Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Duy Dũng - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Bệnh Parkinson là một bệnh mạn tính, tiến triển và gây tàn phế được đặc trưng bởi cả các triệu chứng vận động và không vận động. Bệnh ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới và là bệnh thoái hóa thần kinh lưu hành nhiều thứ hai sau bệnh Alzheimer.
1. Giới thiệu
Các bệnh nhân Parkinson trải qua những triệu chứng vận động ngoại tháp tiến triển, bao gồm run, chậm động, cứng cơ, mất thăng bằng, và nhiều triệu chứng không vận động như rối loạn giấc ngủ và rối loạn cảm xúc. Mặc dù có bản chất tiến triển, bệnh Parkinson vẫn là một trong vài bệnh thoái hóa thần kinh mà các triệu chứng của nó có thể sẵn sàng được điều trị với liệu pháp thay thế dopamine.
2. Lịch sử ngắn gọn của bệnh Parkinson
Bác sĩ người Anh, James Parkinson, lần đầu xác định đặc điểm bệnh Parkinson trong chuyên khảo năm 1817 của ông “Một Bài luận về Liệt Rung”. Parkinson đã mô tả nhiều người biểu hiện run khi nghỉ, dáng đi lê bước, tư thế khom người, rối loạn giấc ngủ, và táo bón. Ông đã lưu ý bản chất tiến triển của bệnh và tàn phế nặng nó gây ra và gọi nó là liệt rung (paralysis agitans). Charcot sau đó đã trình bày chi tiết về bệnh, thêm chậm động và cứng cơ vào nhóm triệu chứng, và đặt lại tên bệnh là bệnh Parkinson.
Trong những năm 1950 Carlsson đã phát hiện ra rằng levodopa đảo ngược được sự bất động do reserpine gây ra, mở đường cho việc sử dụng nó như một cách điều trị bệnh Parkinson. Cotzias và các cộng sự khám phá ra levodopa cải thiện các triệu chứng của bệnh Parkinson vào năm 1967 khi ông sử dụng DL-dihydroxyphenylalanine (DOPA) cho bệnh nhân có hội chứng Parkinson và đạt được những kết quả hứa hẹn. Levodopa, khi kết hợp với carbidopa, trở thành nền tảng của liệu pháp nội khoa và vẫn còn như vậy cho đến ngày nay.
Các tiến bộ có ý nghĩa đã được tạo ra trong nửa sau của thế kỷ 20 và trong thế kỷ 21 về cơ chế sinh lý và các lựa chọn điều trị thêm vào cho bệnh Parkinson. Trong khi levodopa tiếp tục là hòn đá tảng của điều trị nội khoa, một sự liên quan đã được nhận thấy giữa levodopa liều cao, bệnh tiến triển nặng, và khởi phát dao động vận động. Các đồng vận dopamine, ức chế monoamine oxidase typ B (MAO-B), và ức chế catechol-O-methyltransferase (COMT) đã tìm được một chỗ đứng trong kho vũ khí điều trị bệnh, cùng với các hình thức mới của levodopa.
Các phương pháp điều trị phẫu thuật cho các triệu chứng kháng với điều trị nội khoa tối ưu cũng đã được phát triển, trong đó có kích thích não sâu (DBS).
Thế kỷ 21 cũng đã chứng kiến những khám phá đáng chú ý về các nguyên nhân gen của bệnh Parkinson, trong khi những tiến bộ lớn đã được tạo ra trong cơ chế bệnh sinh. Nghiên cứu tiếp tục tập trung vào các liệu pháp tiềm năng bảo vệ thần kinh và sửa chữa thần kinh.
3. Dịch tễ học của bệnh Parkinson
Bệnh Parkinson ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới, và số lượng bệnh nhân có thể gấp đôi vào năm 2030. Ước tính rằng bệnh Parkinson ảnh hưởng đến khoảng 1% người trên 60 tuổi ở Mỹ. Tỷ lệ mắc mới chuẩn hóa theo tuổi trung bình hàng năm của bệnh Parkinson ở người trên 65 tuổi ở các nước thu nhập cao là 160 trên 100.000 người. Nguy cơ trọn đời mắc bệnh Parkinson là 2% ở nam và 1,3% ở nữ từ 40 tuổi trở lên. Tỷ lệ mắc mới của bệnh Parkinson trước tuổi 50 là thấp nhưng tăng lên theo tuổi. Nam giới có nguy cơ cao hơn mắc bệnh Parkinson. Tỷ lê nam:nữ mắc mới toàn bộ chuẩn hóa theo tuổi được ước tính là 1,46 (95% CI 1,24 – 1,72). Không có nơi nào trên thế giới miễn nhiễm với bệnh Parkinson.
Nguồn tài liệu:
Theresa A. Zesiewicz. Parkinson Disease. Continuum (Minneap Minn) 2019;25(4, Movement Disorders): 896-918.
XEM THÊM BỘ TÀI LIỆU VỀ BỆNH PARKINSON CỦA BÁC SĨ VŨ DUY DŨNG: