Viêm gan tự miễn là một bệnh lý trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể gây ra các phản ứng viêm tấn công vào tế bào gan. Bệnh diễn tiến mãn tính, kéo dài nhiều năm và có thể dẫn đến xơ gan nếu không được điều trị. Chính vì vậy, việc chẩn đoán sớm với các xét nghiệm chẩn đoán viêm gan tự miễn là vô cùng quan trọng để bảo tồn được chức năng gan.
1. Bệnh viêm gan tự miễn là gì?
Viêm gan tự miễn là hiện tượng viêm xảy ra tại nhu mô gan khi hệ thống miễn dịch của cơ thể chống lại các tế bào gan. Nguyên nhân chính xác của viêm gan tự miễn cho đến nay vẫn chưa được hiểu biết rõ ràng. Tuy nhiên, một số giả thiết đã được đặt ra là cơ chế bệnh sinh có sự tham gia của các yếu tố di truyền và môi trường xung quanh, sự tham gia của các tác nhân nhiễm trùng tương tác với nhau theo thời gian có ý nghĩa trong việc kích hoạt bệnh.
Mặc dù nguyên nhân gây bệnh còn mơ hồ, có một số yếu tố đã được quan sát thấy là có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm gan tự miễn như giới nữ, từng bị nhiễm sởi, herpes simplex, virus Epstein-Barr hay viêm gan siêu vi A, B hoặc C, có yếu tố di truyền trong gia đình hay có một bệnh tự miễn kèm theo...
Nếu viêm gan tự miễn không được điều trị có thể dẫn đến xơ gan và cuối cùng là suy gan cũng như nguy cơ ung thư gan tăng cao. Đồng thời, người bệnh còn có nguy cơ mắc phải các biến chứng ngoài gan khác như xuất huyết tiêu hóa do giãn tĩnh mạch thực quản, viêm phúc mạc do báng bụng, hội chứng gan thận...
Tuy nhiên, khi được chẩn đoán và điều trị sớm, viêm gan tự miễn có thể được kiểm soát bằng các thuốc ức chế hệ thống miễn dịch. Từ đó, phần nhu mô gan lành lặn được bảo tồn và chức năng gan sẽ cải thiện phần nào. Bên cạnh đó, ghép gan có thể là một lựa chọn tối ưu khi viêm gan tự miễn không đáp ứng với điều trị bằng thuốc hoặc trong trường hợp bệnh gan tiến triển nhanh, nguy cơ đe dọa tính mạng người bệnh.
Chính vì những lý do này, việc chẩn đoán viêm gan tự miễn càng sớm càng tốt rất quan trọng, mang lại ý nghĩa tiên lượng lâu dài cho cuộc sống của người bệnh. Cách thức thăm khám và các xét nghiệm viêm gan tự miễn cần thiết được trình bày lần lượt sau đây.
2. Các dấu hiệu để chẩn đoán viêm gan tự miễn
Các bác sĩ chẩn đoán viêm gan tự miễn dựa trên những đặc điểm trong tiền sử y tế, các loại thuốc hay thực phẩm từng sử dụng có thể gây hại cho gan của bạn. Ví dụ, bác sĩ cần biết về bất kỳ loại thuốc, bao gồm thuốc kê toa và không kê toa, thực phẩm chức năng và các sản phẩm thảo dược mà bạn từng uống, số lượng rượu bạn uống mỗi ngày và trong khoảng thời gian bao lâu. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ hỏi bạn về các bệnh lý tự miễn khác mà bạn có thể mắc phải, chẳng hạn như bệnh viêm ruột hoặc rối loạn chức năng tuyến giáp.
Bước kế tiếp là bác sĩ cần thăm khám để kiểm tra các dấu hiệu tổn thương gan như sau:
- Màu vàng của lòng trắng mắt (củng mạc mắt)
- Những thay đổi, sang thương trên da
- Dấu hiệu lớn gan hoặc lách
- Đau tức hoặc cảm giác sưng ở vùng bụng
- Phù nề ở mu chân, bàn chân hoặc mắt cá chân
3. Các xét nghiệm chẩn đoán viêm gan tự miễn trong máu
Xét nghiệm máu là một cận lâm sàng cơ bản để chẩn đoán viêm gan tự miễn, ngay khi người bệnh hoàn toàn chưa có triệu chứng và bất thường trên xét nghiệm là tình cờ phát hiện khi thăm khám sức khỏe định kỳ hay khám vì bệnh lý khác.
Hơn nữa, các dấu hiệu và triệu chứng của viêm gan tự miễn rất đa dạng, không đặc hiệu và thay đổi tùy theo từng người. Do đó, bác sĩ cần chỉ định xét nghiệm máu là bước cơ bản đầu tiên trong các xét nghiệm chẩn đoán viêm gan tự miễn như là một bằng chứng khách quan.
Xét nghiệm máu bao gồm các xét nghiệm kiểm tra nồng độ men gan alanine transaminase (ALT) và aspartate transaminase (AST). ALT và AST đặc biệt quan trọng vì các men gan này tăng cao ở những người bị viêm gan tự miễn. Việc kiểm tra nồng độ ALT và AST còn được dùng để theo dõi tiến triển của bệnh và đáp ứng với điều trị về sau.
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ yêu cầu xét nghiệm máu bổ sung để tìm kiếm các bệnh gan khác cũng có triệu chứng tương tự viêm gan tự miễn và kèm tăng men gan, như viêm gan do virus, viêm đường mật nguyên phát, viêm đường mật xơ cứng tiên phát, viêm gan nhiễm mỡ không do rượu hoặc bệnh Wilson.
Khi kết quả có tăng men gan, sự hiện diện của các kháng thể tự kháng như kháng thể kháng nhân (ANA) và kháng thể kháng cơ trơn (SMA) sẽ là bằng chứng của tổn thương gan là do cơ chế tự miễn dịch. Dù vậy, có khoảng 20% bệnh nhân bị viêm gan tự miễn có thể không có ANA hay SMA thì cần làm thêm các kháng thể bổ sung có thể có mặt như kháng thể gan chống hòa tan (chống SLA), kháng LC1 và kháng thể microsome kháng gan-thận loại 3 (chống LKM3). Đồng thời, chỉ điểm tăng gamma globulin cũng xảy ra trong 80% các trường hợp viêm gan tự miễn. Một khi có tăng men gan cùng tăng nồng độ gamma globulin, đây là dấu hiệu quan trọng của bệnh đang trong giai đoạn hoạt động mạnh mẽ.
4. Xét nghiệm hình ảnh trong chẩn đoán viêm gan tự miễn như thế nào?
Bên cạnh các xét nghiệm máu, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm hình ảnh trong ổ bụng và cấu trúc gan để chẩn đoán viêm gan tự miễn.
Các công cụ hình ảnh học thường sử dụng nhất là siêu âm. Siêu âm thu thập hình ảnh dựa trên nguyên lý sóng âm, phát và thu qua một thiết bị gọi là đầu dò. Phương tiện này an toàn, không gây đau đớn trong khi tạo ra hình ảnh về cấu trúc của gan hay các tạng trong ổ bụng. Kết quả của siêu âm có thể cho thấy gan có tăng kích thước, có hình dạng hoặc kết cấu bất thường trong nhu mô gan hay đã bị tắc ống dẫn mật.
Ngoài siêu âm gan, phương tiện tiếp theo đôi khi được yêu cầu là chụp cắt lớp vi tính (CT). Bằng các kết hợp tia X và công nghệ máy tính để xây dựng ra hình ảnh, chụp CT có thể cho thấy kích thước và hình dạng của gan và lá lách và liệu có bằng chứng xơ gan hay không. Tương đồng với CT là chụp cộng hưởng từ (MRI), hình dạng, kích thước của gan và phát hiện bằng chứng xơ gan cũng sẽ được quan sát rõ ràng hơn với sóng vô tuyến và nam châm thay vì tia X.
5. Sinh thiết gan trong chẩn đoán viêm gan tự miễn
Sinh thiết gan nói riêng, sinh thiết mô cơ quan nói chung, là “tiêu chuẩn vàng” trong chẩn đoán xác định tất cả các loại bệnh lý về mặt mô học. Mặc dù đây là phương tiện xâm lấn, có thể gặp phải nhiều biến chứng khi can thiệp, chỉ định này là thực sự cần thiết trong các trường hợp tổn thương gan, xơ hóa gan không có nguyên nhân rõ ràng.
Khi sinh thiết gan, bác sĩ sẽ lấy một mảnh mô trực tiếp từ gan. Mẫu bệnh phẩm sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm, xử lý qua nhiều giai đoạn. Kế tiếp, một nhà nghiên cứu bệnh học sẽ kiểm tra các tế bào gan dưới kính hiển vi để tìm kiếm mức độ tổn thương và đặc điểm của các bệnh gan cụ thể. Đồng thời, bác sĩ cũng có thể sử dụng mẫu sinh thiết gan để phân loại viêm gan tự miễn và kiểm tra số lượng sẹo, tế bào biến dị để phát hiện sớm biến chứng xơ gan, ung thư gan.
Tóm lại, viêm gan tự miễn là một bệnh lý tương đối ít gặp trong cộng đồng và chẩn đoán viêm gan tự miễn nhìn chung là cần nhiều bước, phương tiện phối hợp với nhau. Các xét nghiệm chẩn đoán viêm gan tự miễn cơ bản nhất là có sự tăng men gan không lý giải được do nguyên nhân khác kèm với sự hiện diện của các tự kháng thể. Tuy vậy, bằng chứng sinh thiết là “tiêu chuẩn vàng” trong chẩn đoán viêm gan tự miễn cũng như tiên lượng bệnh tật cho người bệnh.
Khi thấy có dấu hiệu nghi ngờ của viêm gan tự miễn, quý khách có thể đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để được thăm khám và điều trị. Tại đây có đội ngũ bác sĩ chuyên môn Tiêu hóa được đào tạo bài bản, giàu chuyên môn và kinh nghiệm cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại, đạt chuẩn quốc tế cho hiệu quả chẩn đoán và điều trị cao.
Để được tư vấn chi tiết về bệnh, quý khách vui lòng đến trực tiếp hệ thống y tế Vinmec hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.