Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Đỗ Thị Hoàng Hà - Bác sĩ Hóa sinh, Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Có nhiều nguyên nhân làm thay đổi nồng độ ure máu, đặc biệt là tình trạng rối loạn chức năng gan, thận. Vì vậy, xét nghiệm nitơ urê máu (BUN) thường được chỉ định thực hiện để đánh giá các bệnh lý ở gan, thận.
1. Xét nghiệm nitơ urê máu (BUN) là gì?
Xét nghiệm BUN (viết tắt của từ Blood Urea Nitrogen) là phương pháp được sử dụng để đo lượng nitơ có trong urê (urea nitrogen).
Ure là con đường thoái hóa chính, đồng thời là sản phẩm quan trọng nhất của quá trình chuyển hóa ni tơ và cũng là sản phẩm cuối cùng của việc chuyển hóa protein trong cơ thể.
Protein trong cơ thể có nguồn gốc nội sinh và ngoại sinh. Ure nội sinh được cung cấp từ protein trong thức ăn, được enzyme protease chuyển hóa thành các acid amin, các acid amin này được tái hấp thu và chuyển hóa thành NH3 và NH3 sẽ được chuyển hóa thành ure tại gan. Ure nội sinh được hình thành do quá trình dị hóa các protein mô giải phóng các acid amin thành NH3 và NH3 sẽ được chuyển hóa thành ure tại gan.
Như vậy ure được tạo thành tại gan và sẽ được đào thải qua nhiều con đường, một lượng nhỏ được bài tiết qua đường mồ hôi và đường tiêu hóa (một phần ure được đào thải trong lòng ruột nhờ các enzyme urease của ruột), con đường chủ yếu bài tiết ure là qua đường thận (ure được đưa đến thận, lọc ở cầu thận, tái hấp thu tại ống thận. Quá trình tái hấp thu này phụ thuộc vào lưu lượng nước tiểu và có xu hướng tăng lên khi lưu lượng nước tiểu < 2ml/phút và được điều hòa bởi hormone ADH).
Như vậy, xét nghiệm định lượng nồng độ ure nitrogen trong máu (xét nghiệm BUN) sẽ giúp đánh giá được hoạt động của gan và thận. Tất cả những nguyên nhân làm bất thường chức năng hoặc hoạt động của gan, thận đều sẽ làm thay đổi kết quả xét nghiệm BUN. Nếu nồng độ ure cao thì có thể là dấu hiệu cảnh báo thận đang có bệnh lý, bị rối loạn chức năng hoặc hàm lượng protein trong cơ thể quá cao hoặc cơ thế thiếu nước dẫn đến quá trình lưu thông kém. Nếu nồng độ ure trong máu thấp thì có thể là biểu hiện của suy dinh dưỡng, bệnh gan hoặc tổn thương gan.
2. Chỉ định xét nghiệm nitơ urê máu (BUN)
Xét nghiệm BUN được thực hiện để chẩn đoán bệnh thận, bệnh gan. Cụ thể:
2.1 Chẩn đoán bệnh thận
Xét nghiệm nitơ urê máu máu được chỉ định trong tất cả các bệnh lý bệnh thận bao gồm: Hội chứng alport, hội chứng thận hư cấp tính, suy thận mãn, tắc mạch máu thận, viêm đài bể thận cấp, sa sút trí tuệ cho chuyển hóa, hội chứng gan - thận, viêm ống thận mô kẽ, viêm thận do lupus, viêm vi cầu thận tiến triển nhanh, nang thận, xơ cứng động mạch thận, tiểu đường không phụ thuộc insulin,...
Bác sĩ cũng dựa vào xét nghiệm này để đánh giá hoạt động bình thường của thận, đánh giá sự tiến triển của các bệnh lý ở thận, đánh giá quá trình điều trị bệnh và kiểm tra tình trạng mất nước nghiêm trọng (tiêu chảy), giảm thể tích máu, ngộ đôc thủy ngân...
2.2 Chẩn đoán bệnh gan
Xét nghiệm BUN cũng được thực hiện khi bệnh nhân bị suy dinh dưỡng, có các dấu hiệu tổn thương gan, rối loạn chức năng gan.
Ngoài ra, phương pháp này còn được sử dụng để chẩn đoán một số bệnh lý khác như tắc nghẽn đường tiết niệu, suy tim sung huyết, xuất huyết tiêu hóa, bệnh Celiac, hội chứng tiết ADH không thích hợp, hội chứng giảm hấp thu ..
3. Quy trình thực hiện xét nghiệm nitơ urê máu (BUN)
3.1 Chuẩn bị
Bệnh nhân nên hạn chế ăn nhiều thịt hoặc thức ăn có chứa các loại protein trong vòng 24 giờ trước khi thực hiện xét nghiệm BUN. Tốt nhất nên lấy máu xét nghiệm vào buổi sáng. Xét nghiệm được thực hiện trên mẫu máu tĩnh mạch.
3.2 Thực hiện
- Người lấy mẫu quấn 1 dải thun quanh cánh tay trên để ngăn máu chảy, làm các tĩnh mạch bên dưới dải thun lớn hơn, cho phép dễ dàng đưa kim vào tĩnh mạch hơn;
- Làm sạch vị trí đặt kim bằng cồn;
- Đặt kim vào tĩnh mạch, gắn một ống vào kim để rút đủ lượng máu cần thiết;
- Tháo băng ra khỏi cánh tay khi đã lấy đủ máu phục vụ xét nghiệm;
- Đặt bông hoặc một miếng gạc lên vị trí vừa chọc kim;
- Đè lên vị trí đã chọc kim rồi băng lại.
- Mẫu máu được chuyển ngay đến phòng xét nghiệm để thực hiện xét nghiệm định lượng ure máu.
Sau khi xét nghiệm, thường rất ít xảy ra rủi ro. Có thể bệnh nhân có một vết bầm nhỏ tại nơi lấy máu hoặc tĩnh mạch bị sưng sau khi lấy máu (viêm tĩnh mạch).
3.3 Đọc chỉ số xét nghiệm nitơ urê máu (BUN)
- Chỉ số bình thường ở người lớn là 7.8 – 20.2 mg/dL hoặc 2,8 – 7,2 mmol/L. Chỉ số bình thường ở trẻ em là 5 - 18 mg/dL (1,8 – 6,4 mmol/L).
- Nồng độ ure trong máu cao khi kết quả thu được cao hơn so với khoảng tham chiếu của xét nghiệm. Điều này là dấu hiệu cảnh báo bệnh nhân bị tổn thương thận do bệnh tiểu đường, huyết áp cao, suy thận, viêm bể thận, hoại tử ống thận, hoặc lưu lượng máu tới thận thấp do mất nước, suy tim, nhồi máu cơ tim. Ngoài ra, nhiều loại thuốc cũng có thể gây nitơ urê máu cao. Bên cạnh đó, chỉ số nitơ urê máu cũng có thể do chế độ ăn giàu protein, bị tổn thương mô, chảy máu đường tiêu hóa, tắc nghẽn đường tiểu hoặc mắc bệnh Addison;
Nồng độ ure trong máu thấp khi kết quả thu được thấp hơn so với khoảng tham chiếu của xét nghiệm. Điều này là dấu hiệu cảnh báo chế độ ăn ít protein, suy dinh dưỡng hoặc tổn thương gan nghiêm trọng. Bên cạnh đó, máu bị hòa loãng do uống quá nhiều nước, người bệnh lọc máu, tăng gánh thể tích hoặc hội chứng thận hư cũng làm chỉ số nitơ urê máu thấp. Mức nitơ urê máu thấp cũng thường gặp ở phụ nữ có thai và trẻ em hơn so với nam giới.
4. Ảnh hưởng của chỉ số ure máu tới sức khỏe
Nồng độ ure máu tăng hoặc giảm cũng đều gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Cụ thể:
- Thần kinh: Ở mức độ nhẹ gây mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu, hoa mắt, mất ngủ, có thể thấy ruồi bay trước mắt và mất ngủ. Mức độ trung bình là gây mơ màng, nói mê, vật vã,... Ở mức độ nặng, bệnh nhân có thể bị co giật, hôn mê, co đồng tử, phản ứng ánh sáng kém,...;
- Tim mạch: Mạch nhanh, nhỏ, tăng huyết áp, ở giai đoạn cuối của suy thận có thể gây trụy mạch, đe dọa tới tính mạng;
- Tiêu hóa: Ở mức độ nhẹ, bệnh nhân bị ăn không ngon, chướng hơi, đầy bụng. Ở mức độ nặng, lưỡi có dấu hiệu đen, buồn nôn, tiêu chảy, niêm mạc miệng - họng bị loét, thậm chí xuất huyết tiêu hóa trong trường hợp ure máu tăng quá cao.
- Hô hấp: Hơi thở có mùi amoniac, hơi thở chậm và yếu , rối loạn nhịp thở, có thể bị hôn mê,
- Thân nhiệt: Thân nhiệt thường bị giảm;
- Huyết học: Tùy thuộc vào từng giai đoạn mà mức độ ảnh hưởng có thể khác nhau . Bệnh nhân tăng ure máu thường bị thiếu máu. Nếu thiếu máu càng nặng thì tình trạng suy thận càng nặng.
Do đó đây là một xét nghiệm quan trọng nên thường xuyên được chỉ định khi khám sức khỏe tổng quát, cũng như khi có bất cứ dấu hiệu nào bất thường về sức khỏe cũng như khi người bệnh có các chỉ định thăm dò chẩn đoán hình ảnh có sử dụng thuốc cản quang.. Xét nghiệm nitơ urê máu (BUN) đóng góp những giá trị quan trọng trong chẩn đoán bệnh gan, thận và một số bệnh lý khác. Căn cứ vào kết quả xét nghiệm và tình trạng cụ thể của người bệnh, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện các xét nghiệm bổ sung khác nhằm xác định rõ tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, từ đó đưa ra hướng điều trị phù hợp.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ đầu ngành, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa. Khách hàng khi chọn thực hiện các xét nghiệm tại đây có thể hoàn toàn yên tâm về độ chính xác của kết quả xét nghiệm cũng như thời gian trả kết quả xét nghiệm.
Nếu có nhu cầu tư vấn và thăm khám tại các Bệnh viện Vinmec thuộc hệ thống Y tế trên toàn quốc, Quý khách vui lòng đặt lịch trên website để được phục vụ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.