Để tăng cường chức năng não bộ cho trẻ, các bậc phụ huynh nên chú ý bổ sung thêm các thực phẩm tốt cho não bộ vào chế độ ăn hằng ngày của bé. Sau đây là một số loại thức ăn bổ não tăng cường trí nhớ cho trẻ.
1. Thực phẩm có vai trò quan trọng đối với não bộ của trẻ
Não bộ là cơ quan đảm nhận nhiều nhiệm vụ như: Điều khiển suy nghĩ, cảm xúc, nhịp thở,... Để phát triển trí não, tăng cường sự tập trung, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên các bậc phụ huynh nên bổ sung thực phẩm tăng cường chức năng não bộ cho trẻ.
Thực tế, có một số chất dinh dưỡng đặc biệt quan trọng với trẻ, nếu bỏ qua có thể gây ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển bình thường của não bộ và tầm vóc của trẻ. Những chất dinh dưỡng này bao gồm sắt, đồng, kẽm, choline, vitamin B và vitamin D,...
2. Những dưỡng chất quan trọng cho não bộ của trẻ
Sau đây là những dưỡng chất bổ não cho trẻ em:
- Chất đạm: Đạm là 1 “vật liệu” xây dựng nên các tế bào mô, cơ quan, cần thiết cho sự hình thành dịch tiêu hóa, nội tiết tố, enzyme,... Thiếu chất đạm sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của cơ thể nói chung, não bộ nói riêng;
- Acid amin: Não bộ cần acid amin để sản xuất các chất dẫn truyền thần kinh, cung cấp năng lượng cho cơ thể. 2 loại acid amin quan trọng cho não là tryptophan và tyrosine. Thực phẩm giàu tryptophan là chuối, lạc, gạo, bí đỏ, hạt sen,... Tyrosine có nhiều trong trứng gà, cá, thịt gia cầm, đậu nành, ngũ cốc nguyên cám và các loại hạt,...;
- Sắt: Thiếu sắt ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển não bộ của trẻ. Trẻ bị thiếu sắt có chỉ số phát triển tâm thần và vận động thấp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển trí nhớ và kết quả học tập;
- Iốt: Nếu thiếu Iốt, trẻ dễ bị suy giảm phát triển não bộ, xuất hiện bệnh đần độn do thiểu năng tuyến giáp;
- Đường glucose và fructose: Là nguồn cung cấp năng lượng chính cho não. Cha mẹ nên cho bé sử dụng thực phẩm ít ngọt có đường fructose như trái táo, cam, nho, bưởi,... vì chúng không làm gia tăng chỉ số đường huyết để giúp não bộ làm việc tốt hơn;
- Acid béo không no chuỗi dài: Các thành phần trong não bộ có tới 60% là chất béo, đặc biệt là DHA và ARA;
- Vitamin: Vitamin B6 (điều hòa sản xuất và dẫn truyền thần kinh, duy trì chức năng bình thường của não bộ), vitamin B12 (cần thiết cho vỏ bọc của các sợi thần kinh), vitamin C (tham gia vào quá trình dẫn truyền thần kinh), acid folic (dẫn truyền tín hiệu thần kinh),...;
- Khoáng chất: Canxi (tiếp nhận và dẫn truyền tín hiệu thần kinh), kali (cần thiết cho sự dẫn truyền thần kinh), selen (chống oxy hóa, trì hoãn quá trình lão hóa),...;
- Nước: Vô cùng cần thiết cho cơ thể nói chung, não bộ nói riêng.
3. Một số thực phẩm tăng cường chức năng não bộ cho trẻ
Không cần phải sử dụng các loại thực phẩm chức năng bổ não cho trẻ em, cha mẹ chỉ cần bổ sung vào chế độ ăn của trẻ những thực phẩm sau là sẽ giúp bé phát triển não bộ toàn diện:
- Sữa và sữa chua: Mẹ nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, cố gắng duy trì tới khi trẻ được 2 tuổi. Sữa mẹ giàu DHA, vitamin A, D, E,... là các thành phần xây dựng não bộ, hoàn thiện vỏ não, phát triển hệ thần kinh trung ương, phát triển võng mạc và khả năng ghi nhớ của trẻ. Nếu mẹ không đủ sữa cho bé bú, nên cho con uống sữa công thức có thành phần gần với sữa mẹ nhất;
- Cá biển: Gồm các loại cá mòi, cá hồi, cá ngừ, cá trích, cá thu,... Các loại cá này rất giàu acid béo Omega - 3, DHA và EPA là dưỡng chất tuyệt vời giúp phát triển não bộ của trẻ. Nhóm thực phẩm này giúp tăng cường trí nhớ và não bộ hoạt động tốt hơn;
- Trứng: Là nguồn thực phẩm tuyệt vời cho mọi độ tuổi, đặc biệt là trẻ nhỏ. Trứng cung cấp protein, vitamin B, Omega - 3, Iốt và choline - những dưỡng chất quan trọng để xây dựng màng tế bào não và tăng cường trí nhớ cho trẻ. Khi cho trẻ ăn trứng, cha mẹ cần chú ý cho bé ăn với lượng vừa đủ, đảm bảo lòng trắng trứng phải được nấu chín. Đồng thời, vì trứng có hàm lượng chất béo khá cao nên cha mẹ không nên cho bé ăn quá nhiều để tránh đầy bụng, khó tiêu và rối loạn tiêu hóa,...;
- Hạt bí ngô: Chứa nhiều chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ não bộ khỏi những tổn thương. Bên cạnh đó, hạt bí ngô còn giàu magie, sắt, kẽm,... có tác dụng cải thiện trí nhớ và ngăn ngừa các bệnh liên quan thần kinh như đau nửa đầu và động kinh,...
- Thịt bò: Giàu vitamin B12, sắt, kẽm,... giúp tăng cường thể chất kích thích trí não, ổn định hệ thần kinh để trẻ tập trung và ghi nhớ tốt hơn;
- Rau xanh: Là thực phẩm tăng cường chức năng não bộ cho trẻ cần được bổ sung vào chế độ ăn uống hằng ngày của bé. Rau xanh giàu vitamin, khoáng chất, folate,... rất tốt cho não bộ của trẻ. Folate có nhiều trong rau bina, rau diếp, bông cải xanh, cải xoăn, măng tây,...;
- Các loại hạt: Hạnh nhân, óc chó, lạc, hướng dương,... chứa hàm lượng acid béo Omega - 3, Omega - 6 và vitamin B6, vitamin E,... dồi dào. Đây là nhóm thực phẩm giúp trẻ thông minh hơn, giảm nguy cơ mắc hội chứng suy giảm trí nhớ. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến nghị trẻ em từ 1 tuổi trở lên mới được sử dụng các loại hạt đã được xay thành bột để tránh bị hóc hoặc nghẹn gây nguy hiểm tới sức khỏe;
- Chocolate đen: Các hợp chất có trong chocolate đen như Flavonoids,... giúp tăng lưu thông máu tới não để cải thiện trí nhớ, tăng tốc độ phản ứng, kéo dài sự tập trung, tăng tốc độ phản ứng,... Ngoài ra, chocolate đen còn giúp kích thích cơ thể sản xuất endorphin - 1 chất giúp giải tỏa căng thẳng. Tuy nhiên, trẻ em chỉ nên sử dụng chocolate đen với lượng hạn chế;
- Các loại đậu: Là thực phẩm tăng cường chức năng não bộ cho trẻ vì ất giàu protein, chất xơ, vitamin, khoáng chất và carbohydrate phức hợp. Đậu thận và đậu pinto giàu acid béo Omega - 3 hơn so với các loại đậu khác, hỗ trợ tốt cho hoạt động của não bộ;
- Bột yến mạch: Là nguồn thực phẩm cung cấp năng lượng và vitamin E, vitamin nhóm B (B1, B6, B12,...) và kẽm giúp não bộ của bé làm việc tốt. Cha mẹ có thể cho bé ăn kèm bột yến mạch với táo, chuối hoặc hạnh nhân;
- Quả mọng: Nếu muốn tăng cường sức khỏe não bộ của trẻ, cha mẹ nên cho bé ăn các loại quả mọng như dâu tây, cherry, việt quất,... Quả mọng giúp cải thiện trí nhớ, giàu Omega - 3, Anthocyanin và vitamin C, hỗ trợ chức năng não bộ hoạt động tốt. Mẹ có thể chế biến quả mọng thành các loại sinh tố bổ dưỡng hoặc đồ ăn nhẹ, món tráng miệng cho bé;
- Các loại củ quả màu đỏ, vàng: Khoai lang, bí đỏ, cà rốt, cà chua,... giàu các chất chống oxy hóa, giúp các tế bào não bộ luôn khỏe mạnh.
4. Lưu ý quan trọng khi xây dựng thực đơn dinh dưỡng cho trẻ
Bên cạnh việc bổ sung các thực phẩm tăng cường chức năng não bộ cho trẻ vào chế độ ăn, cha mẹ cũng cần chú ý tới những vấn đề sau khi chăm sóc bé:
- Thời gian ăn uống rất quan trọng đối với sự phát triển của não bộ. Việc ăn uống đúng bữa, đúng giờ là vô cùng quan trọng. Cha mẹ không nên để bé quá đói mới cho ăn hoặc để bé ăn quá no hoặc bỏ bữa. Một chế độ ăn uống điều độ sẽ giúp não bộ của trẻ duy trì hoạt động và khả năng tập trung tốt hơn;
- Hạn chế những món ăn gây ảnh hưởng xấu tới não bộ của trẻ như: Thực phẩm chiên rán hoặc chế biến sẵn, chất tạo ngọt nhân tạo, món ăn quá nhiều đường, món ăn quá mặn,...;
- Bữa ăn của trẻ nên được chế biến từ thực phẩm có nguồn gốc hữu cơ tự nhiên, tươi, sạch,...
Việc bổ sung các thực phẩm tăng cường chức năng não bộ cho trẻ một cách hợp lý sẽ giúp bé cải thiện khả năng ghi nhớ, tập trung và học hỏi tốt hơn. Đặc biệt, cha mẹ cần chú ý xây dựng cho trẻ một thói quen ăn uống khoa học, không ép bé ăn,... để trẻ chủ động hơn, không gặp áp lực trong mỗi bữa ăn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.