Điều trị toan chuyển hóa, hạ đường huyết, calci và natri máu ở bệnh nhân sốt xuất huyết nặng

Sốt xuất huyết là căn bệnh rất nguy hiểm và khá phổ biến tại Việt Nam, xuất hiện theo mùa. Sốt xuất huyết nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm thậm chí nguy hiểm đến tính mạng trong đó có toan chuyển hóa, hạ đường huyết, canxi và natri máu. Những biến chứng này thường xuất hiện khi bệnh nhân mắc sốt xuất huyết giai đoạn nặng (hay còn gọi là sốt xuất huyết Dengue). Vậy cách điều trị những biến chứng này ra sao?

1. Sốt xuất huyết Dengue là gì?

Sốt xuất huyết Dengue hay còn gọi là hội chứng sốc Dengue hoặc sốt xuất huyết nặng, là thể bệnh nặng nhất của sốt xuất huyết, có thể xuất hiện ở cả trẻ em và người lớn, gây tử vong rất nhanh nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh thường xuất hiện các triệu chứng giống như sốt xuất huyết thể nhẹ và chảy máu, hạ huyết áp, chảy máu ồ ạt, huyết tương thoát khỏi mạch máu, toan chuyển hóa, hạ natri, canxi máu.

Những bệnh nhân có tiền sử mắc sốt xuất huyết khi nhiễm lại sẽ rất dễ chuyển biến nhanh sang giai đoạn này (khoảng 2 – 5 ngày sau khi mắc sốt xuất huyết) do cơ thể đã có miễn dịch chủ động hoặc thụ động với một loại kháng nguyên virus. Vì vậy, khi đã từng mắc sốt xuất huyết và bị nhiễm bệnh lần 2, bạn nên đến ngay cơ sở y tế điều trị sớm trước khi bệnh chuyển biến nặng.


Sốt xuất huyết Dengue là một trong những thể sốt xuất huyết nặng, nguy hiểm
Sốt xuất huyết Dengue là một trong những thể sốt xuất huyết nặng, nguy hiểm

2. Điều trị toan chuyển hóa, hạ đường huyết, calci và natri máu ở bệnh nhân sốt xuất huyết nặng

2.1 Điều trị toan chuyển hóa

Nhiễm toan chuyển hóa xảy ra khi cơ thể sản xuất quá nhiều axit hoặc thận không loại bỏ đủ axit ra khỏi cơ thể gây ra nhiễm toan máu, tức nồng độ pH ở máu thấp ( dưới 7,35). Nguyên nhân là do lượng ion hydro trong cơ thể tăng hoặc thận không có khả năng hình thành HCO3. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh rất dễ hôn mê thậm chí tử vong.

Một số triệu chứng lâm sàng của toan chuyển hóa:

  • Tim mạch: đây là hệ cơ quan bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, khi nhiễm toan chuyển hóa, hệ tim mạch sẽ có những biểu hiện như: giảm co bóp cơ tim, giảm cung lượng tim, dãn mạch, giảm tác dụng thuốc vận mạch.
  • Hô hấp: tăng thông khí, chủ yếu là tăng thể tích khí lưu thông, giảm co bóp cơ hoành.
  • Hệ thần kinh: rối loạn tri giác
  • Chuyển hóa: đề kháng insulin, tăng ái lực oxy-hemoglobin

Việc điều trị toan chuyển hóa tùy thuộc vào tình trạng bệnh:

  • Đối với bệnh nhân sốt xuất huyết toan chuyển hóa thể nhẹ thì chỉ cần uống Natribicarbonate 1g có 12 mmol natribicarbonate.
  • Đối với bệnh nhân sốt xuất huyết toan chuyển hóa thể nặng, Ph < 7,2 và/ hoặc HCO3 < 15 cần phải bù bicarbonate tĩnh mạch 4,2% 2ml/kg TMC.

Rối loạn tri giác là một trong những biểu hiện của toan chuyển hóa
Rối loạn tri giác là một trong những biểu hiện của toan chuyển hóa

2.2 Hạ đường huyết, calci và natri máu

Hạ đường huyết, Calci, natri máu đều là những triệu chứng của sốt xuất huyết nặng. Mỗi triệu chứng sẽ có những biểu hiện và cách điều trị khác nhau.

Hạ đường huyết xảy ra khi mức đường huyết ở ngưỡng < 40 mg/dl. Các bác sĩ sẽ sử dụng Dextrose 30% 1-2 ml/kg TMC để điều trị.

Hạ Calci huyết xảy ra khi nồng độ Calci ion hóa < 1 mmol/L. Cách điều trị phổ biến là sử dụng Calci clorua 10% 0,1-0,2 ml/kg (tối đa 2-5 ml/liều) pha loãng trong Dextrose 5% 10-20 ml TMC trong 5-10 phút.

Hạ natri máu được chia làm 3 giai đoạn:

  • Giai đoạn không có triệu chứng, Natri ở mức 130-135 mEq/L
  • Giai đoạn hạ Natri máu mãn, nhẹ, Natri ở mức 120-130 mEq/L kèm các triệu chứng buồn nôn, biếng ăn, mệt mỏi, uể oải, nhức đầu.
  • Giai đoạn hạ natri máu cấp, nặng, Natri ở mức < 120 mEq/L kèm triệu chứng lơ mơ, lừ đừ, mất định hướng, kích thích, mê sảng, co giật, hôn mê, tụt não, ngưng thở.

Điều trị hạ natri máu như sau:

  • Hạ natri máu nhược trương giảm thể tích tuần hoàn: bồi hoàn thể tích bằng natriclorua 0,9% hay lactate ringer.
  • Hạ natri máu nhược trương thể tích tuần hoàn tăng: hạn chế nước nhập < 1-2 lít/ngày; thúc đẩy bài tiết nước và muối.
  • Hạ natri máu nặng kèm rối loạn tri giác: sử dụng natriclorua 3% 4ml/kg truyền tĩnh mạch trong 30 phút, lặp lại khi cần.

Natriclorua được sử dụng trong điều trị tình trạng hạ natri máu
Natriclorua được sử dụng trong điều trị tình trạng hạ natri máu

Sốt xuất huyết nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm như: suy tim, suy thận, sốc do mất máu, xuất huyết não, tràn dịch màng phổi, hôn mê, đặc biệt phụ nữ có thai sẽ bị sinh non, sảy thai. Vì vậy, ngay khi xuất hiện các triệu chứng của sốt xuất huyết bạn nên đến cơ sở y tế khám và điều trị sớm.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán hạ natri máu

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe