Bài dịch và tổng hợp bởi Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thanh - Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec
Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) cho chủng corona virus mới gây ra vào năm 2012, lây lan ra 27 quốc gia và có đến 34,5% số ca nhiễm tử vong. Chưa có bằng chứng cụ thể nào từ các thử nghiệm lâm sàng cho bất kỳ một loại thuốc kháng MERS-CoV nào sử dụng cho người bệnh đã được xác định nhiễm MERS-CoV (báo cáo của WHO năm 2019). Do đó bảo vệ bản thân để phòng tránh lây nhiễm bệnh có ý nghĩa quan trọng.
1. Cách bảo vệ và phòng tránh
Cách bảo vệ và phòng tránh dịch MERS bao gồm thực hiện việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng, nơi có nguy cơ lây nhiễm virus cao như bệnh viện, bến tàu, bến xe, trung tâm thương mại. Thực hiện vệ sinh tay chân, vệ sinh môi trường, khử khuẩn, khử trùng môi trường tại các khu vực có người mắc bệnh, tránh tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc gần với người bị nhiễm trong vòng ít nhất 10 ngày, kể từ ngày hết các triệu chứng.
Phòng lây nhiễm ở ngoài cộng đồng:
- Rửa thay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch rửa tay sát khuẩn khô có chứa cồn với nồng độ từ 70%.
- Che chắn miệng và mũi mỗi lần ho hoặc hắt xì hơi, sau đó phải rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch rửa tay khô ngay khi có thể.
- Tránh việc dùng chung thức ăn, dùng chung đồ uống và các dụng cụ ăn uống với người bị nhiễm.
- Thường xuyên vệ sinh bề mặt vật dụng bằng các dung dịch sát khuẩn.
- Đảm bảo chế độ ăn đầy đủ, duy trì thông khí nơi ở hoặc nơi làm việc tốt.
- Tránh tiếp xúc và tụ tập ở nơi đông người, nơi không thoáng khí.
Phòng lây nhiễm trong bệnh viện:
Tổ chức khu vực cách ly, thực hiện việc điều trị và chăm sóc người bệnh nghi ngờ hoặc chắc chắn nhiễm MERS-CoV. Khu vực này phải có bảng màu đỏ ghi: “Khu vực cách ly đặc biệt” và có hướng dẫn chi tiết treo tại lối vào, có người trực gác. Đối với khu vực có nguy cơ là nơi có nhiều khả năng có người bệnh nhiễm MERS-CoV đến khám và điều trị ban đầu (khoa hô hấp, cấp cứu, khám bệnh,...), cần phải có bảng hướng dẫn chi tiết treo ở lối ra vào và có ký hiệu màng vàng.
Với những người nghi ngờ mắc bệnh, không xếp chung người đã khẳng định mắc MERS-CoV với người thuộc diện nghi ngờ và khuyến cáo đeo khẩu trang, vệ sinh tay chân, hạn chế tiếp xúc với người khác. Cần thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm và khám chuyên khoa tại giường để tránh lây lan, nếu cần phải di chuyển bệnh nhân thì phải sử dụng các phương tiện phòng hộ phù hợp.
Trong thời gian có dịch, hạn chế người nhà vào thăm bệnh nhân trong bệnh viện, nếu đến thăm phải đeo khẩu trang. Cấm người nhà và khách đến thăm khu cách ly.
Phòng ngừa cho nhân viên y tế:
Nhân viên y tế thực hiện việc chăm sóc, điều trị bệnh nhân cần được trang bị các phương tiện bảo hộ phù hợp gồm kính bảo hộ, mặt nạ che mặt, áo choàng giấy dùng một lần, găng tay, khẩu trang, mũ, bao giày hoặc ủng. Khi làm thủ thuật hoặc chăm sóc trực tiếp người bệnh, nhân viên y tế nên sử dụng khẩu trang N95. Bệnh phẩm xét nghiệm phải được đặt trong túi nylon hoặc hộp vận chuyển. Rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn sau khi tiếp xúc với dịch tiết đường hô hấp, dụng cụ bẩn, sau khi chăm sóc người bệnh, và trước khi rời buồng bệnh, khu vực cách ly.
2. Vắc-xin cho phòng ngừa virus MERS-CoV
Một số thử nghiệm được tiến hành trong phòng thí nghiệm, trên mô hình động vật hoặc thậm chí trên quy mô lâm sàng với một số loại thuốc và chất ức chế miễn dịch được cho là có khả năng ngăn ngừa MERS-CoV hiệu quả.
Một số các thuốc này bao gồm interferon, ribavirin, lopinavir/ritonavir, kháng thể đa dòng kháng MERS-CoV và kháng thể đơn dòng kháng protein S, chất ức chế enzyme tổng hợp RNA của virus (remdesivir), thuốc ức chế có bản chất peptid (HR2P-M2) và chất ức chế miễn dịch mycophenolate mofetil (MMF) (Arabi 2017). Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, chưa có bằng chứng cụ thể nào từ các thử nghiệm lâm sàng cho bất kỳ một loại thuốc kháng MERS-CoV nào được sử dụng cho người bệnh đã được xác định nhiễm MERS-CoV (báo cáo của WHO năm 2019).
Một số nghiên cứu phát triển vắc-xin cho MERS-CoV đã được thực hiện dựa trên công nghệ tái tổ hợp, tức biểu hiện vùng gene mã hóa protein S của virus MERS-CoV trong vector có nguồn gốc virus Ankara (MVA), hoặc vắc-xin dưới đơn vị sử dụng vùng protein gắn RNA (RBD protein-1) hoặc đoạn trình tự mã hóa cho protein S. Kết quả cho thấy đoạn trình tự mã hóa protein S có khả năng sinh đáp ứng miễn dịch tốt hơn (Mubarak 2019). Ngoài ra, việc sử dụng chất bổ trợ cùng với các loại vắc-xin kể trên có khả năng tăng cường tính sinh miễn dịch và hiệu quả bảo vệ của các vắc-xin này trên chuột thí nghiệm.
3. Diễn biến dịch bệnh
Tháng 9 năm 2012, trường hợp nhiễm MERS-CoV đầu tiên được chính thức xác nhận tại Ả rập Xê-út. Tháng 11 năm 2012, một nghiên cứu đã tìm ra nguyên nhân của dịch bệnh tại Jordan cũng do MERS-CoV gây ra. Tại thời điểm này, có thêm 13 ca có biểu hiện bệnh tương tự được ghi nhận. Tới tháng 5 năm 2013, virus được đặt tên là virus gây hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS).
Tính từ tháng 6 năm 2012 tới 30 tháng 6 năm 2019, đã có 2449 trường hợp được xác định dương tính với virus MERS-CoV gây hội chứng hô hấp Trung Đông và được báo cáo cho WHO. Trong đó, có tới 84% các trường hợp được ghi nhận tại Ả rập Xê-út. MERS-CoV đã lây lan ra 27 quốc gia thuộc khu vực Trung Đông, Bắc Phi, Châu Âu, Châu Á và Mỹ. Tới thời điểm báo cáo, đã có tổng số 845 ca tử vong do MERS, chiếm 34,5% số ca nhiễm bệnh.
Tất cả các trường hợp lây nhiễm bởi MERS-CoV được xác định cho tới hiện tại đều đã từng sống hoặc đi du lịch tới các nước vùng Trung Đông, hoặc là những người có tiếp xúc gần với những người mắc bệnh. MERS-CoV xuất hiện ở những người du lịch hoặc sống tại Jordan, Vương quốc Ả rập, Qatar và Tiểu các Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE).
Những người bị nhiễm virus MERS-CoV cũng được xác định ở các quốc gia khác như Ý, Anh, Pháp, Tunisia, Đức, Kuwait, Oman, Malaysia, Philipin, Ai Cập, Hàn Quốc và Thái Lan. Một số ghi nhận của việc lây truyền thứ cấp được ghi nhận xảy ra ở một số quốc gia như Pháp và Anh từ các thành viên trong gia đình hoặc từ những người chung phòng tại bệnh viện.
Trường hợp bùng phát dịch lớn nhất ngoài lãnh bán đảo Ả rập xảy ra tại Hàn Quốc vào năm 2015, được ghi nhận như là một dịch bùng phát đa trung tâm. Dịch này đã được chứng minh là liên quan tới người du lịch trở về từ bán đảo Ả rập.
Tính cho tới ngày 30 tháng 6 năm 2018, 52 trong số 97 trường hợp mắc thứ cấp được báo cáo cho WHO có liên quan tới việc lây nhiễm tại các cơ sở y tế hay cơ sở chăm sóc sức khỏe. Bao gồm 23 trường hợp là nhân viên y tế, bệnh nhân cùng phòng với bệnh nhân MERS hoặc người nhà bệnh nhân; tuy nhiên có tới 45 trường hợp được ghi nhận bị nhiễm MERS-CoV bên ngoài môi trường bệnh viện.
Các trường hợp được ghi nhận mắc mới bao gồm:
- Tháng 2 năm 2019, hai vùng có phát hiện bệnh nhân dương tính với MERS-CoV tại Oman, các trường hợp này không liên quan tới yếu tố dịch tễ, tức không xác định được nguồn lây bệnh. Hầu hết các trường hợp này được xác định là có mối quan hệ về gia đình. Nhóm đầu tiên ở vùng Batinah phía bắc gồm 9 trường hợp nhiễm bệnh, 2 trường hợp bị tử vong. Trong số 9 trường hợp này, một người là nhân viên y tế và không có biểu hiện bệnh. Nhóm thứ hai gồm 4 trường hợp, phát hiện tại vùng Sharqia phía Nam, bao gồm 1 nhân viên y tế. Hai trường hợp tử vong ở nhóm bệnh nhân này.
- Tháng 9 năm 2019, 3 trường hợp được phát hiện tại địa phương Al Qassim, thuộc Ả rập Xê-út, trong đó 2 trường hợp đã tử vong và không trường hợp nào là nhân viên y tế.
Ngoài ra rải rác ghi nhận thêm các trường hợp mắc và tử vong do MERS-CoV ở các khu vực thuộc Ả rập Xê-út. Gần đây nhất vào ngày 9 và 13 tháng 1 năm 2020, ghi nhận 02 trường hợp được xét nghiệm dương tính với MERS-CoV. Nạn nhân là hai người đàn ông, 51 và 53 tuổi, không phải nhân viên y tế, được xác định dương tính với MERS-CoV tại Tiểu các vương quốc Ả rập thống nhất. Theo báo cáo của WHO, tính tới thời điểm ngày 15 tháng 1 năm 2020, tổng số ca được xác định dương tính trên toàn thế giới là 2506 ca với 862 trường hợp tử vong do MERS.
Nguồn: WHO, CDC, PUBMED, CLINIALTRIAL.GOV
XEM THÊM:
- MERS-CoV: Nguồn gốc, đường lây truyền, cách nhận biết và điều trị
- Nguồn gốc và triệu chứng của bệnh do MERS CoV
- 2019-nCoV có giống với virus gây bệnh MERS và SARS không?
- Thông tin cần biết về dịch bệnh do virus MERS CoV