Phình động mạch thân tạng là một bệnh lý tim mạch hiếm gặp nhưng có nguy cơ tử vong cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Vậy cụ thể bệnh phình động mạch thân tạng là gì? Hãy cùng tìm hiểu về bệnh lý này dưới đây để nắm rõ được những thông tin về bệnh, từ đó chủ động trong việc phòng tránh và điều trị kịp thời khi gặp phải.
1. Động mạch thân tạng là gì?
Động mạch thân tạng là một nhánh được tách ra từ động mạch chủ bụng nhằm cung cấp máu để nuôi gan, lách và tuyến tụy, cùng một phần ống tiêu hóa. Động mạch thân tạng có đường kính trung bình khoảng 6-8mm. Khi đường kính của động mạch giãn to hơn 1,5 lần so với bình thường thì được gọi là phình động mạch thân tạng. Đây là một bệnh rất hiếm gặp, chỉ chiếm khoảng 0,1 – 0,2% và 4-5,9% trong các phình mạch tạng.
Động mạch thân tạng bị phình là một bệnh hiếm gặp nhưng lại gây nhiều biến chứng nguy hiểm, có thể dẫn tới tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
2. Nguyên nhân gây phình động mạch thân tạng do đâu?
Nguyên nhân chính của bệnh phình động mạch thân tạng thường là do xơ vữa động mạch hoặc do thoái hóa thành mạch.
Ngoài ra, những người có tiền sử hút thuốc lá, bị tăng huyết áp hoặc từng mắc các bệnh về mạch máu, hay gia đình có người mắc bệnh về động mạch cũng có nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, trong đó có thể xảy ra phình động mạch thân tạng.
3. Triệu chứng của phình động mạch thân tạng như thế nào?
Triệu chứng của phình động mạch thân tạng ít có triệu chứng rõ rệt và có thể nhầm lẫn chẩn đoán sàng các bệnh lý tiêu hóa khác.
Phình động mạch thân tạng khi chưa vỡ nhiều khi chỉ có triệu chứng đau bụng thoáng qua, có khi đau vùng thượng vị, do vậy rất dễ bị bỏ sót. Bệnh thường chỉ được phát hiện khi sử dụng các phương tiện chẩn đoán hình ảnh qua ổ bụng hoặc khi các bác sĩ tiên lượng kỹ các nhóm bệnh lý hiếm gặp.
Khi vỡ túi phình thì gây chảy máu ồ ạt từ túi phình vào ổ bụng và bệnh nhân nhanh chóng bị mất máu cấp tính, rối loạn ý thức, mạch đập nhanh, huyết áp giảm đột ngột và rất dễ gây tử vong.
4. Biến chứng bệnh phình động mạch thân tạng
Biến chứng đầu tiên của phình động mạch thân tạng đó là thủng hoặc vỡ khối phình. Tỷ lệ bị vỡ khối phình rất cao nếu không được điều trị nội khoa, kiểm soát huyết áp và ổn định nhịp tim. Ngay cả với những túi phình có kích thước nhỏ khi bị vỡ thì máu từ túi phình vỡ sẽ chảy ồ ạt vào ổ bụng và bệnh nhân nhanh chóng bị mất máu và rất dễ gây tử vong.
Biến chứng thứ hai đó là chỗ lóc tách nội mạc của khối phình tiến triển, làm giảm tưới máu các cơ quan nội tạng được cấp máu bởi động mạch xuất phát từ phía sau chỗ lóc tách. Nếu bệnh nhân không được phát hiện và điều trị bệnh kịp thời, biến chứng thiếu máu tạng có thể sẽ diễn tiến xấu, khi đó bắt buộc phải can thiệp đặt stent tại chỗ phình hoặc thực hiện phẫu thuật ngoại khoa.
5. Chẩn đoán bệnh phình động mạch thân tạng
Phình động mạch thân tạng khi chưa bị vỡ thì có thể được chẩn đoán bằng các xét nghiệm hình ảnh như: siêu âm, chụp X quang, chụp CT, chụp cộng hưởng từ (MRI). Trong đó, siêu âm và chụp CT là 2 phương pháp được dùng chính để chẩn đoán và phát hiện bệnh.
Chụp CT là kỹ thuật không xâm lấn cho phép đánh giá chính xác vị trí và kích thước của động mạch thân tạng bị phình, cũng như biến chứng tắc động mạch thân tạng, hẹp lỗ vào động mạch hay chảy máu ổ bụng...
6. Điều trị phình động mạch thân tạng
Đối với phình động mạch thân tạng được phát hiện khi chưa bị vỡ và nếu kích thước đường kính nhỏ hơn 2cm thì người bệnh cần được theo dõi định kỳ để đánh giá kích thước và tình trạng, cũng như sự phát triển của bệnh. Người bệnh có thể sẽ được chỉ định dùng thuốc huyết áp để hạn chế động mạch thân tạng bị phình.
Đối với trường hợp phình động mạch thân tạng có kích thước phình lớn trên 2cm, người bệnh có thể sẽ được chỉ định điều trị bằng các phương pháp phẫu thuật:
- Phẫu thuật thông thường: Bệnh nhân sẽ được phẫu thuật để loại bỏ khối phình và sửa chữa, tái tạo lại các nhánh của mạch máu chính. Tuy nhiên, phương pháp này thời gian phẫu thuật dài, nguy cơ biến chứng sau phẫu thuật cao.
- Phẫu thuật can thiệp nội mạch đơn thuần: thay vì mổ mở, bệnh nhân phình động mạch thân tạng được đặt stent bên ngoài động mạch phình. Phương pháp này có nhiều ưu điểm là ít xâm lấn và phù hợp với những bệnh nhân cao tuổi. Tuy nhiên, chi phí phẫu thuật lớn và đòi hỏi kỹ thuật cao khi phải thực hiện trên nhiều nhánh của động mạch.
- Phẫu thuật Hybrid kết hợp với phẫu thuật thông thường và can thiệp nội mạch: Nhờ việc kết hợp và vận dụng ưu, nhược điểm của 2 phương pháp nêu trên, phẫu thuật Hybrid sẽ có những ưu điểm là giảm thời gian phẫu thuật và giảm chi phí điều trị. Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi phải thực hiện tại các bệnh viện lớn có đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đội ngũ bác sĩ phẫu thuật có trình độ chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm.
Tóm lại, phình động mạch thân tạng là một bệnh lý nguy hiểm. Bệnh nhân khi bị vỡ túi phình thì tỉ lệ tử vong hơn 70 - 80%, nhất là đối với các túi phình to, nằm ngay ngã ba và kèm theo phình động mạch chủ bụng. Vì vậy, khi bị vỡ túi phình động mạch thân tạng thì người bệnh cần được điều trị cấp cứu ngay để hạn chế nguy cơ gây tử vong.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.