Chỉ định chụp cắt lớp vi tính tầm soát toàn thân

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Anh Việt - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Chụp cắt lớp vi tính toàn thân hay chụp CT toàn thân là phương pháp chẩn đoán hình ảnh khảo sát các cấu trúc và hệ cơ quan bên trong cơ thể một cách tổng quát. Mục đích của chụp cắt lớp vi tính toàn thân là phát hiện các tổn thương nhỏ ở giai đoạn sớm và ứng dụng trong việc sàng lọc ung thư. Kỹ thuật này đang ngày càng được nhiều người lựa chọn tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ về chụp cắt lớp vi tính toàn thân, trường hợp nào nên được chỉ định chụp cắt lớp vi tính toàn thân.

1. Tổng quan về chụp cắt lớp vi tính toàn thân

Chụp cắt lớp vi tính toàn thân hay chụp CT toàn thân là tên gọi của phương pháp chẩn đoán hình ảnh sử dụng tia X cường độ cao của buồng chụp xoắn ốc. Chụp cắt lớp vi tính toàn thân có khả năng khảo sát hình ảnh của toàn bộ các cấu trúc quan trọng bên trong cơ thể, bao gồm chụp cắt lớp vi tính não, chụp cắt lớp vi tính ổ bụng và chụp cắt lớp vi tính lồng ngực.

Phương pháp chụp cắt lớp vi tính xuất hiện từ những năm 1970, đến nay ngày càng được ứng dụng rộng rãi nhờ vào những ưu điểm của nó. Tia X được phát ra và chiếu xuyên qua các tổ chức mô cơ thể ở những lát cắt ngang khác nhau, sau đó được chuyển thành các hình ảnh thông qua hệ thống máy móc xử lý.

Chụp cắt lớp vi tính toàn thân là kỹ thuật không xâm lấn và có khả năng cho ra các hình ảnh 3D nhờ dựng hình lại các cấu trúc bên trong cơ thể dựa vào các lát cắt.

Thời gian tiến hành chụp cắt lớp vi tính toàn thân không quá lâu, trung bình khoảng 40 phút đến 60 phút (thời gian khách hàng nằm trong máy chụp chỉ khoảng 3-5 phút, còn lại là thời gian chuẩn bị và theo dõi sau chụp). Người bệnh được nằm trên giường chụp và đưa vào buồng chụp lần lượt các phần từ đầu đến chân. Sau khi kết thúc chụp cắt lớp vi tính toàn thân, người bệnh có thể ra về và quay trở lại làm việc và sinh hoạt bình thường. Bác sĩ sẽ đánh giá hình ảnh thu được và tiến hành đọc kết quả để phát hiện và chẩn đoán các bất thường hình ảnh quan sát được.

2. Chụp cắt lớp vi tính toàn thân có gì nổi bật?

Sự ra đời kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính đã mang lại giải thưởng Nobel y khoa cho hai người nghiên cứu ra nó là nhà vật lý người Anh Godfrey Hounsfield và bác sĩ Allan Cormack. Sự kiện này là minh chứng cho giá trị và vai trò của phương pháp chụp cắt lớp vi tính nói chung trong việc chẩn đoán và phát hiện bệnh.


Chụp CT toàn thân ra đời có ý nghĩa quan trọng với y khoa
Chụp CT toàn thân ra đời có ý nghĩa quan trọng với y khoa

Chụp cắt lớp vi tính toàn thân là một ứng dụng mới của phương pháp chụp cắt lớp vi tính nói chung, có nhiều lợi điểm so với các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác như sau:

● Có khả năng phát hiện và sàng lọc ung thư ở giai đoạn sớm. Các bệnh lý ác tính được chẩn đoán ở giai đoạn sớm rất quan trọng, giúp tăng hiệu quả điều trị và mang lại cơ hội sống sót cho người bệnh.

● Chụp cắt lớp vi tính toàn thân là cơ hội để kiểm tra và rà soát các đặc điểm cấu trúc hình ảnh của toàn bộ những cơ quan chính trong cơ thể như não bộ, tim, phổi, gan, lách, tụy, đường ruột giúp phát hiện được các khối u giai đoạn sớm. Bác sĩ có thể dựa vào các hình ảnh thu được để cùng lúc chẩn đoán các bệnh lý khác nhau trong cơ thể và đưa ra các lời khuyên giúp phòng ngừa biến chứng cũng như đẩy lùi cơ hội di căn.

● Phương pháp chụp CT toàn thân là một kỹ thuật tiên tiến nhưng không yêu cầu quá nhiều từ phía người bệnh. Đây cũng là phương pháp an toàn và không cần đưa bất cứ dụng cụ gì vào bên trong cơ thể người chụp. Điều này góp phần giảm thiểu lo lắng và đau đớn, hỗ trợ giúp người bệnh cảm thấy yên tâm hơn trong suốt quá trình chụp cắt lớp vi tính toàn thân.

Tuy nhiên, chụp cắt lớp vi tính toàn thân vẫn có những khuyết điểm và nguy cơ riêng như:

● Khả năng nhiễm xạ do cơ chế hoạt động sử dụng tia X có cường độ cao. Một vài các nghiên cứu chỉ ra rằng điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư lên 10% so với nhóm người không có phơi nhiễm với tia X.

● Một số trường hợp người bệnh cần được chỉ định tiêm thuốc cản quang nếu muốn đánh giá rõ hơn các đặc điểm mô cũng như khả năng bắt thuốc và các đặc điểm tưới máu. Phản ứng dị ứng với thuốc cản quang là nguy cơ trong trường hợp này.

● Chụp cắt lớp vi tính toàn thân được khuyến cáo không nên chỉ định cho những đối tượng có nguy cơ bao gồm người có tiền sử dị ứng thuốc cản quang, người bị suy thận mãn tính, phụ nữ nghi ngờ mang thai hoặc đang mang thai và trẻ nhỏ.


Chụp CT toàn thân chống chỉ định với phụ nữ mang thai
Chụp CT toàn thân chống chỉ định với phụ nữ mang thai

3. Ai nên được chụp cắt lớp vi tính toàn thân?

Mục đích chính của việc chụp cắt lớp vi tính toàn thân là sàng lọc và chẩn đoán bệnh ở giai đoạn sớm, theo dõi sức khỏe một cách tổng quát. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích vẫn tồn tại nhiều nguy cơ và nhược điểm, chụp cắt lớp vi tính toàn thân chỉ nên thực hiện ở những đối tượng có nhiều nguy cơ.

Đối tượng phổ biến được khuyến cáo là nhóm người lớn hơn 50 tuổi với khả năng phát hiện các bệnh lý ác tính, các khối u kích thước nhỏ ở các cơ quan, bệnh cột sống ... Nhóm người này có nguy cơ mắc các bệnh lý ác tính cao hơn và cần được tư vấn kỹ trước khi tiến hành chụp cắt lớp vi tính toàn thân.

Với những người từ 30 đến 50 tuổi muốn chụp cắt lớp vi tính toàn thân nên cân nhắc vì nguy cơ nhiễm tia xạ từ máy chụp cắt lớp vi tính. Thay vì chụp cắt lớp vi tính toàn thân, nhóm người trên 30 tuổi chỉ nên khảo sát ở từng vùng cơ quan khu trú dựa trên các triệu chứng lâm sàng.

Chụp cắt lớp vi tính là phương pháp an toàn và gần như không có chống chỉ định tuyệt đối. Một số đối tượng được khuyến cáo không nên tiến hành chụp bao gồm phụ nữ nghi ngờ mang thai hoặc đang mang thai 3 tháng đầu, người có tiền sử dị ứng thuốc cản quang và những người mắc bệnh thận mãn tính.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe