Bài viết được tư vấn chuyên môn Bác sĩ chuyên khoa I Trần Thị Ngát - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Phẫu thuật tuyến giáp hay mổ tuyến giáp là một phương pháp điều trị được ưu tiên lựa chọn trong nhiều bệnh lý tuyến giáp, phổ biến nhất là các loại bướu giáp. Phẫu thuật tuyến giáp có thể mang đến một số các biến chứng sớm sau mổ hoặc biến chứng muộn, trong đó chảy máu sau mổ tuyến giáp là một vấn đề gây nhiều khó khăn cho người bệnh và bác sĩ điều trị. Vì thế kỹ thuật cầm máu sau mổ tuyến giáp là một kỹ thuật đòi hỏi người thực hiện phải có chuyên môn mới có thể cứu sống được người bệnh.
1. Tìm hiểu về tuyến giáp và phẫu thuật tuyến giáp
Tuyến giáp là một tuyến nội tiết quan trọng của cơ thể nằm ở vùng cổ, phía trước khí quản tương ứng với các vòng sụn khí quản thứ 2 đến vòng sụn thứ 4. Tuyến giáp có dạng hai thùy cân xứng nối tiếp nhau bằng eo tuyến giáp ở giữa. Ở người khỏe mạnh, tuyến giáp bình thường sẽ không được sờ thấy trên lâm sàng do bị các khối cơ lớn ở vùng cổ trước che lấp như cơ ức đòn chũm. Trong các bệnh lý tuyến giáp, bướu giáp xuất hiện khiến tuyến giáp có thể được nhận biết được khi nhìn hoặc sờ do tăng kích thước.
Tuyến giáp là tuyến nội tiết giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển và các quá trình chuyển hóa. Hóc môn giáp có tên gọi là thyroxin đảm nhiệm các vai trò chính như:
- Thúc đẩy sự tăng trưởng và biệt hóa các nhóm tế bào trong cơ thể
- Kích thích cơ thể tăng trưởng
- Xúc tác các phản ứng chuyển hóa các chất trong cơ thể như glucose, đạm, lipid
Mặc dù, có kích thước khá nhỏ khoảng 30 gram nhưng tuyến giáp được nuôi dưỡng bởi mạng lưới mạch máu dày đặc. Các nhánh nhỏ từ động mạch giáp trên và động mạch giáp dưới đến bao phủ tuyến giáp và cấp máu nuôi chính. Khi người bệnh mắc các bệnh lý liên quan đến tình trạng cường giáp, lưu lượng máu đến tuyến giáp tăng lên hơn so với mức bình thường. Thăm khám lâm sàng lúc này có thể phát hiện được tiếng thổi tâm thu hay tiếng thổi liên tục tùy thuộc vào mức độ tăng sinh mạch máu. Những kiến thức cơ bản về đặc điểm giải phẫu và đặc điểm sinh lý của tuyến giáp sẽ hỗ trợ các phẫu thuật viên nắm được kỹ thuật mổ và hạn chế các biến chứng bao gồm chảy máu sau mổ tuyến giáp. Tùy thuộc vào từng loại bệnh lý khác nhau, kỹ thuật mổ tuyến giáp được chia thành nhiều loại dựa vào vị trí cắt bỏ tuyến giáp như:
- Phẫu thuật bóc nhân tuyến giáp
- Phẫu thuật cắt bỏ eo tuyến giáp
- Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ một thùy tuyến giáp
- Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ hai thùy tuyến giáp
- Phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp toàn bộ
- Phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp toàn bộ phối hợp nạo vét hạch bạch huyết.
2. Kỹ thuật cầm máu sau mổ tuyến giáp
Mổ tuyến giáp có thể gây ra một số các biến chứng cho người bệnh. Phân loại những ảnh hưởng có thể gặp sau khi mổ tuyến giáp sẽ thường được dựa trên thời điểm xuất hiện, bao gồm:
- Biến chứng sớm: chảy máu sau mổ tuyến giáp, suy hô hấp sau mổ tuyến giáp, thay đổi giọng nói hoặc mất giọng, xuất hiện cơn tetani sau mổ tuyến giáp.
- Biến chứng muộn: thường xuất hiện từ ngày thứ 3 sau phẫu thuật bao gồm nhiễm trùng vết thương, suy nhược chức năng tuyến giáp hay suy giáp, tái phát bệnh lý tuyến giáp như bướu giáp.
Chảy máu sau mổ tuyến giáp là một trong những tai biến khá thường gặp trên lâm sàng. Các triệu chứng sớm như: tăng kích thước vùng cổ, sưng nề vùng mô mềm vết mổ, khó thở, thể tích máu chảy qua ống dẫn lưu tăng lên. Tuy nhiên, dấu hiệu không thấy dịch chảy ra ngoài theo ống dẫn lưu xuất hiện đơn độc không thể loại trừ được biến chứng chảy máu sau mổ tuyến giáp do ống dẫn lưu bị tắc. Người bệnh sẽ được theo dõi sự tiến triển thông qua các biểu hiện tại chỗ như kích thước khối máu tụ dưới da vùng phẫu thuật, màu sắc và thể tích của dịch từ ống dẫn lưu. Phẫu thuật cầm máu sau mổ tuyến giáp cần được chỉ định khi nghi ngờ máu chảy với số lượng nhiều, không tự cầm, người bệnh gặp khó khăn khi hô hấp hoặc có các dấu hiệu mất máu cấp tính.
3. Quy trình gây mê nội khí quản phẫu thuật cầm máu lại sau mổ tuyến giáp
Gây mê nội khí quản là kỹ thuật được lựa chọn. Ống nội khí quản được dùng trong trường hợp này nhằm duy trì hô hấp cho người bệnh trong suốt quá trình tiến hành phẫu thuật. Quy trình gây mê nội khí quản có tính an toàn cao và được áp dụng trong nhiều loại phẫu thuật khác nhau ngoài phẫu thuật cầm máu lại sau mổ tuyến giáp.
Để đảm bảo an toàn cho người bệnh và tính hiệu quả của kỹ thuật, gây mê nội khí quản phẫu thuật cầm máu lại sau mổ tuyến giáp cần được thực hiện đúng quy trình bao gồm các bước sau:
- Chuẩn bị dụng cụ và trang thiết bị: hệ thống gây mê với nhiều loại máy như máy theo dõi các dấu hiệu sống, máy hút, máy khử rung, hệ thống đặt ống nội khí quản gồm có ống nội khí quản với nhiều kích thước, đèn soi thanh quản, canule, mặt nạ, ống hút, thuốc tê lidocain xịt, ...
- Chuẩn bị người bệnh: các bệnh nhân gặp tai biến chảy máu sau phẫu thuật tuyến giáp cần được thăm khám kỹ lưỡng trước mổ vì đây là cuộc phẫu thuật lần hai xử trí biến chứng và bệnh nhân phải chịu nhiều đau đớn hơn. Phát hiện các trường hợp đặt nội khí quản khó để chủ động có phương án phù hợp đặc biệt trong trường hợp tụ máu nhiều gây chèn ép đường thở nặng cần có sự phối hợp của phẫu thuật viên và ekip đặt nội khí quản khó. Quá trình tư vấn và giải thích với chính bệnh nhân và người nhà cũng không được bỏ qua.
- Các bước gây mê nội khí quản:
- Đặt bệnh nhân ở tư thế nằm ngửa trên bàn phẫu thuật
- Tiến hành đặt đường truyền tĩnh mạch ngoại biên và lắp đặt hệ thống máy theo dõi các dấu hiệu sinh tồn.
- Khởi mê với thuốc mê, thuốc giảm đau có hoặc không thuốc giãn cơ.
- Đặt ống nội khí quản theo đường miệng hay đường mũi với kích cỡ và chiều sâu phù hợp với từng bệnh nhân. Cố định ống nội khí quản chắc chắn sau khi đã kiểm tra, đảm bảo đường hô hấp thông thoáng thông khí hai bên phổi đều, rõ. Nếu cần, có thể cân nhắc đặt canul miệng để tránh cắn ống.
- Duy trì mê với thuốc mê tĩnh mạch hoặc mê hơi kết hợp với thuốc giảm đau phù hợp với từng tăng thì phẫu thuật. Các dấu hiệu sinh tồn phải được theo dõi liên tục để phát hiện xử lý kịp thời các diễn biến bất thường.
Một số các biến chứng có thể xảy ra trong và sau khi gây mê nội khí quản trong phẫu thuật cầm máu sau mổ tuyến giáp:
- Trào ngược thức ăn và dịch tiêu hóa từ dạ dày vào đường thở.
- Rối loạn huyết áp
- Đặt ống nội khí quản sai vị trí vào dạ dày
- Chấn thương được hô hấp và khoang miệng
- Co thắt thanh khí phế quản
Để đảm bảo an toàn cũng như hạn chế biến chức sau khi gây mê nội khí quản phẫu thuật cầm máu lại sau mổ tuyến giáp, bệnh nhân cần tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện áp dụng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn thực hành gây mê phẫu thuật an toàn theo các hướng dẫn quốc tế. Với một đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng gây mê giàu kinh nghiệm, cùng với các trang thiết bị hiện đại như máy dò thần kinh, máy siêu âm, hệ thống kiểm soát đường thở khó của Karl Storz, hệ thống theo dõi gây mê toàn diện AoA (Adequate of Anesthesia) của GE bao gồm theo dõi độ mê, độ đau và độ giãn cơ sẽ mang lại chất lượng cao và an toàn, giúp bệnh nhân gây mê vừa đủ, không thức tỉnh, không tồn dư thuốc giãn cơ sau mổ. Hệ thống Y tế Vinmec cũng tự hào là bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam ký kết với Hiệp hội Gây mê Thế giới (WFSA) hướng đến mục tiêu trở thành bệnh viện an toàn nhất về gây mê phẫu thuật tại Đông Nam Á.
Bác sĩ Ngát có kinh nghiệm trên 15 năm làm bác sĩ Gây mê hồi sức tại các Bệnh viện: Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng, Bệnh viện 199 Bộ công an, Bệnh viện Tâm Trí Đà Nẵng. Hiện tại, đang là Bác sĩ gây mê Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.