Chứng đau nửa đầu có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn như thế nào?

Chứng đau nửa đầu có thể gây đau nhức dữ dội hoặc cảm giác như bị đánh ở một bên đầu, kèm với buồn nôn, nôn và nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh. Cơn đau nửa đầu có thể kéo dài hàng giờ đến vài ngày và đau nửa đầu dữ dội có thể cản trở hoạt động hàng ngày của bạn.

1. Triệu chứng của chứng đau nửa đầu

Chứng đau nửa đầu (tên tiếng Anh là Migraines) thường bắt đầu ở thời thơ ấu, thanh thiếu niên hoặc tuổi trưởng thành sớm, có thể tiến triển qua bốn giai đoạn: triệu chứng mơ hồ, hào quang, tấn công và hậu chứng. Không phải ai bị đau nửa đầu cũng trải qua tất cả các giai đoạn. Các giai đoạn này có thể bao gồm:

1.1 Triệu chứng mơ hồ (Prodrome)

Vài giờ hoặc vài ngày trước khi đau đầu, khoảng 60% những người bị chứng đau nửa đầu nhận thấy các triệu chứng như:

  • Nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh hoặc mùi
  • Mệt mỏi
  • Thèm ăn hoặc giảm thèm ăn
  • Thay đổi tâm trạng
  • Khát nước nhiều
  • Đầy hơi
  • Táo bón hoặc tiêu chảy

1.2 Hào quang (Aura)

Những triệu chứng này xuất phát từ hệ thống thần kinh và thường liên quan đến tầm nhìn. Các triệu chứng dưới đây thường bắt đầu dần dần, trong khoảng thời gian 5 đến 20 phút và kéo dài chưa đầy một giờ, cụ thể như sau:

  • Nhìn thấy các chấm đen, đường lượn sóng, ánh sáng lóe lên, hoặc những vật không có thật (ảo giác)
  • Có tầm nhìn đường hầm (tunnel vision)
  • Mất khả năng thị lực
  • Bị ngứa ran hoặc tê ở một bên cơ thể
  • Không thể nói rõ ràng
  • Có cảm giác nặng nề ở tay và chân
  • Có tiếng chuông trong tai
  • Có những thay đổi về mùi, vị hoặc xúc giác

Người bệnh có thể nhìn thấy các chấm đen
Người bệnh có thể nhìn thấy các chấm đen

1.3 Giai đoạn tấn công (Attack)

Cơn đau nửa đầu thường bắt đầu giống như cơn đau âm ỉ và sau đó tiến triển thành cơn đau nhói. Triệu chứng này thường trở nên tồi tệ hơn trong khi hoạt động thể chất. Cơn đau có thể di chuyển từ một bên này sang bên kia của đầu hoặc phía trước đầu hoặc có thể cảm thấy như triệu chứng này xuất hiện ở cả toàn bộ đầu của bạn.

Khoảng 80% người bệnh sẽ kèm theo buồn nôn cùng với đau đầu và khoảng một nửa là có nôn. Bạn cũng có thể có các thêm các triệu chứng khác như xanh xao và khó chịu hoặc cảm thấy choáng váng.

Hầu hết các cơn đau nửa đầu kéo dài khoảng 4 giờ, nhưng những cơn nghiêm trọng có thể có đau nửa đầu thường xuyên kéo dài hơn 3 ngày. Tần suất xuất hiện có thể từ hai đến bốn cơn đau đầu mỗi tháng. Một số người có thể bị đau nửa đầu cứ sau vài ngày, trong khi những người khác bị đau một hoặc hai lần trong một năm.

1.4 Hậu chứng (Postdrome)

Giai đoạn này có thể kéo dài đến một ngày sau khi đau đầu. Các triệu chứng bao gồm:

  • Cảm thấy mệt mỏi hoặc cáu kỉnh
  • Cảm thấy sảng khoái hay hạnh phúc lạ thường
  • Đau cơ hoặc yếu cơ
  • Thèm ăn hoặc giảm cảm giác thèm ăn

2. Chứng đau nửa đầu có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ như thế nào?

2.1 Đột quỵ

Phụ nữ bị chứng đau nửa đầu có hào quang có nhiều khả năng bị đột quỵ, điều này xảy ra khi một phần não đột nhiên bị cắt giảm nguồn cung cấp máu. Các nghiên cứu cho thấy khả năng bị đột quỵ trở nên tồi tệ hơn nếu bạn có kèm theo hút thuốc lá, huyết áp cao hoặc uống thuốc tránh thai.

2.2 Bệnh tim mạch

Bạn có nhiều khả năng bị bệnh tim, chẳng hạn như đau ngực gọi là đau thắt ngực hoặc đau tim, nếu bạn bị đau nửa đầu và ngược lại. Nhưng có nhiều biện pháp giúp bạn có thể làm để giảm nguy cơ này như chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và ngủ đủ giấc.


Người bệnh có thể mắc bệnh lý tim mạch với các biểu hiện đau tim
Người bệnh có thể mắc bệnh lý tim mạch với các biểu hiện đau tim

2.3 Huyết áp cao

Một số nghiên cứu cho thấy những người bị chứng đau nửa đầu có thể dễ bị huyết áp cao. Những nghiên cứu chủ yếu thực hiện trên đối tượng là phụ nữ da trắng, vì vậy cần nhiều nghiên cứu hơn để xem liệu điều này có đúng với những người thuộc chủng tộc khác hay không.

2.4 Tim bất thường

Những người bị chứng đau nửa đầu, đặc biệt là nếu họ có hào quang, có nhiều khả năng gặp vấn đề với cấu trúc tim của họ, ví dụ lỗ thông bầu dục (patent foramen ovale). Đó là một lỗ nhỏ giữa buồng trên bên phải và bên trái của trái tim. Khoảng một phần ba số người bị chứng đau nửa đầu có lỗ này.

2.5 Động kinh

Bạn có nhiều khả năng gặp phải tình trạng gây ra cơn động kinh, nếu bạn bị đau nửa đầu. Cả hai bệnh lý này đều có cùng chung một nguyên nhân, đó là tế bào thần kinh nhạy cảm khác thường trong não. Và cả hai rối loạn có thể là do gen của bạn nhận được từ cha mẹ của bạn. Các bác sĩ sử dụng một số loại thuốc tương tự nhau để điều trị, ví dụ divalproex sodium (Depakote) và topiramate (Topamax).

2.6 Mất ngủ

Vấn đề về giấc ngủ, bao gồm mất ngủ, thường gặp ở những người bị chứng đau nửa đầu. Chúng cũng có thể dẫn đến lo âu và trầm cảm, có liên quan đến chứng đau nửa đầu. Thói quen ngủ không đều cũng là một trong những tác nhân chính gây ra chứng đau nửa đầu. Bạn có thể ngủ ngon hơn nếu bạn thức dậy mỗi ngày cùng một thời nhất điểm nhất định và tránh sử dụng rượu và caffeine vào cuối ngày.

2.7 Lo âu và trầm cảm

Khoảng 25% những người bị chứng đau nửa đầu bị trầm cảm và có tới 50% lo âu. Điển hình hơn nếu chứng đau nửa đầu của bạn diễn ra thường xuyên, đau đầu xuất hiện trong khoảng 15 ngày/tháng. Mối liên hệ giữa đau đầu và hai bệnh lý này vẫn chưa rõ ràng, nhưng nó có thể có liên quan đến cách não của bạn gửi tín hiệu từ tế bào thần kinh này đến tế bào khác bằng một hóa chất gọi là serotonin.


chứng đau nửa đầu bị trầm cảm thường có mối liên hệ đặc biệt với nhau
chứng đau nửa đầu bị trầm cảm thường có mối liên hệ đặc biệt với nhau

2.8 Lạm dụng trẻ em

Nếu bị lạm dụng tình dục, thể chất hoặc tinh thần khi còn nhỏ, bạn có thể bắt đầu bị đau nửa đầu sớm hơn và đau nửa đầu có nhiều khả năng biến thành vấn đề lâu dài. Không rõ tại sao, nhưng các bác sĩ cho rằng căng thẳng xuất hiện sớm từ khi còn bé có thể thay đổi cấu trúc não, hormone hoặc hệ thần kinh và thậm chí bật một số gen nhất định.

2.9 Ù tai

Người bệnh nghe thấy các âm thanh như thể có tiếng chuông hoặc rít trong tai bạn. Đối với một số người, vấn đề này chỉ có thể trở nên thực sự tồi tệ khi họ bị đau nửa đầu. Các chuyên gia hiện nay vẫn chưa rõ tại sao triệu chứng này xảy ra, nhưng có thể là các tế bào thần kinh gửi tín hiệu bất thường trong giai đoạn tấn công.

2.10 Hội chứng ruột kích thích

Những người có triệu chứng hội chứng ruột kích thích, như đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy và táo bón, có nhiều khả năng bị đau nửa đầu. Tuy nhiên vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn đã tìm ra phương pháp điều trị nào có thể phối hợp với nhau để giúp giải quyết những bệnh lý này.

2.11 Đau cơ xơ (Fibromyalgia)

Khi gặp phải tình trạng này, bạn có thể bị đau toàn thân, lo lắng, trầm cảm và nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh và thậm chí khi kích thích ở những “điểm nhạy cảm” có thể gây ra cơn đau lan toả.

Bạn cũng có thể dễ bị đau nửa đầu hơn. Ngăn ngừa và điều trị chứng đau nửa đầu bằng cũng có thể giúp phòng tránh các cơn đau cơ xơ hóa.

2.12 Rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD)

Đó là phản ứng với một sự kiện đau thương như bị lạm dụng hoặc tai nạn. Khi bị rối loạn căng thẳng sau chấn thương, người bệnh hồi tưởng lại những cảm xúc mãnh liệt diễn ra trong quá khứ. Người bệnh có nhiều khả năng bị đau nửa đầu nếu gặp vấn đề này.

Ở những người có cả hai bệnh lý, gần 70% có triệu chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương xuất hiện trước khi họ bị đau đầu. Bác sĩ có thể giúp người bệnh kiểm soát các triệu chứng bằng liệu pháp và thuốc.

2.13 Lượng đường trong máu thấp

Khi lượng đường trong máu quá thấp thì được gọi là hạ đường huyết. Triệu chứng này có thể gây ra chứng đau nửa đầu ở một số người. Nhưng đau đầu do nhịn ăn không phải lúc nào cũng do lượng đường trong máu thấp.

Điều này có thể xảy ra vì nhiều lý do khác, chẳng hạn như uống không đủ nước, cắt giảm lượng caffeine hoặc cơ thể tiết ra hormone gây căng thẳng khi bạn chưa ăn.


Uống không đủ nước có thể gây lượng đường trong máu thấp
Uống không đủ nước có thể gây lượng đường trong máu thấp

3. Đau nửa đầu nên làm gì?

Chứng đau nửa đầu gây ra các cơn đau giống như đau trong chấn thương, nhưng có một điểm khác biệt chính là nếu áp dụng các thói quen lành mạnh và các biện pháp đơn giản không cần thuốc, đôi khi có thể ngăn chặn chứng đau nửa đầu trước khi chúng bắt đầu. Cụ thể:

  • Tìm một môi trường yên tĩnh
  • Ngủ ngon giấc
  • Ăn uống đa dạng
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Quản lý căng thẳng
  • Ghi lại nhật ký đau nửa đầu

Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com, mayoclinic.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe