận tràng, gây tiêu chảy cũng là nguyên nhân thường gặp gây hạ Kail máu. Đặc biệt lưu ý ở những đối tượng liệt phải nằm lâu, sử dụng thuốc nhuộn tràng để hỗ trợ, hoặc đối tượng giảm cân sử dụng thuốc nhóm giảm hấp thu mỡ kéo dài.
  • Một số loại thuốc khác gây hạ Kali máu:

+ Corticoid.

+ Một số loại kháng sinh: Penicillin kháng trực khuẩn mủ xanh (ví dụ carbenicillin), Penicillin với liều cao

+ Điều trị thiếu hụt vitamin B12 và acid folic.

2. Triệu chứng lâm sàng thường có

  • Các dấu hiệu rối loạn thần kinh cơ: Dị cảm, yếu- nhược cơ, giảm phản xạ gân xương, liệt ruột, táo bón, cũng có khi tiêu chảy, hay nôn nhiều, nôn khó kiểm soát.
  • Rối loạn về nhịp tim, huyết động.
  • Hạ huyết áp tư thế, ngất xỉu, nặng có khi hôn mê.
  • Nhạy cảm hơn với các thuốc nhóm digitalis.
  • Các thay đổi về điện tim: Sóng T thấp - dẹt, xuất hiện sóng U, sóng T âm, đảo chiều, sóng U cao nhọn, khoảng PR dài ra, đoạn ST thấp, block nhĩ thất các cấp độ (độ I, II, III)
  • Giảm khả năng dung nạp glucose.
  • Kiềm máu làm cho bệnh nhân xơ gan dễ đi vào hôn mê gan.

Rối loạn nhịp tim có thể là một trong những triệu chứng của bệnh hạ kali
Rối loạn nhịp tim có thể là một trong những triệu chứng của bệnh hạ kali

3. Chẩn đoán Hạ Kali máu

Chẩn đoán hạ Kali máu khi có các triệu chứng lâm sàng gợi ý, khai thác kỹ tiền sử gia đình. Chẩn đoán xác định dựa vào xét nghiệm Kali huyết thanh.

Chẩn đoán hạ Kali máu khi nồng độ kali huyết tăng huyết thanh < 3,5mmol/L

4. Xử trí khi hạ kali máu

Hạ kali máu mức độ nhẹ (kali 3,0 – 3,4 mmol/L). Nên sử dụng Kali clorua đường uống. Xét nghiệm nồng độ kali mỗi ngày để điều chỉnh. Tìm và điều trị nguyên nhân.

Hạ kali máu trung bình (kali 2,5 – 2,9 mmol/L và không có triệu chứng). Sử dụng Kali clorua đường uống. Hoặc có thể sử dụng truyền tĩnh mạch nếu đường uống khó dung nạp (do nôn nhiều hoặc bệnh nhân ăn uống kém). Theo dõi điện tim và xét nghiệm nồng độ kali máu để điều chỉnh. Tìm và điều trị nguyên nhân.

Hạ kali máu nặng (Kali < 2,5 mmol/L), hoặc hạ kali máu có triệu chứng, hoặc kali máu 2,5 - 2,9 mmol/L ở BN đang dùng thuốc nhóm digitalis (digoxin). Trong trường hợp này ưu tiên sử dụng kali clorua tĩnh mạch (pha dịch đẳng trương truyền tĩnh mạch chậm). Theo dõi điện tim và triệu chứng lâm sàng (nếu có). Xét nghiệm lại kali máu mỗi khi truyền được 40 mmol K+ để điều chỉnh theo nồng độ kali máu phù hợp với triệu chứng. Cụ thể pha kali clorua nồng độ cao (> 40 mmol/L) truyền tĩnh mạch có thể gây viêm vô khuẩn tĩnh mạch, nên truyền bằng đường tĩnh mạch trung tâm, hoặc dùng bơm tiêm điện để kiểm soát liều một cách thận trọng.

* Lưu ý hạ kali máu nặng có thể gây ra các loạn nhịp tim rất nặng, đặc biệt ở bệnh nhân tim. Điều trị hạ kali máu phải dựa vào xét nghiệm kali máu và theo dõi chặt chẽ điện tim để điều chỉnh liều lượng kali đưa vào, tránh nguy cơ gây tăng kali máu, hoặc ngược lại, bù không hiệu quả do không đủ. Cần chú ý điều trị dự phòng cho những bệnh nhân có nguy cơ hạ kali máu.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe