Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ cao cấp, Tiến sĩ Vũ Văn Tâm - Bác sĩ Nội truyền nhiễm - Khoa khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Bệnh truyền nhiễm được phân thành nhiều loại bao gồm bệnh truyền nhiễm nhóm A, bệnh truyền nhiễm nhóm B và bệnh truyền nhiễm nhóm C. Nếu không được phát hiện và cách ly hiệu quả, các bệnh truyền nhiễm sẽ có thể gây ra hậu quả nặng nề cho người mắc bệnh hoặc bùng phát thành dịch lớn.
1. Bệnh truyền nhiễm nhóm B là gì?
Bệnh truyền nhiễm là bệnh lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp từ người hoặc từ động vật sang người, do tác nhân gây bệnh truyền nhiễm gây ra. Tác nhân gây bệnh truyền nhiễm có thể là vi rút, vi khuẩn, ký sinh trùng và nấm. Bệnh truyền nhiễm nhóm B là những bệnh nguy hiểm, có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.
2. Danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm B
- Bệnh do vi rút A-đê-nô (Adeno)
Bệnh do vi rút a-đê-nô là một bệnh cấp tính với hội chứng lâm sàng đa dạng, bệnh nhân thường bị nhiễm vi rút cấp ở đường hô hấp trên với triệu chứng nổi trội là viêm mũi. Trường hợp đặc biệt, vi rút gây bệnh ở đường hô hấp dưới bao gồm: viêm phế quản nhỏ và viêm phổi.
- Bệnh do vi rút gây ra HIV/AIDS (hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người)
Nhiễm HIV được chia làm 4 giai đoạn, phụ thuộc vào các bệnh lý liên quan như: tình trạng sụt cân, nhiễm trùng cơ hội, các bệnh ác tính, mức độ hoạt động về thể lực. Tác nhân gây bệnh là do vi rút HIV gây suy giảm miễn dịch mắc phải ở người.
- Bệnh bạch hầu
Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở hầu họng, tuyến hạnh nhân, thanh quản và mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da hoặc màng niêm mạc khác như kết mạc mắt, bộ phận sinh dục. Các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn gây ra.
- Bệnh cúm
Bệnh cúm là bệnh nhiễm vi rút cấp tính ở đường hô hấp với biểu hiện thông thường là: sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Ho trong bệnh cúm thường nặng và kéo dài, có thể kèm triệu chứng đường tiêu hóa (buồn nôn, nôn, tiêu chảy) đặc biệt là ở trẻ em.
Bệnh thường diễn biến nhẹ, hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Ở trẻ em, người lớn tuổi, người mắc bệnh mạn tính hoặc người có suy giảm miễn dịch, bệnh cúm có thể diễn biến nặng nề hơn như viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não và thậm chí có thể tử vong.
- Bệnh dại
Bệnh dại là bệnh nhiễm vi rút cấp tính trên hệ thống thần kinh Trung ương. Bệnh lây truyền từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thường là nước bọt bị nhiễm vi rút dại. Hầu hết trường hợp phơi nhiễm bệnh dại đều thông qua vết cắn hoặc vết liếm của động vật mắc bệnh. Đôi khi bệnh dại có thể bị nhiễm qua đường tiếp xúc như hít phải khí dung hoặc ghép tổ chức mới bị nhiễm vi rút dại. Một khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và con người đều dẫn đến tử vong.
- Bệnh ho gà
Bệnh ho gà thường bắt đầu từ 1-2 tuần sau khi bị lây từ trẻ mắc ho gà khác. Bệnh khởi phát giống như triệu chứng cảm lạnh: Sốt, sổ mũi và ho, sau đó 2 tuần cơn ho gà bắt đầu. Trẻ ho gà có biểu hiện ho dồn dập, nhiều lần, không kịp thở, ho cho đến khi khạc ra một cục nhầy đặc, rồi trẻ hít hơi vào phổi với một tiếng rít. Khi ho, môi và móng tay trẻ bị tím vì thiếu không khí, sau cơn ho có thể nôn. Giữa các cơn ho, trẻ bị ho gà gần như trông có vẻ khỏe mạnh. Ho gà thường sẽ hết sau ba tháng hoặc lâu hơn. Ho gà đặc biệt nguy hiểm cho trẻ em dưới 1 tuổi, vì vậy cần tiêm ngừa sớm cho trẻ.
Video đề xuất:
Tiêm vắc xin ho gà ở trẻ sơ sinh
- Bệnh lao phổi
Bệnh lao có thể gặp ở tất cả các bộ phận của cơ thể như: màng phổi, hạch bạch huyết, màng não, xương khớp, màng bụng, hệ sinh dịch - tiết niệu, ruột... trong đó lao phổi là thường gặp nhất (80 – 85%) và là nguồn lây chính.
- Bệnh do liên cầu lợn ở người
Bệnh liên cầu khuẩn lợn do Streptococcus suis gây nên và có thể lây cho người. Tuy nhiễm S.suis ít gặp ở người nhưng người vẫn có nguy cơ lây nhiễm và phát bệnh khi tiếp xúc với lợn bệnh hoặc các sản phẩm từ lợn bệnh. Biểu hiện bệnh là: viêm màng não, xuất huyết, viêm phổi, viêm cơ tim và viêm khớp. Người bệnh nặng có thể tử vong do độc tố vi khuẩn gây sốc nhiễm khuẩn, viêm nội tâm mạc, suy đa phủ tạng, nhiễm khuẩn huyết... Tỷ lệ tử vong có thể tới 7%.
- Bệnh lỵ A-míp
Bệnh lỵ amip là bệnh nhiễm trùng đường ruột, có thể ở dạng cấp tính, tối cấp hoặc mạn tính. Tổn thương có thể ở vị trí ngoài ruột (áp xe gan, màng phổi...)
- Bệnh lỵ trực trùng
Bệnh lỵ trực trùng là bệnh nhiễm khuẩn đường ruột cấp tính do vi khuẩn Shigella gây ra. Bệnh có biểu hiện đa dạng (25% có hội chứng lỵ rõ, 25% nhiễm khuẩn không triệu chứng, đa số trường hợp chỉ có tiêu chảy nhẹ, một số ít có diễn tiến mạn tính).
- Bệnh quai bị
Bệnh quai bị gây ra bởi vi rút Mumps virus gây ra, thuộc giống Rubulavirus và họ Paramyxoviridae. Bệnh phân bố rộng trên toàn cầu nhưng tỷ lệ mắc cao hơn ở những vùng dân cư đông đúc, đời sống thấp, vùng khí hậu lạnh.
- Bệnh sốt xuất huyết Đăng gơ (Dengue), sốt Đăng gơ (Dengue)
Vi rút dengue (Dengue virus) gây bệnh sốt Dengue/sốt xuất huyết Dengue thuộc giống Flavivirus, họ Flaviviridae, gồm 4 tuýp huyết thanh là D1, D2, D3, D4. Cả 4 tuýp đều có thể gặp ở Việt Nam và luân phiên gây dịch.
- Bệnh sốt rét
Tác nhân gây bệnh là ký sinh trùng sốt rét (Plasmodium). Có 4 loại ký sinh trùng ở người là P.malariae, P.vivax, P.falciparum và P.ovale. Ở Việt Nam có 3 loại là P. falciparum, P.vivax và P.malariae. Có 4 phương thức lây truyền: Do muỗi truyền (chủ yếu), do truyền máu có nhiễm ký sinh trùng sốt rét, do mẹ truyền sang con qua nhau thai bị tổn thương, do tiêm chích bơm tiêm dính máu có ký sinh trùng.
- Bệnh sốt phát ban
Sốt phát ban bao gồm 3 bệnh chính: bệnh sốt phát ban do chấy, rận hoặc còn gọi là sốt phát ban cổ điển, bệnh sốt phát ban do chuột hay còn gọi là sốt phát ban địa phương do bọ chét chuột và bệnh sốt phát ban do mò mạt hay còn gọi là sốt phát ban bụi rậm.
- Bệnh sởi
Sởi là một bệnh truyền nhiễm, gây dịch rộng rãi ở mọi nơi trên thế giới, đặc biệt là thời kỳ trước tiêm chủng. Bệnh phổ biến ở trẻ em. Trên 90% số người trước tuổi 20 đã mắc bệnh sởi, rất hiếm không bị mắc. Ước tính hàng năm khoảng 100 triệu trường hợp mắc và có 6 triệu người tử vong do sởi.
- Bệnh tay-chân-miệng
Bệnh chân - tay - miệng là bệnh truyền nhiễm có thể gây thành dịch, xảy ra quanh năm nhưng thường gặp vào mùa hè, mùa thu. Bệnh chủ yếu xảy ra với trẻ em dưới 10 tuổi, cũng có thể gặp ở cả người lớn. Trẻ nhỏ, trẻ em và thiếu niên rất dễ nhiễm và phát bệnh vì có ít kháng thể.
- Bệnh than
Bệnh than là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, làm tổn thương ở da, hiếm khi gây tổn thương ở mồm-họng, đường hô hấp dưới, trung thất hoặc tổn thương ở bộ máy tiêu hóa. Tác nhân gây bệnh là trực khuẩn than (Bacillus anthracis).
- Bệnh thủy đậu
Bệnh do virus gây nên. Khi lây bệnh từ một người khác thì 2-3 tuần sau mới có biểu hiện. Trước tiên xuất hiện rất nhiều nốt nhỏ, đỏ, ngứa, những nốt này trở thành nốt mụn phồng nước, vỡ ra và cuối cùng đóng vẩy. Mụn bắt đầu xuất hiện trên người và sau đó lên mặt, lan ra tay và chân. Có thể cùng lúc có những chỗ phỏng nước, chỗ rộp, chỗ đóng vảy kèm sốt nhẹ.
- Bệnh thương hàn
Thương hàn là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Salmonella typhi gây ra. Khởi phát đột ngột với sốt cao kéo dài, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, mạch chậm, táo bón hoặc tiêu chảy, ho khan. Tuy nhiên cũng có trường hợp nhẹ hoặc không có triệu chứng. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, trung bình từ 8 - 14 ngày.
Video đề xuất:
Dấu hiệu cảm sốt thương hàn và vacxin phòng tránh
- Bệnh uốn ván
Bệnh uốn ván là bệnh cấp tính do ngoại độc tố của vi khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí. Các triệu chứng là cơn co cứng cơ kèm theo đau, trước tiên là đau các cơ nhai, cơ mặt, cơ gáy và sau đó là cơ thân.
- Bệnh Ru-bê-ôn (Rubeon)
Bệnh ru-bê-ôn là bệnh nhiễm vi rút cấp tính. Bệnh khởi đầu sốt nhẹ, đau đầu, mệt mỏi, viêm mũi xuất tiết nhẹ và viêm màng kết mạc mắt. Sau đó, sưng hạch bạch huyết sau tai, chẩm, sau cổ và phát ban khoảng 5-10 ngày. Ban xuất hiện ở mặt rồi lan toàn thân, gần giống ban sởi hoặc ban. Khoảng 50% trường hợp mắc bệnh ru-bê-ôn không phát ban.
- Bệnh viêm gan vi rút
Có nhiều loại vi rút gây viêm gan. Cho đến nay đã xác định được các loại vi rút viêm gan A, B, C, D, E.
- Bệnh viêm màng não do não mô cầu
Bệnh viêm màng não do não mô cầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, xảy ra đột ngột với triệu chứng sốt, đau đầu dữ dội, buồn nôn/nôn, cổ cứng, thường kèm ban xuất huyết hình sao hoặc mụn nước. Có trường hợp biểu hiện mệt lả đột ngột, xuất hiện mảng xuất huyết và thậm chí gây sốc. Nếu phát hiện sớm và điều trị tích cực, tỷ lệ tử vong chỉ từ 5 - 15%.
- Bệnh viêm não vi rút
Bệnh viêm não vi rút được phân chia thành 2 loại là viêm não vi rút nguyên phát và viêm não vi rút thứ phát. Các bệnh viêm não vi rút thứ phát là biến chứng của các vi rút sởi, quai bị, cúm, herpes simplex... Viêm não vi rút nguyên phát có tác nhân gây bệnh là những vi rút có ổ chứa thiên nhiên, do côn trùng tiết túc truyền gồm: viêm não vi rút do muỗi truyền và viêm não vi rút do ve truyền.
- Bệnh xoắn khuẩn vàng da
Bệnh xoắn khuẩn vàng da là bệnh do động vật truyền sang người. Bệnh có nhiều thể lâm sàng đa dạng từ nhiễm khuẩn thể ẩn, thể nhẹ không vàng da hoặc không biểu hiện viêm màng não đến thể cấp tính điển hình, xuất hiện vàng da nặng.
- Bệnh tiêu chảy do vi rút Rô-ta (Rota).
Tiêu chảy cấp do Rotavirus là bệnh cấp tính do vi rút gây nên, thường gặp ở trẻ nhỏ với triệu chứng nôn ói, tiêu chảy, đau bụng, mất nước. Bệnh dễ dẫn đến trụy mạch và tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.