Chống chỉ định là trường hợp cụ thể trong đó người bệnh không nên sử dụng thuốc, thủ thuật hoặc phẫu thuật vì các biện pháp điều trị này có thể gây nguy hiểm cho người bệnh. Các bạn thường thấy chống chỉ định y học của ngành dược như chống chỉ định của thuốc, tuy nhiên các loại phẫu thuật hay kỹ thuật chẩn đoán, điều trị và chăm sóc cũng có chống chỉ định.
1. Chống chỉ định là gì?
Chống chỉ định là gì? Chống chỉ định (tên tiếng Anh là Contraindication) là bất cứ vấn đề gì như triệu chứng hoặc tình trạng y tế khiến người bệnh không được thực hiện điều trị hoặc loại kỹ thuật Y tế cụ thể do có thể gây nguy hiểm cho người bệnh. Ví dụ, người bệnh bị rối loạn chảy máu nên người này có chống chỉ định sử dụng aspirin do nếu điều trị bằng aspirin có thể gây chảy máu quá mức.
Chống chỉ định gồm có hai loại:
- Chống chỉ định tuyệt đối là trường hợp người bệnh tuyệt đối không được thực hiện điều trị hoặc kỹ thuật y tế do tình trạng bệnh lý. Ví dụ, trẻ em không được dùng aspirin do thuốc này có thể gây ra hội chứng Reye.
- Chống chỉ định tương đối có nghĩa là nên thận trọng xem xét sử dụng thuốc hoặc kỹ thuật y tế cho người bệnh. Bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng nếu lợi ích lớn hơn rủi ro. Ví dụ, chụp X-quang cho sản phụ là chống chỉ định tương đối do nguy cơ tia X ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi đang phát triển, tuy nhiên bác sĩ sẽ phải thực hiện khi cần để chẩn đoán các vấn đề bệnh lý có ảnh hưởng đến cả mẹ lẫn thai nhi.
2. Một số ví dụ chống chỉ định của thuốc?
Một số phương pháp điều trị có thể gây ra phản ứng không mong muốn hoặc nguy hiểm ở những người dễ bị dị ứng, huyết áp cao hoặc mang thai.
Ví dụ, isotretinoin là một loại thuốc dùng để điều trị mụn trứng cá và thuốc này cũng chống chỉ định tuyệt đối cho sản phụ do làm tăng nguy cơ thai nhi bị dị tật bẩm sinh. Một số thuốc chống sung huyết có chống chỉ định ở những người bị huyết áp cao và người bệnh nên tránh các thuốc này.
Ngoài ra, nhiều loại thuốc không nên được sử dụng cùng với nhau trên cùng một người bệnh. Chẳng hạn, một người đang dùng warfarin để làm loãng máu thì không nên dùng aspirin do đây cũng là thuốc làm loãng máu.
Để bảo đảm an toàn sức khỏe của mình, trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào, thủ thuật nào trong điều trị bệnh bạn cũng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, đặc biệt là những trường hợp: phụ nữ có thai, người mắc bệnh máu khó đông và một số bệnh mạn tính khác.
Mọi thắc mắc bạn có thể liên hệ đến Hotline Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để được tư vấn chi tiết, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.
Nguồn tham khảo: medicinenet.com, vi.wikipedia.org, medlineplus.gov