Lách to là 1 triệu chứng gặp trong nhiều bệnh như: Các bệnh của gan, bệnh về máu, bệnh của hệ thống tĩnh mạch cửa,... Vì là dấu hiệu thực thể có giá trị chẩn đoán trong các loại bệnh kể trên nên khi thăm khám lâm sàng, cần hết sức chú ý khi chẩn đoán, phân độ lách to.
1. Lách to là bệnh gì?
Lách là 1 tạng nhỏ nằm sâu trong khu vực ổ bụng. Ở giai đoạn bào thai, lách sản xuất hồng cầu, tiểu cầu và bạch cầu hạt. Ngoài ra, lách còn tham gia sản xuất các tế bào lympho bảo vệ cơ thể.
Trước khi đi khám lách to để phân độ lách to, mỗi người cần tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng của tình trạng này. Các chuyên gia đánh giá: Lách to là khi kích thước lá lách từ 12 - 20cm và nặng trên 400g. Những triệu chứng phổ biến của lách to là:
- Đau hoặc cảm thấy đầy bụng vùng bên trái, cơn đau có thể lan tới vai trái;
- Cảm thấy no dù không ăn hoặc sau khi ăn một lượng nhỏ (do lách to ép vào dạ dày);
- Mệt mỏi, thiếu máu, dễ chảy máu, nhiễm trùng thường xuyên.
Những nguyên nhân thường gặp gây lách to gồm:
- Nhiễm trùng: Virus mononucleosis, ký sinh trùng toxoplasmosis hoặc vi khuẩn viêm nội tâm mạc;
- Ung thư: Ung thư bạch cầu, u lympho, ung thư hạch bạch huyết;
- Bệnh gây viêm tự miễn như lupus, sarcoidosis, lupus, viêm khớp dạng thấp;
- Ung thư đã di căn đến lách;
- Chấn thương (có thể do va chạm thể thao);
- U nang - 1 túi dịch không chứa tế bào ung thư;
- Áp xe lớn do nhiễm trùng;
- Các bệnh truyền nhiễm như bệnh Gaucher, bệnh tăng tích trữ glycogen, bệnh tăng tích đạm.
2. Chẩn đoán lách to
Trong quá trình chẩn đoán, bác sĩ có thể phân độ lách to. Thông thường, lách nằm khuất trong lồng ngực, không sờ thấy được (trừ trẻ nhỏ). Chỉ có thể gõ được vùng đục của lách ở đường nách sau.
Các kỹ thuật khám lách gồm:
- Nhìn: Khi lách to nhiều, bác sĩ có thể thấy 1 vòm nổi lên dưới bờ sườn trái của bệnh nhân. Tuy nhiên, trường hợp này ít thấy, thường không thể chẩn đoán chính xác;
- Sờ nắn:
- Để xác định lách ở phía dưới bờ sườn, bệnh nhân nằm ngửa hoặc hơi nghiêng về bên phải, giơ tay trái cao lên đầu. Bác sĩ ngồi bên phải bệnh nhân, dùng tay phải đặt lên hạ sườn trái người bệnh ở giữa đường nách trước và đường thẳng dọc qua giữa xương đòn. Vì lách di động theo nhịp thở nên người bệnh hít sâu vào, lách sẽ đụng các ngón tay;
- Bác sĩ cũng có thể ngồi bên trái bệnh nhân. Người bệnh nằm nghiêng hẳn về bên phải. Bác sĩ dùng các đầu ngón tay móc nhẹ về phía bờ sườn vùng nách của bệnh nhân. Người bệnh hít vào thật sâu có thể sờ thấy cực dưới của lách;
- Trường hợp lách to nhiều xuống phía dưới, bác sĩ khám bằng 2 bàn tay: 1 tay đặt phía trên bụng, 1 tay đặt phía dưới lưng để giới hạn vị trí của lách, nhận thấy rõ chỗ eo vào lách. Với cách khám này, ta sẽ không thấy dấu hiệu bập bềnh của thận hoặc dấu hiệu chạm thắt lưng.
- Gõ: Để biết vùng đục của lách ở phía trong lồng ngực, bác sĩ gõ mạnh từ trên xuống dưới theo đường nách;
- Nghiệm pháp co lách: Lách có thể thay đổi thể tích do co lại vì nhiều nguyên nhân như ngạt thở, gắng sức, cảm động, chảy nhiều máu,... Bác sĩ có thể xác định mức độ co lại của lách bằng cách tiêm 1mg adrenalin dưới da rồi theo dõi. Nghiệm pháp này giúp chẩn đoán xác định lách to và cho biết tình trạng xơ hóa của lách;
- Siêu âm lách: Qua kẽ liên sườn, lách to trên siêu âm có thể thấy được chủ mô lách và đo được kích thước của lách;
- Chọc dò lách: Ít được áp dụng vì nguy cơ tai biến chảy máu. Có thể hạn chế 1 phần tai biến nếu bệnh nhân nằm bất động tuyệt đối trên giường sau 24 giờ. Phương pháp này chỉ định khi các kỹ thuật khác không tìm được nguyên nhân gây lách to. Chống chỉ định áp dụng phương pháp chọc dò lách nếu bệnh nhân bị nhiễm khuẩn, thể trạng dễ chảy máu, dễ xúc động hoặc lách to đau;
- Chụp X-quang: Chẩn đoán xác định lách to, chẩn đoán phân biệt với các khối u khác ở vùng hạ sườn trái.
3. Cách phân độ lách to
Lách to thường theo 2 chiều: Chiều thẳng đứng đi xuống hố chậu (lách đứng) và đường nằm ngang đi ra giữa bụng (lách nằm). Tuy nhiên, có thể lách chỉ to theo đường thẳng đứng hoặc theo đường nằm ngang, không có giá trị về chẩn đoán xác định lách to và nguyên nhân gây bệnh.
Lách to có thể được chia làm 4 mức độ từ nhỏ đến lớn:
- Độ 1: Bờ dưới lách đến gần 1/4 đường từ mạn sườn trái tới rốn;
- Độ 2: Bờ dưới lách ở 1/4 đến 1/2 đường từ mạn sườn trái tới rốn;
- Độ 3: Bờ dưới lách nằm quá 1/2 đường từ mạn sườn trái tới rốn;
- Độ 4: Bờ dưới lách ngang hoặc quá rốn.
Lách to dễ bị dập, vỡ. Khi đã chẩn đoán xác định lách to, bác sĩ sẽ điều trị hướng trực tiếp vào bệnh lý nền để thu nhỏ kích thước lách về bình thường. Nếu chỉ lách to đơn thuần thì không cần điều trị (trừ trường hợp có cường lách). Người bệnh có lách to hoặc rất lớn nên tránh các hoạt động thể thao để giảm nguy cơ chấn thương gây vỡ lách.
Lách to là một dấu hiệu thường gặp trên lâm sàng, dễ chẩn đoán xác định. Phân độ lách to chuẩn sẽ giúp bác sĩ đưa ra phương hướng điều trị chính xác nhất. Người bệnh cần phối hợp với bác sĩ trong quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.