Điều gì xảy ra khi cơ thể thiếu insulin?

Insulin là một loại hormone giúp kiểm soát lượng đường trong máu và sự trao đổi chất của cơ thể - quá trình biến thực phẩm ăn vào thành năng lượng. Theo đó, khi tình trạng thiếu insulin trong máu xảy ra, quá trình tạo năng lượng bị ảnh hưởng, cơ thể dễ kiệt quệ.

1. Vai trò của insulin trong cơ thể

Tuyến tụy tạo ra insulin và giải phóng nội tiết tố này vào máu. Insulin giúp cơ thể sử dụng đường để tạo ra năng lượng cần thiết và sau đó dự trữ phần còn lại.

Nói một cách thực tế, sau khi ăn, ruột non sẽ phân hủy carbohydrate từ thức ăn thành glucose, một loại đường đơn giản. Glucose sẽ đi vào máu, làm cho lượng đường trong máu sẽ nhanh chóng tăng lên.

Lúc này, cơ thể tạo ra và giải phóng insulin theo một vòng phản hồi dựa trên lượng đường trong máu. Cụ thể là lượng đường trong máu cao sẽ kích thích các cụm tế bào đặc biệt, được gọi là tế bào beta, trong tuyến tụy giải phóng insulin. Nếu càng có nhiều glucose trong máu, tuyến tụy sẽ càng tiết ra nhiều insulin.

Vai trò của insulin là giúp di chuyển glucose vào tế bào. Tế bào sẽ sử dụng glucose để tạo năng lượng. Ngoài ra, cơ thể cũng cần dự trữ bất kỳ lượng đường bổ sung nào trong gan, cơ và các tế bào mỡ. Kết quả là khi glucose di chuyển vào tế bào, lượng đường trong máu sẽ trở lại bình thường.

Ngược lại, lượng đường trong máu thấp sẽ thúc đẩy một nhóm tế bào khác trong tuyến tụy tiết ra một loại hormone khác gọi là glucagon. Glucagon làm cho gan phá vỡ đường dự trữ, được gọi là glycogen, và giải phóng vào máu của bạn. Insulin và glucagon luân phiên giải phóng chúng trong ngày để giữ lượng đường trong máu luôn ổn định.

2. Điều gì xảy ra khi cơ thể thiếu insulin?

Tác động của insulin, một loại hormone được tiết ra chủ yếu bởi các tế bào beta đảo tụy, sẽ dẫn đến những thay đổi sinh hóa ở hầu hết mọi mô trong cơ thể, giúp hấp thụ glucose của các mô và tổng hợp glycogen trong gan và cơ. Bên cạnh đó, bằng cách ức chế lipase, insulin cũng hạn chế giải phóng axit béo tự do từ mô mỡ và tăng tổng hợp protein bằng cách cảm ứng vận chuyển axit amin vào tế bào.

Các tác động sinh hóa rộng rãi của insulin dẫn đến những bất thường sinh lý lớn không kém khi thiếu insulin. Sự giảm sự xâm nhập của glucose vào các mô ngoại vi và tăng giải phóng glucose từ gan dẫn đến tăng đường huyết, do đó dẫn đến một số hậu quả sinh lý. Nồng độ glucose trong máu tăng cao do thiếu hụt insulin dẫn đến lượng glucose đã lọc vượt quá khả năng tái hấp thu của thận. Glucose không được hấp thu hoạt động như một chất lợi tiểu thẩm thấu trong nước tiểu, dẫn đến giảm thể tích dịch ngoại bào và hệ quả là hạ huyết áp, cũng như giảm tổng lượng natri và kali trong cơ thể.

Ngoài ra, tỷ lệ insulin: Glucagon còn có vai trò giảm kích thích dị hóa protein và chất béo, có thể dẫn đến tăng sản xuất và giảm thanh thải VLDL dẫn đến tăng triglyceride máu, cũng như tăng sản phẩm phụ acetyl CoA. Acetyl CoA dư thừa trong cơ thể do phân hủy chất béo dẫn đến hình thành các thể ceton acetoacetate và b-hydroxybutyrate trong gan. Cơ thể có thể đệm một số ion hydro trong cơ chế nhiễm toan ceton, nhưng nhiễm toan chuyển hóa vẫn phát triển, dẫn đến tăng tốc độ thông khí như một cơ chế bù trừ. Kali dịch chuyển ra khỏi tế bào trong bối cảnh tăng đường huyết và nhiễm toan, và do đó thường thấy nồng độ kali huyết thanh bình thường hoặc thậm chí tăng, mặc dù cơ thể suy kiệt toàn bộ.

Mặc dù sự thiếu hụt insulin chủ yếu sẽ dẫn đến các biến chứng cấp tính nghiêm trọng, nhưng cũng có những hậu quả mãn tính thường thấy ở những bệnh nhân tiểu đường lâu năm không kiểm soát tốt. Nồng độ glucose tăng lên dẫn đến quá trình glycosyl hóa protein và do đó, các sản phẩm cuối của quá trình glycosyl hóa nâng cao liên kết với các thụ thể có trong đại thực bào tế bào nội mô.

Mặt khác, tình trạng tăng đường huyết mãn tính cũng có thể dẫn đến sự kích thích bất thường của các thác tín hiệu. Kết quả là sự sắp xếp vi mạch và đại mạch dẫn đến các biến chứng như bệnh thận do tiểu đường, bệnh võng mạc, bệnh thần kinh và xơ vữa động mạch.

3. Bệnh tiểu đường và tình trạng thiếu insulin trong máu

Bệnh tiểu đường là một nhóm bệnh gây ra lượng đường (glucose) trong máu cao. Mức đường huyết cao là do các vấn đề trong sản xuất gây thiếu insulin trong máu hoặc suy giảm chức năng insulin.

Như vậy, sự gia tăng mức đường huyết quá mức khi thiếu insulin trong máu có thể dẫn đến các triệu chứng khó chịu, chẳng hạn như:

  • Khát liên tục.
  • Tăng lượng nước tiểu.
  • Đói quá mức.
  • Sụt cân không chủ ý hoặc không giải thích được.
  • Mệt mỏi hoặc thiếu năng lượng.
  • Cáu gắt.
  • Nhìn mờ.
  • Vết thương chậm lành hơn bình thường
  • Nhiễm trùng tái phát hoặc thường xuyên

Trong thực tế, có hai loại bệnh tiểu đường chính:

Bệnh tiểu đường loại 1 phát triển khi cơ thể không tạo ra bất kỳ insulin nào, thiếu insulin trong máu tuyệt đối. Do khởi phát sớm, bệnh thường được chẩn đoán từ trong thời thơ ấu nhưng vẫn có thể tiềm ẩn đến sau này trong cuộc sống.

Bệnh tiểu đường loại 2 xảy ra khi cơ thể không sản xuất đủ insulin, gây thiếu insulin trong máu tương đối, hoặc không sử dụng insulin đúng cách. Bệnh này phổ biến hơn ở người lớn nhưng số lượng trẻ em mắc bệnh tiểu đường loại 2 đang gia tăng dần do những thói quen xấu từ lối sống

Cả hai loại bệnh tiểu đường đều gây ra sự tích tụ glucose trong máu. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm:

  • Mất thị lực.
  • Tổn thương thận.
  • Các vấn đề về da.
  • Khiếm thính.
  • Bệnh tim mạch.
  • Nhồi máu cơ tim.
  • Tắc nghẽn mạch máu.
  • Đoạn chi.

Hầu hết các biến chứng này có thể ngăn ngừa được bằng cách tầm soát sớm và điều trị ổn định. Theo đó, kế hoạch điều trị bệnh tiểu đường lâu dài thường liên quan đến việc theo dõi mức đường huyết, tuân theo một chế độ ăn uống lành mạnh và dùng thuốc.

Nhiều loại thuốc trong số này hoạt động bằng cách nâng cao mức insulin của cơ thể thông qua những kích thích trên tế bào beta tụy, giúp cung cấp glucose trong máu đến các tế bào chuyển hóa thành năng lượng để hoạt động.

Tóm lại, insulin là thành phần quan trọng của quá trình chuyển hóa năng lượng trong từng tế bào. Do đó, thiếu insulin trong máu sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng đến hoạt động sống và thậm chí là các bệnh lý chuyển hóa. Trong đó, bệnh đái tháo đường, tình trạng tăng đường huyết như một trong các hậu quả của tình trạng thiếu hụt insulin, nếu không được kiểm soát tốt, sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe cá nhân.

Nguồn tham khảo: healthline.com; openanesthesia.org; khanacademy.org.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe