Suy thận cấp xảy ra khi thận mất khả năng lọc các chất thải từ máu khiến các chất độc hại tích tụ và làm mất cân bằng hóa chất trong máu. Suy thận cấp thường gặp ở người đang được điều trị tại bệnh viện, đặc biệt người bệnh nặng cần được chăm sóc đặc biệt. Suy thận cấp có thể gây tử vong và cần được điều trị tích cực.
1. Triệu chứng suy thận cấp
Suy thận cấp có các dấu hiệu và triệu chứng sau:
- Lượng nước tiểu giảm, mặc dù đôi khi lượng nước tiểu vẫn bình thường;
- Giữ nước, gây phù nề ở chân, mắt cá chân hoặc bàn chân;
- Khó thở;
- Mệt mỏi;
- Lú lẫn;
- Buồn nôn;
- Suy nhược;
- Nhịp tim không đều;
- Đau ngực hoặc cảm thấy nặng ngực;
- Động kinh hoặc hôn mê trong trường hợp nặng
Đôi khi suy thận cấp không có dấu hiệu và chỉ tình cờ phát hiện thông qua các xét nghiệm khi người bệnh đi khám do bệnh lý khác.
2. Nguyên nhân gây suy thận cấp
Suy thận cấp có thể xảy ra khi:
- Người bệnh mắc các bệnh lý khiến lưu lượng máu di chuyển chậm đến thận;
- Chấn thương thận;
- Ống niệu quản của thận bị tắc nghẽn và chất thải không thể ra khỏi cơ thể khi đi tiểu.
Giảm lưu lượng máu đến thận
Các bệnh lý và tình trạng có thể làm chậm lưu lượng máu đến thận và dẫn đến chấn thương thận bao gồm:
- Mất máu hoặc mất dịch;
- Thuốc huyết áp;
- Đau tim;
- Bệnh tim;
- Sự nhiễm trùng;
- Suy gan;
- Sử dụng thuốc aspirin, ibuprofen, naproxen natri;
- Phản ứng dị ứng nghiêm trọng (hay còn gọi là sốc phản vệ);
- Bỏng nặng;
- Mất nước nghiêm trọng;
- Tổn thương thận.
Những bệnh lý, điều kiện và tác nhân này có thể làm hỏng thận và dẫn đến suy thận cấp:
- Các cục máu đông trong tĩnh mạch và động mạch trong và xung quanh thận;
- Cholesterol tích tụ lại ngăn chặn lưu lượng máu trong thận;
- Viêm cầu thận;
- Hội chứng tăng ure huyết có tan máu;
- Lupus ban đỏ, đây là một rối loạn hệ thống miễn dịch tự miễn có gây viêm cầu thận;
- Một số loại thuốc, như một số loại thuốc hóa trị, thuốc kháng sinh và thuốc cản quang được sử dụng trong các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh;
- Xơ cứng bì, một nhóm các bệnh hiếm có ảnh hưởng đến da và các mô liên kết;
- Xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối;
- Các chất độc như kim loại nặng, rượu, cocaine;
- Phá vỡ mô cơ (tiêu cơ vân) dẫn đến tổn thương thận do độc tố từ quá trình phá hủy mô cơ;
- Phá vỡ các tế bào khối u (hội chứng tiêu khối u), dẫn đến giải phóng các độc tố có thể gây tổn thương thận.
Tắc nghẽn nước tiểu ở thận
Một số bệnh và tình trạng ngăn chặn nước tiểu ra khỏi cơ thể có thể dẫn đến chấn thương thận cấp tính bao gồm:
- Ung thư bàng quang;
- Cục máu đông trong đường tiết niệu;
- Ung thư cổ tử cung;
- Ung thư ruột kết;
- Tiền liệt tuyến;
- Sỏi thận;
- Tổn thương dây thần kinh kiểm soát bàng quang;
- Ung thư tiền liệt tuyến.
3. Chẩn đoán suy thận cấp
Nếu người bệnh có các dấu hiệu và triệu chứng cho thấy bị suy thận cấp, bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm và thực hiện quy trình để xác nhận chẩn đoán suy thận cấp, bao gồm:
- Đo lượng nước tiểu. Đo lượng nước tiểu của người bệnh trong 24 giờ có thể giúp bác sĩ xác định nguyên nhân gây ra suy thận.
- Xét nghiệm nước tiểu. Phân tích mẫu nước tiểu để tìm những dấu hiệu bất thường của suy thận.
- Xét nghiệm máu. Xét nghiệm máu để đo nồng độ urê và creatinine có tăng nhanh không - đây là hai chất dùng để đo chức năng thận.
- Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh. Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như siêu âm và chụp cắt lớp vi tính có thể được sử dụng để giúp bác sĩ quan sát thận.
- Sinh thiết thận. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định sinh thiết thận để tìm ra nguyên nhân gây suy thận.
4. Xử trí hồi sức cấp cứu suy thận cấp
Để xử trí hồi sức cấp cứu suy thận cấp người bệnh thường phải nằm viện và thời gian ở lại viện bao lâu tùy thuộc vào nguyên nhân gây suy thận cấp và khả năng hồi phục của thận nhanh như thế nào.
Điều trị các nguyên nhân gây suy thận cấp
Điều trị suy thận cấp bao gồm xác định bệnh hoặc tổn thương ban đầu làm hỏng thận. Lựa chọn điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra suy thận.
Điều trị những biến chứng đến khi thận phục hồi
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng thực hiện các liệu pháp điều trị để ngăn ngừa các biến chứng và cho phép thận có thời gian hồi phục, bao gồm:
- Cân bằng lượng chất lỏng trong máu. Nếu suy thận cấp do thiếu chất lỏng trong máu, bác sĩ sẽ điều trị bằng cách truyền dịch bằng đường tĩnh mạch. Trong các trường hợp khác, suy thận cấp do có quá nhiều chất lỏng, dẫn đến phù ở tay và chân. Trong những trường hợp này, bác sĩ sẽ dùng thuốc lợi tiểu để khiến cơ thể tăng thải chất lỏng.
- Kiểm soát kali máu. Nếu thận không lọc kali như bình thường, bác sĩ có thể kê toa canxi, glucose hoặc natri polystyrene sulfonate (Kionex) để ngăn chặn sự tích tụ kali trong máu. Do nếu quá nhiều kali trong máu có thể gây rối loạn nhịp tim và yếu cơ.
- Nếu nồng độ canxi trong máu giảm quá thấp, bác sĩ sẽ thực hiện truyền canxi.
- Lọc máu để loại bỏ độc tố khỏi máu. Nếu độc tố tích tụ trong máu, người bệnh cần chạy thận nhân tạo tạm thời - thường được gọi đơn giản là lọc máu - để giúp loại bỏ độc tố và chất lỏng dư thừa khỏi cơ thể trong khi chờ thận hồi phục. Lọc máu cũng có thể giúp loại bỏ kali dư thừa khỏi cơ thể.
Suy thận cấp thường không có triệu chứng rõ rệt và phát triển rất nhanh. Bạn nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ để theo dõi tình trạng chức năng thận có tốt hay không. Từ đó phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.
Nguồn tham khảo: mayoclinic.org; medicalnewstoday.com
XEM THÊM:
- Bệnh suy thận cấp có khả năng tử vong cao
- Các lưu ý trong điều trị suy thận cấp
- Suy thận cấp được chẩn đoán và điều trị thế nào?