Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Duy Dũng - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Bệnh Parkinson vẫn là một chẩn đoán lâm sàng. Các triệu chứng không đối xứng bao gồm run khi nghỉ, chậm động, và cứng cơ có đáp ứng tốt với liệu pháp dopaminergic gợi ý chẩn đoán.
1. Chẩn đoán bệnh Parkinson
Các đặc điểm loại trừ chẩn đoán bệnh Parkinson có thể bao gồm rối loạn thần kinh tự động nặng, ảo giác xuất hiện sớm, sa sút trí tuệ có trước các triệu chứng vận động, và mất ổn định tư thế và đóng băng trong 3 năm đầu sau chẩn đoán. Tiêu chuẩn Chẩn đoán Ngân hàng Não của Hiệp hội Bệnh Parkinson Vương Quốc Anh được trình bày trong Bảng 1-2.
2. Tiến triển lâm sàng của bệnh Parkinson
Bệnh Parkinson là một bệnh thoái hóa thần kinh tiến triển. Nhóm Đặc trách Rối loạn Vận Động (The Movement Disorder Task Force) gần đây đã nhận ra ba giai đoạn trong bệnh Parkinson sớm: (1) pha trước lâm sàng, trong đó bắt đầu có thoái hóa thần kinh nhưng không có triệu chứng lâm sàng; (2) pha báo hiệu, trong đó các triệu chứng có biểu hiện nhưng không đủ để chẩn đoán bệnh Parkinson; và (3) pha lâm sàng, trong đó các triệu chứng Parkinson biểu hiện rõ và có thể nhận ra được.
Trong khi khó để dự đoán chính xác tiến triển bệnh nói chung, các dao động vận động thường xuất hiện ở bệnh nhân trong vòng 5 đến 10 năm sau chẩn đoán, trong khi mất ổn định tư thế gặp sau khoảng 10 năm. Bệnh nhân thường có một giai đoạn “tốt” sớm sau chẩn đoán, ở đó họ có được lợi ích từ liệu pháp dopaminergic. Tuy nhiên, bệnh cuối cùng sẽ bộc lộ đáp ứng thất thường với levodopa, các biến chứng vận động và dao động vận động, loạn động do levodopa, thiếu sót lời nói và chức năng nuốt, đóng băng, ngã, và mất thăng bằng. Bệnh nhân với khởi phát bệnh ở tuổi trẻ có xu hướng nhiều hơn có loạn động do levodopa và dao động vận động, trong khi bệnh nhân với khởi phát bệnh ở tuổi già có rối loạn nhận thức và rối loạn thần kinh tự động nhiều hơn.
3. Chẩn đoán phân biệt của bệnh Parkinson
Chẩn đoán bệnh Parkinson có thể phức tạp, và ước tính rằng khoảng 25% bệnh nhân bị chẩn đoán nhầm sang các bệnh khác. Chẩn đoán phân biệt của bệnh Parkinson bao gồm các hội chứng run, như run vô căn, các hội chứng Parkinson không điển hình (trước đây được gọi là các hội chứng Parkinson-plus), cũng như các bệnh run khác, các hội chứng Parkinson thứ phát, và các rối loạn nhận thức khác.
Có lẽ phần lớn các chẩn đoán phân biệt khó của bệnh Parkinson là các hội chứng Parkinson không điển hình. Các dấu hiệu cờ đỏ của các hội chứng Parkinson không điển hình bao gồm nói khó sớm, mất thăng bằng, không có run (nói chung), các triệu chứng đối xứng (ngoại lệ với thoái hóa vỏ nền), và đáp ứng kém với levodopa. Các hội chứng Parkinson không điển hình bao gồm liệt trên nhân tiến triển, thoái hóa vỏ nền, bệnh thể Lewy lan tỏa, và teo nhiều hệ thống (thể tiểu não hoặc thể Parkinson, tương ứng là MSA-C và MSA-P). Các hội chứng Parkinson không điển hình thường có triệu chứng nổi trội khác ngoài rối loạn vận động, như rối loạn thần kinh tự động (MSA-C và MSA-P), liệt nhìn chằm chằm trên nhân, và không đối xứng rõ/loạn trương lực của một chi với các dấu hiệu vỏ não (thoái hóa vỏ nền).
Bảng 1-2. Tiêu chuẩn chẩn đoán lâm sàng Ngân hàng Não của Hiệp hội Bệnh Parkinson Vương Quốc Anh.
Bước 1: Chẩn đoán Hội chứng Parkinson Chậm động (chậm khi khởi động vận động chủ động với giảm lũy tiến về tốc độ và biên độ các động tác lặp lại) Và ít nhất một trong các triệu chứng dưới đây: Cứng cơ Run khi nghỉ tần số 4-6 Hz Mất ổn định tư thế không phải do rối loạn chức năng thị giác, tiền đình, tiểu não, hoặc cảm giác bản thể. |
Bước 2: Tiêu chuẩn loại trừ bệnh Parkinson Tiền sử đột quỵ nhiều lần với tiến triển từng bước các triệu chứng Parkinson Tiền sử chấn thương đầu nhiều lần Tiền sử viêm não đã được chẩn đoán xác định Các cơn vận nhãn (thường là cơn trợn mắt) Khởi phát triệu chứng khi đang điều trị thuốc an thần kinh Có hơn một người họ hàng có triệu chứng tương tự Có giai đoạn thuyên giảm kéo dài Các triệu chứng giới hạn ở một bên sau 3 năm Liệt nhìn chằm chằm trên nhân Các dấu hiệu tiểu não Rối loạn thần kinh tự động nặng từ giai đoạn sớm Sa sút trí tuệ nặng từ sớm với rối loạn trí nhớ, ngôn ngữ, và hành động Dấu hiệu Babinski CT não có u não hoặc tràn dịch não thể lưu thông Không đáp ứng với liều cao của levodopa (sau khi đã loại trừ nguyên nhân do kém hấp thu) Phơi nhiễm với MPTP |
Bước 3: Tiêu chuẩn có khả năng hỗ trợ chẩn đoán xác định bệnh Parkinson Ba hoặc nhiều hơn để chẩn đoán xác định bệnh Parkinson Khởi phát một bên Có run khi nghỉ Bệnh tiến triển nặng dần Không đối xứng thời gian dài ở một bên cơ thể từ khi khởi phát Đáp ứng tốt (70-100%) với levodopa Múa giật nặng do levodopa Đáp ứng với levodopa từ 5 năm trở lên Quá trình diễn biến lâm sàng từ 10 năm trở lên |
CT = cắt lớp vi tính; MPTP= 1-methyl-4-phenyl-1,2,3,6-tetrahydropyridine
Nguồn tài liệu:
Theresa A. Zesiewicz. Parkinson Disease. Continuum (Minneap Minn) 2019;25(4, Movement Disorders): 896-918.
XEM THÊM BỘ TÀI LIỆU VỀ BỆNH PARKINSON CỦA BÁC SĨ VŨ DUY DŨNG: