Chai chân là dấu hiệu cảnh báo bàn chân có những biểu hiện bất thường. Ở những người mắc bệnh tiểu đường, đây là nguyên nhân dẫn đến loét bàn chân. Đối với người bình thường, loét bàn chân không phải là vấn đề lớn nhưng với người mắc bệnh tiểu đường tổn thương do loét bàn chân rất khó hồi phục, cần được điều trị sớm để tránh gây ra những biến chứng nguy hiểm như hoại tử chi.
1. Chai chân là gì?
Chai chân là một khu vực ở bàn chân trở lên dày cứng khi vị trí đó chịu một áp lực tì đè cường độ thấp nhưng được lặp đi lặp lại nhiều lần.
2. Tại sao người mắc bệnh tiểu đường thường xuất hiện chai chân?
Đối với người khoẻ mạnh, cấu trúc vòm bàn chân, hệ thống cân - cơ - dây chằng, lớp mỡ vùng gót chân và vùng mũi chân tạo thành lớp đệm có tính đàn hồi cao giúp cho bàn chân không bị chấn thương khi vận động.
Đối với người mắc bệnh tiểu đường lâu ngày, hạn chế vận động khớp có thể xảy ra do đường máu tăng cao dẫn tới lắng đọng các sản phẩm tận của quá trình glycosyl hóa vào hệ thống gân và dây chằng. Biến chứng thần kinh vận động làm teo hệ thống cơ gân cốt tại bàn chân làm biến dạng bàn chân, thay đổi cấu trúc giải phẫu bàn chân và làm teo lớp mỡ vùng mặt dưới gan bàn chân. Những biến đổi này đã dẫn tới gia tăng áp lực tại gan bàn chân. Hậu quả cuối cùng của tiến trình này dẫn tới hình thành các nốt chai chân.
Sử dụng giày dép chặt cũng là một trong những nguyên nhân thường gặp dẫn tới chai chân. Giày dép chặt tạo nên một áp lực nhỏ nhưng kéo dài liên tục vào vùng rìa bàn chân. Giày dép chặt cũng dẫn tới các ngón chân bị ép chặt đè vào nhau. Từ đó, chai chân có thể xuất hiện nếu người bệnh không kịp thời thay đổi loại giày dép phù hợp.
3. Chai chân thường gặp ở những vị trí nào?
Chai chân thường xuất hiện ở những vùng chịu áp lực tì đè. Vị trí chai chân có thể gợi ý cho bác sĩ nguyên nhân gây bệnh.
Chai chân ở vị trí cạnh ngón chân hoặc vùng rìa bàn chân có thể gợi ý nguyên nhân sử dụng giày dép chặt.
Chai chân ở mặt dưới ngón chân cái thường do hạn chế vận động khớp hoặc do tật biến dạng ngón cái vẹo ngoài gây ra.
Chai chân ở vùng gót chân và vùng đầu dưới xương bàn ngón có thể do biến dạng vòm bàn chân cao – một trong những hậu quả của biến chứng thần kinh vận động của bệnh tiểu đường gây ra.
4. Tại sao chai chân cần được phát hiện và điều trị sớm
Chai chân là phản ứng bảo vệ của cơ thể chống lại những áp lực tì đè lên bàn chân. Chai chân là dấu hiệu cảnh báo tại bàn chân có những biểu hiện bất thường. Chai chân là một trong những nguyên nhân thường gặp dẫn tới loét bàn chân ở người bệnh tiểu đường. Phát hiện sớm và điều trị kịp thời chai chân sẽ có tác dụng phòng loét bàn chân cho người bệnh.
5. Điều trị chai chân như thế nào?
Phát hiện nguyên nhân dẫn tới chai chân có vai trò quan trọng trong điều trị và phòng tránh tái phát. Ví dụ, nếu chai chân do đi giày dép chặt, việc điều trị chỉ đơn giản là tư vấn cho người bệnh thay đổi giày dép cho phù hợp.
Đối với các tổn thương chai dày cứng gây đau và gây khó khăn khi vận động, chai chân cần được gọt bỏ. Kỹ thuật gọt chai chân là kỹ thuật tiểu phẫu rất đơn giản, rẻ tiền, thường không gây đau và ít gây chảy máu. Thời gian thực hiện kỹ thuật thường kéo dài từ 30 phút – 1 tiếng. Người bệnh thường được điều trị ngoại trú và không cần phải nhập viện.
Để điều trị chai chân ở người mắc bệnh tiểu đường an toàn, hiệu quả, người bệnh nên đến các cơ sở y tế uy tín. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là cơ sở y tế chất lượng cao tại Việt Nam với đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản, chuyên sâu trong nước và nước ngoài, giàu kinh nghiệm.
Hệ thống thiết bị y tế hiện đại, tối tân, sở hữu nhiều máy móc tốt trên thế giới giúp phát hiện ra nhiều căn bệnh khó, nguy hiểm trong thời gian ngắn, hỗ trợ việc chẩn đoán, điều trị của bác sĩ hiệu quả nhất. Để đăng ký khám tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ đến Hotline Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.