Mọi lứa tuổi đều có thể bị bệnh tiểu đường, tuy nhiên ngày càng phổ biến hơn ở người trẻ tuổi. Việc phát hiện bệnh tiểu đường và điều trị sớm ở người trẻ tuổi có thể giúp cải thiện sức khỏe của người bệnh. Cùng tìm hiểu các triệu chứng bệnh tiểu đường ở người trẻ qua bài viết dưới đây.
1. Đái tháo đường là bệnh gì?
Bệnh tiểu đường hay đái tháo đường có 2 phân nhóm chính là type 1 và type 2 là hai tình trạng bệnh chính, nhưng cả hai đều ảnh hưởng đến việc sử dụng insulin của cơ thể và các phân nhóm phụ khác ít gặp hơn. Mặc dù, đái tháo đường type 1 phổ biến nhiều hơn ở những người trẻ tuổi và trẻ em, ngày nay, cả hai type đều gia tăng sự ảnh hưởng đến trẻ em và thanh thiếu niên dẫn tới bệnh tiểu đường ở người trẻ tuổi.
Bệnh tiểu đường type 1
- Bệnh tiểu đường type 1 ở trẻ em, trước đây được gọi là bệnh tiểu đường vị thành niên, xảy ra khi tuyến tụy không thể sản xuất insulin. Nếu không có insulin, đường không thể đi từ máu vào các tế bào dẫn đến lượng đường trong máu cao.
- Bệnh tiểu đường type 1 có thể gặp ở mọi lứa tuổi, từ thời thơ ấu đến tuổi trưởng thành, nhưng độ tuổi trung bình thường được chẩn đoán là 13 tuổi. Ước tính có khoảng 85% bệnh nhân type 1 được chẩn đoán ở những người dưới 20 tuổi.
Bệnh tiểu đường type 2
- Tỉ lệ mắc bệnh tiểu đường type 2 đang gia tăng ở người trẻ cùng với sự gia tăng tình trạng béo phì ở trẻ nhỏ.
- Bệnh tiểu đường type 2 được cho là do hiện tượng đề kháng insulin, những người trẻ tuổi bị kháng insulin cần tạo ra nhiều insulin hơn mức bình thường cần thiết để điều chỉnh mức đường huyết của họ. Kháng insulin thường có thể phát triển thành bệnh tiểu đường type 2. Những người trẻ tuổi thừa cân và béo phì có nhiều khả năng bị đề kháng insulin, điều này có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe. Ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất và duy trì cân nặng hợp lý có thể cải thiện tình trạng kháng insulin.
- Bệnh tiểu đường type 2 có nhiều khả năng được chẩn đoán ở tuổi dậy thì, vì sự thay đổi nội tiết tố có thể dẫn đến tăng đề kháng insulin. Điều này có thể ngăn lượng đường trong máu tăng lên và giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường type 2.
- Hơn 75% trẻ em, người trẻ tuổi mắc bệnh tiểu đường type 2 có người thân mắc bệnh này, do di truyền hoặc do thói quen sống chung. Người có cha mẹ hoặc anh chị em mắc bệnh tiểu đường type 2 có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
2. Triệu chứng bệnh tiểu đường ở người trẻ
Các biểu hiện bệnh tiểu đường ở người trẻ xảy ra do một phần hoặc tất cả lượng đường vẫn còn trong máu và không được tế bào sử dụng cho chuyển hóa năng lượng. Cơ thể cố gắng giảm lượng glucose trong máu bằng cách thải lượng đường dư thừa ra khỏi cơ thể theo đường nước tiểu, khiến bạn khát nước hơn. Nồng độ cao của lượng đường trong nước tiểu là nơi sinh sản hoàn hảo cho nhiễm nấm. Nhưng không phải tất cả mọi người bệnh đều có triệu chứng. Trên thực tế, cứ 10 người thì có 6 người không có triệu chứng khi họ được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường.
Các triệu chứng của bệnh tiểu đường ở người trẻ tuổi tương tự ở trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn. Một số triệu chứng có thể xuất hiện ở cả hai type bệnh tiểu đường, nhưng có một số điểm khác biệt để giúp phân biệt chúng.
Người mắc bệnh tiểu đường type 1 có xu hướng phát triển nhanh chóng, ồ ạt và dồn dập chỉ trong một vài tuần từ khi mắc bệnh. Ngược lại, các triệu chứng bệnh tiểu đường type 2 lại phát triển âm ỉ, chậm hơn, có thể mất vài tháng hoặc nhiều năm để nhận ra và được chẩn đoán.
Bệnh tiểu đường type 1: Các triệu chứng chính của bệnh tiểu đường ở người trẻ tuổi type 1 bao gồm:
- Tăng khát và đi tiểu.
- Cảm giác đói.
- Giảm cân.
- Mệt mỏi.
- Cáu gắt.
- Hơi thở có mùi trái cây.
- Mờ mắt.
Giảm cân là một trong những triệu chứng thường gặp. Nhiễm nấm đường tiểu thường xuyên và tái phát ở phụ nữ cũng có thể là một triệu chứng của bệnh tiểu đường.
Một số người sẽ bị nhiễm toan ceton do đái tháo đường, một biến chứng nặng nề của bệnh tại thời điểm chẩn đoán. Điều này xảy ra khi cơ thể bắt đầu chuyển hóa, đốt cháy chất béo trong cơ thể để lấy năng lượng do không thể sử dụng đường do thiếu hụt insulin. Đây là một tình trạng nghiêm trọng cần được điều trị cấp cứu.
Bằng cách nhận biết bốn dấu hiệu bệnh tiểu đường ở trẻ em được miêu tả dưới đây còn được gọi là “4 nhiều”, bạn có thể chẩn đoán tiểu đường trước khi biến chứng nhiễm toan ceton xảy tới:
- Tiểu nhiều: trẻ có thể sử dụng phòng tắm thường xuyên, trẻ sơ sinh có thể quấn tã nặng hơn, hoặc đái dầm có thể xảy ra sau một thời gian khô ráo.
- Khát nước: trẻ có thể uống nhiều nước hơn bình thường nhưng cảm thấy không thể làm dịu cơn khát.
- Mệt mỏi: trẻ có thể cảm thấy mệt mỏi hơn bình thường.
- Gầy sút: trẻ có thể bị sụt cân không rõ nguyên nhân.
Bệnh tiểu đường type 2: Các triệu chứng bệnh tiểu đường ở người trẻ type 2 điển hình thường gặp bao gồm:
- Tiểu nhiều, tiểu thường xuyên nhất là tiểu đêm.
- Cơn khát tăng dần.
- Mệt mỏi.
- Giảm cân không giải thích được.
- Ngứa bộ phận sinh dục do nhiễm nấm.
- Chậm lành vết cắt hoặc vết thương.
- Mờ mắt do khô mắt.
- Một triệu chứng khác của tình trạng kháng insulin là sự phát triển của các mảng da sẫm màu, mịn như nhung, được gọi là các Gai đen (Acanthosis Nigricans).
- Hội chứng buồng trứng đa nang là một tình trạng khác có mối liên quan chặt chẽ đến tình trạng đề kháng insulin, mặc dù nó không phải là dấu hiệu của nó.
Bạn nên đến bác sĩ nếu nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào ở trên.
3. Chẩn đoán bệnh tiểu đường ở người trẻ
Bất kỳ người trẻ nào có các dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh đái tháo đường nêu trên nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra. Bạn có thể được thực hiện một số xét nghiệm gồm xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu để tìm lượng đường trong nước tiểu hoặc xét nghiệm đường huyết mao mạch bằng lấy máu đầu ngón tay để kiểm tra mức đường huyết.
Kết quả xét nghiệm đường huyết mao mạch: Khi đường huyết từ 7.0 mmol/L (126mg/ dL) hoặc cao hơn (tốt nhất với xét nghiệm đường đói vào sáng sớm hoặc thử 2 lần cách nhau 2 - 3 ngày).
Tiên lượng cho người trẻ và trẻ em mắc triệu chứng bệnh tiểu đường ở người trẻ sẽ cải thiện rất nhiều nếu được phát hiện sớm.
4. Phòng ngừa bệnh tiểu đường ở người trẻ
Hiện tại, chưa có phương pháp nào để ngăn ngừa bệnh tiểu đường type 1, nhưng phần lớn các trường hợp bị tiểu đường type 2 ở người trẻ có thể ngăn ngừa được.
Các phương pháp dưới đây có thể giúp ngăn ngừa nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường type 2 ở người trẻ và trẻ em:
- Duy trì cân nặng vừa phải: Thừa cân làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường type 2, vì nó làm tăng khả năng kháng insulin.
- Duy trì hoạt động: Giữ hoạt động thể chất làm giảm tình trạng kháng insulin và giúp kiểm soát huyết áp.
- Hạn chế sử dụng các thực phẩm có nhiều carbonhydrat, glucose: Tiêu thụ nhiều thực phẩm chứa nhiều đường có thể dẫn đến tăng cân và các vấn đề về chức năng insulin. Ăn một chế độ ăn uống cân bằng, giảm đường, tăng các chất dinh dưỡng - với nhiều vitamin, chất xơ và protein nạc - sẽ làm giảm nguy cơ và phòng tránh phát triển bệnh tiểu đường type 2 ở người trẻ.
Tỉ lệ mắc bệnh tiểu đường type 1 và type 2 ở trẻ em và thanh thiếu niên đang tăng lên đang tăng lên ở mức đáng báo động do sự gia tăng của béo phì. Trong hầu hết các trường hợp, mọi người có thể kiểm soát và ngăn ngừa sự phát triển các triệu chứng của cả bệnh tiểu đường type 1 và type 2 bằng một chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và thuốc. Khi kiểm soát tốt tình trạng bệnh, người bệnh tiểu đường có thể sống một cuộc sống đầy đủ và khỏe mạnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.