Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Chuyên viên Tâm lý - Trung tâm Y học tái tạo và trị liệu tế bào tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Rủi ro sức khỏe của nhóm người lao động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe được đánh giá cao hơn mức trung bình quốc gia và so với các ngành nghề khác. Nhiều nghiên cứu trên thế giới và ngay tại Việt Nam đã chỉ ra rằng nhân viên y tế là nhóm đối tượng gặp nhiều căng thẳng và tiếp xúc với nhiều yếu tố nguy cơ cho sức khỏe. Với tính chất công việc đặc trưng là làm việc trực tiếp với tính mạng con người, công việc vô cùng nặng nhọc và đối diện với nhiều nguy kịch. Đặc biệt trong thời gian xảy ra đại dịch Covid 19, đội ngũ nhân viên y tế phải làm việc với cường độ và công suất cao nhiều nhân viên y tế đã tử vong trong quá trình làm việc. Thời gian sau đó, đã có nhiều người xin nghỉ việc, rời bỏ nghề nghiệp. Vậy những áp lực, căng thẳng của nhân viên y tế đến từ đâu, điều này có ảnh hưởng gì đến sự gắn kết với nghề nghiệp của họ, và xã hội cần làm gì để nhân viên y tế gắn bó với nghề nghiệp, xứng đáng với những giá trị mà họ mang lại cho cộng đồng?
1. Căng thẳng công việc ở nhân viên y tế
Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra và ghi nhận tình trạng căng thẳng ở nhân viên y tế là thường xuyên và ở mức độ cao, đặc biệt là trong giai đoạn bùng nổ các loại dịch bệnh như Sars (2003), dịch Mers (2012), đại dịch Covid-19 (2019). Một nghiên cứu năm 2020 của nhóm tác giả Bohlken, Schomig và các cộng sự đánh giá về căng thẳng tâm lý của nhân viên y tế gây ra bởi đại dịch đã ghi nhận 1257 người tham gia khảo sát đều nói rằng bị căng thẳng tâm lý khi thực hiện công việc.
Sự căng thẳng trong công việc giữa các nhân viên y tế là khác nhau: Gồm các nhóm bác sĩ, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên. Mức độ căng thẳng công việc cũng khác nhau giữa các nhóm nhân viên y tế phụ thuộc vào các yếu tố như: giới tính (nam, nữ), độ tuổi, tình trạng hôn nhân, tình trạng sức khỏe, trung bình giờ làm việc, thời gian trực, thâm niên công tác....
Trong đó kể đến những áp lực, căng thẳng đến từ công việc như:
- Những căng thẳng gây ra khi nhân viên y tế phải đối mặt với cái chết của người bệnh
- Những căng thẳng gây ra bởi sự xung đột với đồng nghiệp
- Áp lực gây ra khi nhân viên y tế chưa chuẩn bị sẵn sàng tâm thế với người bệnh
- Căng thẳng gây ra bởi sự bất đồng quan điểm với đồng nghiệp và người giám sát
- Áp lực đến từ khối lượng quá tải của công việc
- Những áp lực đến từ việc nhân viên y tế không chắc chắn về hướng điều trị của người bệnh
- Những áp lực, căng thẳng đến từ chính bệnh nhân và người nhà của họ
- Những căng thẳng đến từ việc chính những nhân viên y tế, khi họ bị đối xử phân biệt.
2. Sự gắn kết với nghề nghiệp thể hiện ở những điểm nào?
Sự gắn kết với nghề nghiệp được hiểu là trạng thái tích cực, cảm nhận hoàn thành liên quan đến công việc được đặc trưng bởi sức mạnh, sự cống hiến và sự say mê dành cho công việc
Trong đó: Sức mạnh dành cho công việc được đặc trưng bởi việc người lao động dành nguồn năng lượng cao cho công việc, có khả năng phục hồi tinh thần trong quá trình làm việc, luôn cố gắng cho công việc và kiên trì khi phải đối mặt với những khó khăn trong công việc
Sự cống hiến thể hiện qua việc người lao động cảm thấy tầm quan trọng của công việc mình làm, họ trải nghiệm sự nhiệt tình, hân hoan, sự tự hào và những thách thức khi làm việc. Sự say mê thể hiện qua việc người lao động có thể tập trung hoàn toàn và cảm thấy hạnh phúc trong công việc của mình, thông qua đó, mỗi khi làm việc họ cảm thấy thời gian trôi nhanh, thậm chí có thể mất ý niệm về thời gian và không dễ tách họ ra khỏi công việc
3. Ảnh hưởng của căng thẳng trong công việc đến sự gắn kết với nghề nghiệp
Căng thẳng trong công việc ảnh hưởng trực tiếp đến sự gắn kết với công việc, với nghề nghiệp.
Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng mức căng thẳng trong công việc tỷ lệ nghịch với sự gắn kết với công việc. Căng thẳng của nhân viên y tế càng cao thì sự gắn kết với công việc càng thấp và ngược lại.
Tuy nhiên nhiều yếu tố trung gian cũng góp phần tác động đến mối quan hệ giữa sự căng thẳng trong công việc và sự gắn kết với nghề nghiệp của nhân viên y tế, trong đó kể đến một số yếu tố như: sự hài lòng trong công việc hay nguy cơ trầm cảm. Những điều có thể giúp đỡ nhân viên y tế giảm sự căng thẳng trong công việc và tăng cường sự gắn kết với nghề nghiệp:
- Các cấp lãnh đạo, quản lý cần tập trung nâng cao sự hài lòng trong công việc
- Xây dựng các chương trình phòng ngừa về sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế để họ có khả năng ứng phó với các yếu tố gây căng thẳng, qua đó giảm nguy cơ trầm cảm trong quá trình làm việc
- Mỗi cá nhân nhân viên y tế cần cân bằng công việc và thời gian thư giãn, các hoạt động sinh hoạt sao cho phù hợp, tránh gây căng thẳng kéo dài dẫn đến những vấn đề sức khỏe tâm thần nặng hơn.
Có thể thấy không chỉ với nhân viên y tế mà với bất cứ ngành nghề nào, sự căng thẳng cũng đều ảnh hưởng tới sức khỏe và cả chất lượng công việc. Vì thế, trong mỗi chúng ta hãy cố gắng giữ tâm trạng luôn được thoải mái bằng việc có chế độ ăn lành mạnh kết hợp cùng với tập thể dục điều độ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.