Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trịnh Thị Phương Nga - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Bác sĩ đã có gần 20 năm kinh nghiệm trong chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh.
Và Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Anh Việt - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Thạc sĩ Bác sĩ Lê Anh Việt đã có 07 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, thực hiện tốt các kỹ thuật thăm khám chẩn đoán hình ảnh.
Siêu âm mắt, một trong những cách thức phát hiện các căn bệnh về mắt cũng như xác định những tổn thương mà mắt đang gặp phải một cách chính xác nhất.
1. Siêu âm mắt là gì?
Siêu âm mắt là một phương pháp thăm khám sử dụng sóng âm thanh và tần số cao từ các thiết bị chuyên dụng để tạo ra hình ảnh chi tiết về mắt và cấu tạo hốc mắt. So với khám mắt bên ngoài định kỳ thì kỹ thuật này cho bác sĩ cái nhìn chi tiết và tổng quan hơn về cấu trúc bên trong của mắt.
2. Dấu hiệu nào cần siêu âm mắt tức thì
Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn tiến hành siêu âm mắt kho mắt bạn gặp một số vấn đề không rõ nguyên nhân hoặc bạn bị chấn thương ở vùng mắt. Một số dấu hiệu về mắt cần siêu â tức thì bao gồm:
- Xuất hiện khối u ở mắt: Mắt của bạn có sự tăng sinh tế bào làm xuất hiện khối u lạ ngay ở vùng trong mắt.
- Xuất hiện dị vật trong mắt như: Bụi bẩn, côn trùng....khiến bạn không thể lấy ra được.
- Đục thủy tinh thể: Xuất hiện những đám mây mờ trong mắt, cản trở tầm nhìn.
- Bong võng mạc: Có hiện tượng đau mắt bất thường.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể dùng kết quả của siêu âm mắt để đo lường độ dày và mức độ của khối u/Ung thư và xác định liệu pháp điều trị.
3. Siêu âm mắt cần chuẩn bị những gì?
Siêu âm mắt là phương pháp không đau đớn, thời gian thực hiện rất nhanh chóng:
- Để giảm bớt sự khó chịu trong quá trình siêu âm, trước khi siêu âm mắt bạn nên sử dụng thuốc nhỏ mắt để làm sạch, mát và thư giãn cho mắt.
- Để đảm bảo an toàn trong quá trình tham gia giao thông, di chuyển: Khi đi siêu âm mắt nên có bạn bè và người thân đi cùng. Vì sau khi siêu âm mắt tầm nhìn của bạn có thể bị mờ tạm thời trong quá trình kiểm tra.
- Sau khi siêu âm mắt bạn không nên dụi mắt cho đến khi thuốc tê hết tác dụng hẳn để bảo vệ giác mạc bị trầy xước.
4. Quá trình siêu âm mắt
Quá trình siêu âm mắt gồm 2 phần là A-scan và B-scan diễn ra trong vòng 20 - 30 phút.
4.1 A-scan
A-scan giúp đo kích thước mắt và đóng vai trò quan trọng trong việc xác định cấy ghép thấu kính chính xác cho phẫu thuật đục thuỷ tinh thể
Khi thực hiện A-scan bạn giữ tư thế ngồi thẳng trên ghế, đặt cằm lên thiết bị đo và nhìn thẳng về phía trước. Lúc này, một đầu do chứa chất bôi trơn sẽ được đặt lên phần trước của mắt khi quét.
Ngoài ra, A-scan cũng có thể thực hiện ở tư thế nằm, bác sĩ sẽ đặt một cốc chứa đầy chất lỏng vào bề mặt của mắt khi quét.
4.2 B-scan
B-scan giúp bác sĩ thấy không gian phía sau mắt. Nếu mắt của bạn gặp một số bệnh lý như đục thủy tinh thể hay một số bệnh lý về mắt khác cản trở tầm nhìn mặt sau của mắt, thì lúc này B-scan sẽ hỗ trợ bác sĩ tối đa, giúp bác sĩ nhìn thấy không gian phía sau của mắt, giúp chẩn đoán khối u, bong võng mạc và các tình trạng bệnh khác.
Khi thực hiện B-scan bác sĩ sẽ yêu cầu bạn nhắm mắt lại rồi bác sĩ bôi gel lên trên mí mắt. Khi đó, bạn được yêu cầu di chuyển nhãn cầu theo nhiều hướng khác nhau. Bác sĩ đặt đầu dò vào mí mắt để quét.
Một số vấn đề có thể xác định được thông qua B-scan là:
- Xuất hiện dị vật trong mắt
- U nang mắt
- Mắt sưng tấy
- Bong võng mạc
- Tổn thương mô hoặc chấn thương hốc mắt.
- Ung thư võng mạc
- Xuất huyết dịch kính (máu chảy trong khoang chứa dịch kính).
Quá trình thực hiện sẽ không đau đớn, không có tác dụng phụ và bất cứ rủi ro nào được ghi nhận. Thời gian thực hiện nhanh chóng.
4.3 Đọc kết quả siêu âm mắt
Bác sĩ nhãn khoa sẽ xem hình ảnh siêu âm mắt và đưa ra kết luận cuối cùng.
Đầu tiên, bác sĩ xem kết quả từ A-scan để đảm bảo các số đo mắt đều nằm trong phạm vi bình thường. Tiếp đến, B-scan cho bác sĩ các thông tin về cấu trúc của mắt. Nếu kết quả bất thường, bác sĩ sẽ tìm hiểu nguyên nhân cụ thể.
5. Những thực phẩm nên ăn sau khi siêu âm mắt
Sau khi siêu âm mắt bạn có thể bổ sung dinh dưỡng từ các loại thực phẩm dưới đây để có một đôi mắt sáng, khỏe.
- Các loại rau củ có màu đỏ như cà rốt: Trong cà rốt chứa nhiều chất beta carotene, đây là một chất chống oxy hóa giúp giảm nguy cơ gây đục thủy tinh thể cho mắt.
- Bắp cải, ớt chuông, bông cải: Là những loại rau quả giàu vitamin C, có vai trò chủ lực trong chống oxy hóa bảo vệ và giúp mắt sáng hơn.
- Khoai lang mật: Khoai lang có chứa beta carotene rất tốt cho mắt.
- Rau chân vịt: Rau chân vịt rất giàu vitamin C, beta carotene, lutein và zeaxanthin. 4 loại dinh dưỡng này sẽ làm tăng mật độ sắc tố của tế bào có trong điểm vàng, rất tốt cho việc phục hồi mắt.
- Thịt đà điểu, gà tây, thịt cá hồi và cá mòi: Là những thực phẩm giúp đôi mắt luôn sáng khỏe.
Ngoài ra, bạn có thể bổ sung các loại dầu cá, dầu gấc... Tuy nhiên trước khi sử dụng bạn cần có sự đồng ý của bác sĩ, không nên tự ý mua và sử dụng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.