Chẩn đoán bệnh lao tiềm ẩn là biện pháp giúp phát hiện sớm những người có nguy cơ mắc bệnh lao. Đặc biệt những người đã có thời gian tiếp xúc với người mắc lao phổi, để có biện pháp phòng ngừa và can thiệp hiệu quả.
1. Bệnh lao tiềm ẩn
Bệnh lao tiềm ẩn là cơ thể người khỏe mạnh mang vi khuẩn lao ở thể bất hoạt. Những người này không có triệu chứng, không có dấu hiệu bị bệnh và không thể lây bệnh lao cho người khác. Tuy nhiên, nếu hệ miễn dịch bị suy yếu có thể sẽ dẫn tới mắc bệnh lao.
Vi khuẩn lao truyền nhiễm từ người nay sang người khác qua không khí, khi người mắc bệnh lao phổi ho, nói chuyện, hắt hơi,... Nếu hít vào không khí có vi khuẩn lao, vi khuẩn sẽ vào phổi. Tuy nhiên hệ miễn dịch con người sẽ ngăn chặn lại và làm cho vi khuẩn bất hoạt và không thể gây bệnh. Có những người vi khuẩn lao ở trạng thái tiềm ẩn trong cơ thể suốt đời. Do đó, hệ thống miễn dịch là yếu tố quan trọng giữ cho vi khuẩn lao ở trạng thái bất hoạt và ngăn cản vi khuẩn sinh sôi.
Vi khuẩn lao không truyền nhiễm dễ dàng trong không khí. Những người mắc lao tiềm ẩn là những người đã có thời gian tiếp xúc với người mắc bệnh lao phổi. Những người đang điều trị lao phổi hiệu quả hơn 2 tuần lại không thể lây bệnh. Do đó, đối tượng cần chẩn đoán xét nghiệm lao tiềm ẩn là những người sống cùng hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh lao phổi trong một khoảng thời gian.
2. Chẩn đoán bệnh lao tiềm ẩn
Để xác định một người mắc lao tiềm ẩn cần đủ những điều kiện sau:
- Không mắc bệnh lao
- Không thể lây cho người khác
- Xét nghiệm phản ứng trên da, xét nghiệm máu dương tính
- Xét nghiệm đờm và dịch tiết âm tính
Do đó để chẩn đoán một người mắc lao tiềm ẩn cần xét nghiệm tìm vi khuẩn lao và xét nghiệm xác định không bị mắc lao.
2.1 Xét nghiệm qua da
Xét nghiệm lao qua da hay còn gọi là phản ứng Mantoux nhằm đánh giá tình trạng nhiễm lao và định hướng chẩn đoán bệnh lao tiềm ẩn, bệnh lao. Người cần được xét nghiệm sẽ được tiêm trong da 5 UI dung dịch PPD. Sau vài tuần cơ thể nhiễm vi khuẩn lao, các tế bào lympho trở lên mẫn cảm với trực khuẩn lao, khi tiêm tuberculin trong da sẽ hoạt hóa tế bào lympho đã mẫn cảm tạo nên phản ứng tăng mẫn cảm muộn sau 48-72 giờ đồng hồ.
Sau 2 - 3 ngày sẽ đo đường kính quầng phản ứng tại chỗ tiêm. Kết quả dương tính được tính như sau:
- Đường kính ≥ 5mm đối với những nhóm bệnh nhân: đang điều trị bằng liệu pháp ức chế miễn dịch, mới tiếp xúc gần với người bị lao, nhiễm HIV, thay đổi tổn thương xơ tương ứng với lao trước đây.
- Đường kính ≥ 10mm đối với những nhóm bệnh nhân: nhân viên y tế, tiêm chích ma túy nhưng HIV âm tính, suy thận, đái tháo đường, cắt ruột non, cắt dạ dày.
- Đường kính ≥ 15mm đối với những nhóm bệnh nhân: không có nguy cơ mắc bệnh lao.
Ngoài ra, kết quả xét nghiệm có thể gặp như:
- Dương tính giả: nhiễm vi khuẩn lao không điển hình hoặc đã tiêm vắc-xin BCG trước đó
- Âm tính giả: do suy giảm miễn dịch hoặc mới nhiễm lao dưới 8 tuần, tiền sử nhiễm lao trước đó quá lâu, trẻ dưới 6 tháng.
2.2 Xét nghiệm thử máu IGRA
Xét nghiệm IGRA ưu tiên đối với những người đã tiêm chủng BCG. Có hai loại xét nghiệm IGRA
- T-SPOT. TB: Định lượng các tế bào T tiết IFN- γ
- QUANTIFERON-TB: đo nồng độ IFN- γ
Nếu kết quả xét nghiệm dương tính có nghĩa người bệnh đã mắc lao tiềm ẩn và cần làm những xét nghiệm khác như lấy mẫu đờm, chụp hình phổi nhằm xác định bệnh nhân có mắc bệnh lao hoạt tính hay không.
Tóm lại, chẩn đoán bệnh lao tiềm ẩn là một phương pháp nhằm tìm vi khuẩn lao trong cơ thể, đối với những người khỏe mạnh, chưa có biểu hiện bệnh, và đặc biệt là những người có thời gian tiếp xúc với người mắc lao phổi. Những người có xét nghiệm dương tính, và xác định mắc lao tiềm ẩn sẽ được tư vấn những biện pháp phòng ngừa hiệu quả, hoặc điều trị dự phòng nhằm giảm nguy cơ tiến triển thành lao hoạt tính.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.