Cơ chế chấn thương do tai nạn giao thông

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Huỳnh Kim Long - Bác sĩ hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Tai nạn giao thông đường bộ đang là vấn đề toàn cầu mà yếu tố chính dẫn đến là yếu tố con người. Trong đó, cơ chế chấn thương do tai nạn giao thông chủ yếu là cơ chế va đập. Tuy nhiên, chấn thương do tai nạn giao thông còn có nhiều cơ chế khác nhau kết hợp. Do vậy, hiểu rõ các cơ chế này sẽ giúp cho việc tiếp cận và điều trị bệnh nhân chuẩn xác hơn.

1. Giới thiệu về chấn thương do tai nạn giao thông

Phát triển là nhu cầu của con người, trong nghề nghiệp, kinh tế và xã hội, là quá trình bình thường và tự nhiên trong một thế giới luôn thay đổi không ngừng. Với sự thăng tiến ngày càng tốt hơn, sung túc hơn, cuộc sống của con người bình thường đã được cải thiện đáng kể. Song song đó, mặt tốt đều đi kèm với mặt tiêu cực, ngày càng có nhiều lo ngại về sự an toàn của con người, đó là vấn nạn tai nạn giao thông với tỷ lệ tử vong hàng năm là thứ ba trên thế giới hoặc thậm chí đứng thứ hai ở một số quốc gia. Thật đáng buồn là đối tượng bị nạn lại là thanh niên trong độ tuổi vừa trưởng thành.

Thực tiễn đã chứng minh rằng mỗi hành vi vi phạm giao thông đều mang đến nguy cơ bị tai nạn giao thông do không tuân thủ một hoặc nhiều quy tắc. Hệ quả là khi chấn thương xảy ra, đời sống và cơ thể, thể chất lẫn tinh thần, ít nhiều đều bị ảnh hưởng, mức độ tùy thuộc vào cơ chế xảy ra. Do đó, những cơ chế chấn thương do tai nạn giao thông khác nhau, đòi hỏi cách tiếp cận và xử trí khác nhau, nhằm mau chóng cải thiện sức khỏe cho nạn nhân.


Tai nạn giao thông có thể gây ra những thương vong về người rất lớn
Tai nạn giao thông có thể gây ra những thương vong về người rất lớn

2. Các loại cơ chế chấn thương do tai nạn giao thông

2.1. Lực tác động mạnh

Cơ chế lực tác động mạnh đơn giản là một trong những cơ chế phổ biến nhất để gây thương tích trong tai nạn giao thông. Nguồn lực có thể là:

  • Tác động chủ động khi phương tiện gây chấn thương đang chuyển động va vào cơ thể người, đang ở trạng thái tĩnh
  • Tác động bị động khi cơ thể người đang ở trạng thái chuyển động và đánh vào bề mặt phương tiện có thể là tĩnh hoặc động

Các loại cơ chế gây lực tác động mạnh tạo ra chấn thương trong tai nạn đường bộ

a) Khi cả xe và người cùng chuyển động xung quanh

b) Thương tích do va đập đơn giản của một bộ phận bên trong xe lên cơ thể trong trường hợp bị tác động của phương tiện này vào phương tiện khác

c) Đập cơ thể vào phương tiện vận tải mà phương tiện có thể cố định hay đang dịch chuyển.

Nói chung, mức độ nghiêm trọng của các tổn thương do cơ chế lực tác động mạnh đơn giản gây ra là thấp. Các tổn thương cụ thể đặc trưng bởi các vết bầm tím, phù nề, thường kèm theo chấn thương khớp và gãy xương. Trong trường hợp chấn thương có gãy xương, các vị trí thường gặp là các chi ở vùng chậu (đối với người đi bộ) hoặc đầu (cho người điều khiển phương tiện).


Dưới lực tác động mạnh có thể gây gãy xương
Dưới lực tác động mạnh có thể gây gãy xương

2.2. Té ngã

Sự rơi xuống mặt đất do té ngã bao gồm sự va chạm thụ động của cơ thể bị thu hút bởi lực hấp dẫn của mặt đất lên một phương tiện hay vật rắn mà nó gặp phải. Cơ chế chấn thương này xảy ra cả khi phương tiện tăng tốc hoặc khi cơ thể bất ngờ ngã xuống.

Kết quả là chấn thương do va chạm mạnh với vật liệu thô ráp như đất hoặc xe nhỏ hơn khác đang dừng hoặc đang chuyển động. Tình huống giả định sẽ gây té ngã người đi bộ hay cả người điều khiển phương tiện, cho dù là do lực đẩy thực thể hay có một cột không khí chuyển động do phương tiện di chuyển ở tốc độ cao. Mặt khác, một người vẫn có thể bị tai nạn vì sợ hãi và té ngã chỉ vì muốn tránh chiếc xe như đang lao về phía mình.

2.3. Va đập

Va đập là một cơ chế đơn giản thường gặp trong các vụ tai nạn đường bộ và không chỉ nhắm vào những người sử dụng phương tiện mà còn cả người đang đi bộ.

Bối cảnh xảy ra va đập đối với người đi bộ là xảy ra khi đang tham gia lưu thông; còn đối với hành khách trong xe ô tô thông thường là va đập với các thiết kế bên trong thùng xe. Theo đó, người ngồi ở hàng ghế sau bị va đập vào hàng ghế trước và người hàng ghế trước va đập vào vô-lăng hay kính xe, gây chấn thương sọ não hay cả tổn thương trên da và nội tạng. Nếu chấn thương bên ngoài có mức độ nghiêm trọng thấp thì những chấn thương bên trong lại đa dạng và nghiêm trọng hơn, như gãy xương, vỡ nội tạng, dẫn đến sốc mất máu trong tai nạn giao thông, hồi sức tim phổi kịp thời và có thể dẫn đến tử vong.


Va đập mạnh có thể gây chấn thương sọ não
Va đập mạnh có thể gây chấn thương sọ não

2.4. Đè nén

Cơ chế đè nén đơn giản liên quan đến việc nghiền nát cơ thể giữa hai mặt phẳng cứng. Bối cảnh xảy ra cơ chế chấn thương này được thể hiện bằng một bộ phận của phương tiện vận tải cán qua cơ thể trên mặt phẳng thô cứng, chẳng hạn như nền đường, mặt đất. Mặt khác, cơ thể nạn nhân vẫn có thể bị đè nén ngay trên bề mặt của các phương tiện.

Do bị đè nén, các tổn thương do chấn thương bên ngoài, mặc dù ít nhận thấy mà chỉ là các vết bầm tím, nhưng bên trong, tại các vùng tương ứng các khu vực chịu áp lực, các tạng bên trong đã tổn thương nặng nề, đôi khi bộc lộ ra ngoài như gãy xương xuyên thấu.

2.5. Nghiền ủi

Nghiền ủi cũng là cơ chế thường gặp trong chấn thương do tai nạn giao thông đường bộ. Bối cảnh xảy ra khi cơ thể bị nén giữa một mặt là bánh xe đang chạy của phương tiện vận chuyển (bánh xe, đường ray, đế trượt) và mặt khác cũng là một mặt phẳng lăn với quỹ đạo nén.

Kết quả là một bộ phận cơ thể thường bị nghiền nát mà khó hồi phục, thậm chí còn dẫn đến tách rời cơ thể.

Tóm lại, tai nạn giao thông đường bộ ngày nay là một trong những lý do thường gặp tại khoa cấp cứu ở các bệnh viện. Sự phát triển các phương tiện càng hiện đại, cơ chế chấn thương do tai nạn giao thông càng nặng nề. Theo đó, việc tiếp nhận các đối tượng bệnh nhân này thực sự là vấn đề lớn của y học, bởi cơ chế tổn thương, lực tác động và đặc điểm sang chấn liên quan trực tiếp đến sơ cấp cứu ban đầu cũng như dự hậu tiếp theo.

Chấn thương do tai nạn giao thông là trường hợp nặng có thể đe dọa tính mạng nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm. Bệnh nhân phải đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và xử trí cấp cứu.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: ncbi.nlm.nih.gov, worldwidewounds.com, Cục Quản lý khám chữa bệnh Việt Nam - Bộ Y tế

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe