Đặt thuốc diệt tủy răng có đau không?

Đặt thuốc diệt tủy răng là lựa chọn được bác sĩ chỉ định trong một số trường hợp cụ thể để điều trị các bệnh lý răng miệng. Tuy nhiên, vấn đề được nhiều bệnh nhân quan tâm là đặt thuốc diệt tủy răng có đau không, cần lưu ý gì?

1. Vài nét về thuốc diệt tủy răng

Tủy răng là bộ phận có chứa nhiều mô và dây thần kinh. Tủy răng đảm nhiệm vai trò dẫn truyền cảm giác và các chất dinh dưỡng nuôi răng. Do đó, tủy răng rất nhạy cảm. Nếu răng bị viêm nhiễm nhưng vẫn còn tủy sống thì bệnh nhân thường được chỉ định đặt thuốc làm chết tủy răng trước khi điều trị. Việc này nhằm làm hạn chế triệu chứng đau đớn cho bệnh nhân trong và sau điều trị.

Thuốc diệt tủy răng là loại thuốc có thành phần chính là Asen (còn được gọi là thạch tín). Tuy là 1 chất độc hóa học nhưng Asen và các hợp chất của nó hiện được điều chế để ứng dụng trong y học. Cụ thể, Asen hòa tan được sử dụng với 1 liều lượng nhỏ để điều trị một số loại thuốc, trong đó có thuốc diệt tủy răng. Thuốc này giúp làm chết tủy răng hoàn toàn chỉ sau 24 - 48 giờ sử dụng.

Hiện có 2 loại thuốc diệt tủy răng phổ biến trên thị trường là:

  • Thuốc diệt tủy răng có chứa Arsenic: Thành phần chủ yếu là Anhydrit arsenic, Cocain hydroclorid và Phenol.;
  • Thuốc diệt tủy răng không chứa Arsenic: Thành phần chủ yếu là Dicain, Paraformaldehyde, Dinatri etylen diamin tetraacetate và Phenol.

2. Đặt thuốc diệt tủy răng có đau không?

Diệt tủy răng bằng thuốc là phương pháp có hiệu quả nhanh để làm chết tủy răng. Sau khi đặt thuốc khoảng 24 - 48 giờ, tủy răng sẽ bắt đầu hoại tử. Cũng trong khoảng thời gian này, người bệnh sẽ có triệu chứng đau nhức nhẹ. Tuy nhiên, bệnh nhân không cần lo lắng vì cảm giác đau chỉ kéo dài trong 1 - 3 ngày đầu và sẽ giảm dần. Sau đó, khi tủy răng đã chết thì bạn sẽ không còn cảm giác đau nhức hoặc ê buốt nữa.

Mức độ đau ít hay nhiều sẽ phụ thuộc vào cơ địa và ngưỡng chịu đau của từng bệnh nhân. Có người bệnh chỉ thấy răng hơi ê nhẹ. Trong khi số khác lại cảm thấy đau nhức, khó chịu nhiều.

3. Một số lưu ý sau khi đặt thuốc diệt tủy răng

3.1 Cách giảm đau nhức sau khi đặt thuốc làm chết tủy răng

Tình trạng ê nhức, đau sau khi đặt thuốc diệt tủy răng là hoàn toàn tự nhiên. Dù vậy, bác sĩ vẫn thường kê cho bệnh nhân sử dụng thuốc giảm đau và kháng viêm thông dụng. Người bệnh chỉ nên dùng thuốc khi cơn đau nhiều, kéo dài. Bệnh nhân không nên lạm dụng thuốc. Đồng thời, người bệnh còn có thể chườm đá lạnh để làm giảm cảm giác đau.

3.2 Những lưu ý quan trọng

Đặt thuốc diệt tủy sẽ giúp người bệnh không bị đau đớn trong quá trình lấy tủy sau này. Khi đặt thuốc, bác sĩ cần lưu ý một số điểm vì thuốc có thành phần Asen nên cần tránh để dính vào nướu hoặc lỡ nuốt phải thuốc.

Những lưu ý quan trọng là:

  • Sau khi đặt thuốc bệnh nhân nên tránh ăn nhai trong khoảng 1 giờ. Việc này giúp chất trám tạm cứng lại hoàn toàn;
  • Trong thời gian chờ đợi tủy chết hoàn toàn (thường khoảng 5 ngày), người bệnh nên hạn chế cắn đồ cứng ở vị trí răng đang chữa tủy. Việc này giúp răng tránh bị tác động mạnh gây ê đau nhiều, rơi miếng trám răng;
  • Khi đặt thuốc diệt tủy và răng bị nhức, người bệnh có thể dùng thêm thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ để làm dịu những triệu chứng khó chịu;
  • Nếu miếng trám trên răng bị rớt, rơi ra hoặc bong tróc khỏi răng thì bệnh nhân nên ngay lập tức quay lại cơ sở y tế để kiểm tra, thay thế miếng trám mới. Điều này tránh nguy cơ nuốt phải thuốc hoặc thuốc dính vào lợi.

Với câu hỏi đặt thuốc diệt tủy răng có đau không, đáp án là có. Tuy nhiên, cơn đau thường nhẹ và không kéo dài nên bệnh nhân không cần quá lo lắng. Đặc biệt, vì chữa tủy là kỹ thuật khó, đòi hỏi bác sĩ phải có tay nghề cao, kinh nghiệm dày dặn, có đủ thuốc và các trang thiết bị hỗ trợ. Do đó, khi cần chữa tủy, dùng thuốc làm chết tủy răng, người bệnh nên đến các cơ sở y tế uy tín.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe