Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Gây mê hồi sức - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Thoát vị rốn là một tình trạng bệnh lý xảy ra khi một phần ruột hoặc mô tạng trong ổ bụng lồi ra khỏi vị trí bình thường của nó, chui ra khỏi thành bụng và tạo thành một khối lồi khu vực quanh rốn. Có rất nhiều dạng thoát vị rốn khác nhau và thường gặp ở đối tượng trẻ sơ sinh – trẻ nhỏ, hiếm gặp ở người trưởng thành. Trong một số trường hợp, các bác sĩ buộc phải chỉ định phẫu thuật thoát vị rốn và gây mê luôn là một trong những bước quan trọng khi thực hiện phẫu thuật này.
1. Phẫu thuật thoát vị rốn thường được tiến hành khi nào?
Phẫu thuật thoát vị rốn nhằm mục đích đưa khối phồng trở về vị trí đúng một cách nhanh chóng và củng cố lại thành bụng. Tuy nhiên, phẫu thuật thoát vị rốn không phải lúc nào cũng được chỉ định. Trong một số trường hợp, thoát vị rốn – hở thành bụng có thể tự khỏi. Đặc biệt, đối với nhóm trẻ sơ sinh trước 12 tháng tuổi, phần lớn các thoát vị sẽ tự đóng mà không cần điều trị.
Chỉ định phẫu thuật thường sẽ được áp dụng khi:
- Có sự phát triển thoát vị sau khi bé được 1 – 2 tuổi.
- Khối thoát vị vẫn tồn tại khi trẻ 4 tuổi.
- Có ruột nằm trong túi thoát vị và gây giảm nhu động hoặc gây tắc ruột.
- Kẹt khối thoát vị...
Đối với người lớn, chỉ định phẫu thuật sẽ được chỉ định nhiều hơn nhằm ngăn ngừa các nguy cơ rủi ro tiềm ẩn, đặc biệt đối với các trường hợp thoát bị bắt đầu phát triển gây đau.
2. Các biến chứng có thể xảy ra sau khi phẫu thuật thoát vị rốn – hở thành bụng
Bất kỳ phẫu thuật nào cũng sẽ có các rủi ro nhất định. Đối với phẫu thuật điều trị thoát vị rốn và hở thành bụng, biến chứng có thể xảy ra trong quá trình gây mê, chảy máu liên tục hay có sự hình thành cục máu tụ. Cùng với đó, các biến chứng cụ thể của phẫu thuật:
- Các cơ quan trong khoang bụng bị tổn thương.
- Cắt mất rốn.
- Xuất hiện một cục lồi phía trên vết mổ...
Để giảm thiểu những rủi ro này, bệnh nhân cần phối hợp với bác sĩ và thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn chuẩn bị cho phẫu thuật, bao gồm nhịn ăn/ngừng sử dụng thuốc...
3. Quy trình tiến hành phẫu thuật thoát vị rốn – hở thành bụng
Phẫu thuật thường được bắt đầu từ việc gây mê nội khí quản . Sau khi quá trình gây mê hoàn thành và người bệnh ổn định, các bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch một đường mổ dưới rốn. Lớp niêm mạc bụng sẽ bị lồi ra ngoài lớp cơ và được cô lập. Chính vị trí này là “túi thoát vị”. Theo đó, các bác sĩ sẽ thao tác để đưa túi thoát vị này về đúng với vị trí.
Nếu vết mổ nhỏ, nó có thể được khâu lại và các vết khâu này sẽ tồn tại vĩnh viễn nhằm hạn chế sự tái phát của túi thoát vị trong tương lai.
Nếu khiếm khuyết lớn thì các bác sĩ sẽ sử dụng lưới ghép để phủ các lỗ tại cơ. Màng lưới sẽ ngăn ngừa sự tái xuất hiện của tình trạng thoát vị. Phẫu thuật thoát vị rốn và hở thành bụng thường kéo dài trong khoảng 30 phút.
4. Gây mê phẫu thuật thoát vị rốn được tiến hành như thế nào?
Kỹ thuật gây mê phẫu thuật thoát vị rốn được áp dụng là gây mê nội khí quản. Kỹ thuật này sẽ gây mê toàn thân trong suốt quá trình phẫu thuật. Cùng với đó, thao tác đặt nội khí quản sẽ hỗ trợ kiểm soát quá trình hô hấp của bệnh nhân. Người bệnh sẽ được kiểm soát độ mê, độ đau, độ dãn cơ ... bằng các loại thuốc khác nhau.
Trước khi thực hiện gây mê, bệnh nhân cần phải:
- Được thăm khám tiền mê trước vài ngày để tư vấn về phương pháp gây mê, lợi ích cũng như nguy cơ và biến chứng của mỗi phương pháp, kiểm soát các yếu tố nguy cơ, phòng ngừa biến chứng trong quá trình gây mê.
- Thuyết phục bệnh nhân hợp tác (đối với trẻ em).
- Đánh giá bệnh nhân có nằm trong diện đặt ống nội khí quản khó hay không.
- Trong trường hợp cần thiết, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc an thần từ tối trước khi mổ.
4.1. Một số loại thuốc sử dụng trong khi gây mê
Quá trình gây mê cần sự hỗ trợ từ các loại thuốc tác dụng đến thần kinh như:
- Thuốc ngủ: gồm thuốc mê tĩnh mạch, thuốc mê bốc hơi...
- Các loại thuốc giảm đau.
- Thuốc giãn cơ...
Nếu như bệnh nhân có phản ứng với bất kì loại thuốc nào phía trên, cần phải báo cáo với bác sĩ để chọn thuốc thay thế.
4.2. Các kỹ thuật gây mê đặt nội khí quản
- Đặt nội khí quản qua đường miệng.
- Đặt nội khí quản qua đường mũi.
4.3. Duy trì mê như thế nào?
Để đảm bảo bệnh nhân giữ tình trạng mê suốt thời gian mổ, các điều dưỡng/bác sĩ gây mê cần phải duy trì quá trình này bằng các loại thuốc mê tĩnh mạch/thuốc mê bốc hơi, thuốc giãn cơ, thuốc giảm đau... đã sử dụng trước đó.
Ngoài ra, để giữ an toàn cho bệnh nhân, các bác sĩ cần kiểm soát quá trình hô hấp bằng máy gây mê với các thông số phù hợp với từng người bệnh.
5. Cần chú ý gì sau khi phẫu thuật điều trị thoát vị rốn?
Đây là một cuộc tiểu phẫu, do đó, bệnh nhân có thể ra về trong ngày sau khi phẫu thuật. Hầu hết các bệnh nhân đều có thể hoạt động bình thường sau khi mổ từ 2 – 4 tuần. Trong tuần đầu tiên, bụng sẽ có cảm giác chướng. Vết mổ cũng cần được bảo vệ trong thời gian này. Ngoài ra, một số hoạt động sau có thể thúc đẩy quá trình hồi phục:
- Tăng cường hoạt động đi lại.
- Tập luyện đều đặn, thường xuyên. Tuy nhiên, bạn cần tham khảo trước ý kiến từ bác sĩ mức độ luyện tập để không gây ảnh hưởng đến vết mổ.
Nói chung, phẫu thuật thoát vị rốn – hở thành bụng là một loại tiểu phẫu không quá phức tạp. Tuy nhiên, vẫn có một số bệnh nhân có thể gặp biến chứng từ phẫu thuật. Để giảm thiểu tối đa nguy cơ này, bệnh nhân cần thực hiện cẩn thận các hướng dẫn chuẩn bị từ bác sĩ, đặc biệt là trước khi gây mê phẫu thuật thoát vị rốn.
Để hạn chế tối đa biến chứng trong và sau quá trình phẫu thuật, hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã đưa hệ thống máy móc, thiết bị, thuốc gây mê phẫu thuật hiện đại đạt chuẩn vào công tác thăm khám, chẩn đoán, gây mê và điều trị các bệnh lý. Với đội ngũ Y bác sĩ giàu chuyên môn, được đào tạo bài bản thực hiện sẽ đem lại hiệu quả điều trị tối ưu, hạn chế tối đa biến chứng khi thăm khám và điều trị cho Quý khách hàng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.