Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Trịnh Lê Hồng Minh - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Chụp số hóa xóa nền động mạch chi trên là phương pháp chụp có thuốc đối quang I-ốt để cho thấy được toàn bộ phần động mạch từ động mạch dưới đòn, động mạch cánh tay cho đến động mạch khuỷu, động mạch quay trụ cũng như các động mạch bàn, ngón tay.
1. Chụp số hóa xóa nền động mạch là gì?
Phương pháp chụp mạch máu xóa nền DSA hay còn gọi là Digital Subtraction Angiography. Đây là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh dựa trên phim chụp động mạch được xử lý kỹ thuật số. Hình ảnh thu được sẽ cho thấy các động mạch cần nghiên cứu, từ đó giúp bác sĩ dễ dàng chẩn đoán bệnh.
2. Ứng dụng của DSA
- Chẩn đoán và điều trị dị dạng, phình động mạch não, tổn thương thông động – tĩnh mạch, u giàu mạch máu;
- Can thiệp cấp cứu bệnh nhân đột quỵ do huyết khối động mạch não;
- Chẩn đoán, điều trị bệnh liên quan đến mạch máu tủy;
- Chẩn đoán và can thiệp các động mạch chủ có bất thường, động mạch thận, chi, động mạch cảnh, động mạch ngoại biên;
- Thông tim và đóng lỗ thông tim, nong hẹp van của động mạch hoặc đặt bóng đối xung nội động mạch chủ;
- Đặt các lưới lọc tĩnh mạch chủ, đặt các máy tạo nhịp hay lấy dị vật hệ tuần hoàn, siêu âm lòng mạch, buồng tim.
Kỹ thuật DSA được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực y học.
3. Chụp số hóa xóa nền động mạch chi trên là gì?
Chụp số hóa xóa nền DSA là phương pháp chẩn đoán hình ảnh được áp dụng để chụp các động mạch khi cần thiết. Thủ thuật này có thể ứng dụng với nhiều bộ phận trên cơ thể đem lại hình ảnh rõ nét và chính xác của cách động mạch. Phương pháp này thường được dùng để chẩn đoán các ổ dị dạng động mạch hay viêm tắc mạch ở các chi.
3.1 Chỉ định
- Dị dạng vùng chi trên;
- Kiểm tra các cầu nối;
- Chấn thương vùng chi trên nghi ngờ có tổn thương mạch máu;
- Chụp mạch phục vụ điện quang can thiệp;
- Bệnh nhân mắc các bệnh bẩm sinh hoặc mắc phải của động mạch chi trên.
3.2 Chống chỉ định
Thủ thuật này không cho chống chỉ định tuyệt đối. Tuy nhiên, những trường hợp như rối loạn đông máu, suy thận hay có tiền sử rõ ràng bị dị ứng thuốc đối quang I-ốt hoặc phụ nữ đang có thai thì không được dùng thủ thuật này. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể căn cứ vào tình trạng của bệnh nhân mà quyết định có cần thực hiện thủ thuật này hay không.
3.3 Các bước tiến hành
- Chuẩn bị
Thủ thuật chụp số hóa xóa nền cần phải đặt đường truyền tĩnh mạch nên thường phải gây tê tại chỗ và phải tiêm thuốc tiền mê đối với trường hợp trẻ em dưới 5 tuổi.
Kỹ thuật sử dụng để chụp trong trường hợp này thường là Seldinger truyền thống. Đường vào thường được chọn là từ động mạch đùi. Trừ khi đường vào này không thể sử dụng thì mới lựa chọn đường vào khác. Ngoài động mạch đùi, bác sĩ có thể chọn đường vào từ động mạch nách hay động mạch cánh tay.
- Tiến hành kỹ thuật
Đầu tiên, bệnh nhân sẽ được sát khuẩn và gây tê tại chỗ chọc kim và tiến hành đặt ống vào lòng mạch.
Để chụp được động mạch dưới đòn và động mạch nách, bác sĩ sẽ luồn ống thông 5F đến gốc động mạch dưới đòn rồi bơm thuốc.
Để chụp động mạch cánh tay hay động mạch khuỷu hay động mạch, động mạch quay, bác sĩ cũng sẽ dùng ống thông loại sâu hơn để đưa tới gần động mạch cần thăm khám và bơm thuốc.
Khi bơm thuốc đối quang I-ốt cũng cần lưu ý bệnh nhân có dị ứng hay không? Tốc độ, liều lượng là bao nhiêu? Thông thường, thể tích thuốc và tốc độ bơm thuốc sẽ thay đổi tùy theo cách thức chụp từng đoạn hoặc chụp đuổi thuốc “Bolus tracing”. Thể tích thuốc thường được dùng là 30ml thuốc bơm với áp lực 500PSI, tốc độ 6ml/s với Bolus tracing hoặc thể tích 12ml với áp lực 500PSI, tốc độ 5ml/s.
Trong trường hợp chọn chọc trực tiếp thì kim sẽ được chọc xuôi dòng từ động mạch nách hoặc cánh tay rồi mới tiến hành bơm thuốc.
Sau khi có kết quả chụp đạt yêu cầu cần thiết, bác sĩ sẽ rút ống thông lòng mạch ra và đè ép băng tay lên vị trí chọc kim trong 15 phút để cầm máu. Cuối cùng, bệnh nhân được băng ép trong 6 giờ sau khi làm thủ thuật hoặc sử dụng dụng cụ để đóng lòng mạch.
- Nhận định kết quả
Hình ảnh thu được sẽ hiển thị rõ những cấu trúc giải phẫu của động mạch chi trên kể từ động mạch dưới đòn cho đến các động mạch nách, động mạch cánh tay, động mạch quay – trụ và bàn tay. Dựa vào hình ảnh này, bác sĩ có thể phát hiện ra các tổn thương hoặc bất thường nếu có.
4. Các tai biến có thể gặp phải
Thủ thuật chọc kim và đặt ống lòng mạch có thể gây ra một số tai biến cho người bệnh, thuốc đối quang I-ốt cũng có thể là một nguyên nhân.
Trong khi làm thủ thuật, bệnh nhân có thể bị rách động mạch, bóc tách động mạch ở vị trí chọc khiến cho máu chảy không ngừng. Trường hợp này cần được đè ép và băng lại ngay sau đó chuyển vị trí chọc đường vào sang phía đối diện.
Với trường hợp bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị tắc động mạch do có cục máu đông thì cần phải khám kịp thời và có hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Bệnh nhân cũng có thể được bơm thuốc tiêu sợi huyết hay can thiệp lấy huyết khối.
Khi ống thông hay dây dẫn bị đứt gãy bên trong lòng mạch, cần phải nhanh chóng dùng dụng cụ lấy ra và cách can thiệp nội mạch hoặc phải phẫu thuật.
Sau khi kết thúc thủ thuật, bệnh nhân có thể bị xuất hiện tụ máu hoặc chảy máu, trường hợp này bệnh nhân cần phải được băng ép và nằm nghỉ ngơi đến khi máu ngừng chảy. Một trường hợp hiếm gặp khác đó là bệnh nhân bị phồng hoặc thông động tĩnh mạch, lúc này cần phải can thiệp nội mạch hoặc biện pháp ngoại khoa để xử trí. Một số trường hợp khác có thể bị nhiễm trùng, để điều trị cần dùng thuốc kháng sinh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.