Bài viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Vân Hạnh - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Hiện nay, thuốc điều trị bạch hầu chủ yếu được làm từ huyết thanh ngựa, thuốc kháng độc tố bạch hầu làm từ huyết thanh người còn rất hiếm. Phát hiện và điều trị bệnh bạch hầu sớm là then chốt, đây là bệnh cần nhập viện để điều trị và cách ly càng sớm càng tốt.
1. Diễn tiến và tiên lượng bệnh bạch hầu
Giả mạc tồn tại 3 - 4 ngày ở thể nhẹ, khoảng 1 tuần ở thể nặng nếu không dùng kháng độc tố. Nếu dùng kháng độc tố, các tổn thương ở họng vẫn phát triển trong 24 giờ đầu. sau đó giả mạc mềm lại, bong dần, không chảy máu và biến mất.
Tiên lượng phụ thuộc vào:
- Chẩn đoán và điều trị sớm. Tử vong trước khi có SAD: 20-30% các thể trung bình. 80-90% trong thể thanh quản. Khi có SAD, tử vong giảm còn 3,5 – 22%, trong đó vẫn gặp ở thể bạch hầu thanh quản là cao nhất. Nếu chẩn đoán và điều trị muộn sau 4 ngày, tỷ lệ tử vong tăng đến 20 lần (theo FEIGIN)
- Tình trạng miễn dịch: Thể bệnh bạch hầu ác tính tăng 15 lần trong trường hợp giảm miễn dịch. Tiên lượng nặng khi bạch cầu trên 25.000, tiểu cầu giảm, phân ly nhĩ thất, loạn nhịp thất.
2. Chẩn đoán bệnh bạch hầu
2.1. Chẩn đoán xác định
Dựa vào lâm sàng + dịch tễ + xét nghiệm:
- Lâm sàng: Dấu hiệu nhiễm độc nặng/sốt nhẹ. cổ bạnh, bạch cầu tăng + Màng giả đặc hiệu của vi khuẩn bạch hầu
- Dịch tễ: Xung quanh có trẻ cùng mắc bệnh, có tiếp xúc bệnh nhân, ổ dịch, vụ dịch.
- Xét nghiệm: Soi tươi, cấy có vi khuẩn bạch hầu tại họng, cấy trên môi trường Terullit kali hoặc gây bệnh trên chuột lang.
2.2 Chẩn đoán phân biệt
- Chẩn đoán phân biệt với các bệnh có màng giả: Viêm họng do tụ cầu, liên cầu. Viêm họng Vincent, viêm họng do virus, Herpes, nấm Candida, viêm họng hoại tử. Bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn
- Phân biệt với các bệnh gây khó thở thanh quản: Viêm thanh quản cấp, nguyên phát do virus sởi, áp xe thành sau họng, dị vật thanh quản
3. Điều trị bệnh bạch hầu
Phát hiện và điều trị bệnh bạch hầu sớm là then chốt, đây là bệnh cần nhập viện để điều trị và cách ly càng sớm càng tốt. Trước khi có SAD 30-50% TV do ngạt thở. Hiện tại 5% TV do viêm cơ tim (bạch hầu thanh quản gặp nhiều nhất)
3.1 Nguyên tắc điều trị:
- Phát hiện - chẩn đoán sớm
- Điều trị kháng sinh diệt khuẩn kịp thời
- Cách ly trong 10 -14 ngày, nghỉ ngơi tuyệt đối tại giường
- Thuốc trung hòa độc tố càng sớm càng tốt
- Phát hiện sớm các biến chứng, xử trí kịp thời
- Chống tái phát và bội nhiễm.
- Dinh dưỡng đầy đủ, nếu khó nuốt phải ăn qua sonde
3.2 Điều trị cụ thể
Thuốc kháng độc tố bạch hầu (SAD- Serum Antitoxin Diphtheriae):
Thuốc chủ yếu được làm từ huyết thanh ngựa. Thuốc kháng độc tố bạch hầu làm từ huyết thanh người còn rất hiếm. SAD cần phải được dùng sớm ngay từ khi nghi ngờ bệnh. Tỷ lệ tử vong giảm dưới 1% nếu điều trị SAD ngay trong ngày đầu tiên và tăng lên 20 lần nếu điều trị muộn vào ngày 4. SAD chỉ trung hoà được độc tố lưu hành trong máu, chứ không trung hoà được độc tố đã gắn vào tổ chức.
Có khoảng 8-10% BN mẫn cảm với huyết thanh ngựa nên phải test nội bì trước khi tiêm. Pha loãng 0,1 ml SAD với Nacl 0,9%, nồng độ 1/1000. ( Test 0.1 ml tiêm trong da, sau 20 phút đọc kết quả). Nếu có phản ứng phải điều trị bằng phương pháp giải mẫn cảm phương pháp Besredka: tiêm SAD nhiều lần với dung dịch pha loãng, tiêm với đậm độ tăng dần, cách nhau 20 phút.
Liều lượng SAD thay đổi từ 20.000 đến 100.000 đơnvị, tuỳ theo mức độ của tình trạng nhiễm độc, vị trí, kích thước của màng giả, thời điểm dùng thuốc sớm hay muộn. Thuốc được dùng một lần duy nhất bằng đường truyền tĩnh mạch trong 30 đến 60 phút (hoặc tiêm bắp). SAD ít tác dụng với BH da nhưng vẫn được khuyến cáo sử dụng do tác dụng nhiễm độc của nó.
- Thể nhẹ, giả mạc chỉ ở họng, da, chưa có biến chứng, điều trị sớm trước 48h: 20.000 đến 40.000IU
- Thể trung bình, giả mạc lan ra mũi: 40.000 đến 60.000
- Thể nặng, có biến chứng, điều trị muộn sau 72 giờ: 80.000 đến 100.000IU
Kháng sinh
Được chỉ định để diệt vi khuẩn bạch hầu, hạn chế sản xuất ngoại độc tố, kháng sinh có thể ngăn ngừa sự lan truyền bệnh nhưng không thay thế được SAD.
- Penicillin G; 100.000 – 150.000 UI/kg/ngày,tiêm TM chia 4 lần x 7 ngày hoặc
- Procain penicillin: 25 – 50.000 UI/kg/ngày, chia 2 lần tiêm bắp sâu hoặc
- Erythromycin 1,5g/24h, trẻ em 40 -50 mg/kg/24h (tối đa 2g/24h) – uống hoặc: Clarthromycin, Azithromycin, Rifammicin. X 14 ngày
3.3 Điều trị biến chứng
- Mở khí quản: Khi khó thở thanh quản độ 2, TD sát khi khó thở TQ độ I
- Bạch hầu nặng: Prednisolon 0.5 -1mg/kg/24h x 2 tuần (Còn nhiều bàn cãi - chưa có bằng chứng rõ ràng về lợi ích của thuốc trong phòng chống các biến chứng)
- Viêm cơ tim: Nghỉ ngơi tuyệt đối: 55 ngày (tối thiểu 2-3 tuần)
- Thuốc trợ tim (còn bàn cãi), lợi tiểu, chống rối loạn nhịp tim
3.5 Tiêu chuẩn ra viện
- Hết triệu chứng lâm sàng
- Hết biến chứng, hết giả mạc
- Đủ thời gian điều trị và cách ly
- Cấy dịch họng 2 lần âm tính, cách nhau 7 ngày
- Cần theo dõi biến chứng cả sau khi ra viện
4. Phòng bệnh bạch hầu
Phát hiện sớm, cách ly kịp thời, khoanh vùng ổ dịch và điều trị triệt để
4.1. Không đặc hiệu: Khai báo bắt buộc
- Người tiếp xúc: Cần được theo dõi sát trong 7 ngày, cấy dịch họng
- Người lành mang trùng (là nguồn lây quan trọng nhất): Uống Erythromycin 10 ngày. Thường vi khuẩn bạch hầu sẽ biến mất sau 2 - 4 tuần nếu không dùng kháng sinh
- Khử trùng buồng bệnh
4.2. Đặc hiệu:
Tiêm vắc-xin giải độc tố bạch hầu (tạo kháng thể trung hòa độc tố). IgM được tạo ra sau 7 đến 14 ngày sau tiêm vắc-xin bạch hầu. IgG xuất hiện sau 5 đến 8 tuần
- Sơ chủng: 3 mũi chia 3 lần: 2,3,4 tháng tuổi (cách nhau 30 ngày)
- Nhắc lại: 1 tuổi, 2 tuổi, 4 - 7 tuổi, 9- 12 tuổi và sau mỗi 10 năm
- Đối tượng khác (khi có dịch)
- Nhân viên y tế làm trong môi trường có nguy cơ phơi nhiễm bạch hầu
- Người lớn chưa tiêm hoặc không nhớ
- Người sống trong vùng có bạch hầu
- Người lớn tuổi, người có bệnh nền, bệnh mạn tính
Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có cung cấp đa dạng các dịch vụ tiêm vắc-xin bạch hầu dành cho trẻ nhỏ và người lớn với 5 loại phối hợp, gồm:
- Vắc-xin 6 trong 1 Infanrix Hexa của GSK (Bỉ)
- Vắc-xin 6 trong 1 Hexaxim của Sanofi (Pháp)
- Vắc-xin 5 trong 1 Pentaxim của Sanofi (Pháp)
- Adacel 0,5 ml của hãng Sanofi - Pháp
- Tetraxim 0.5 ml của hãng Sanofi - Pháp
Để đảm bảo hiệu quả tiêm chủng và an toàn, trước khi tiêm, khách hàng sẽ được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám, sàng lọc đầy đủ các vấn đề về thể trạng và sức khỏe, tư vấn về vắc-xin phòng bệnh và phác đồ tiêm, cách theo dõi và chăm sóc sau tiêm chủng trước khi ra chỉ định tiêm vắc-xin theo khuyến cáo mới nhất của Bộ Y tế & Tổ chức Y tế Thế giới.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.