Nốt ruồi có thể khiến nhiều người cảm thấy mất tự tin do những lo ngại về thẩm mỹ hay phong thủy. Nhiều người mong muốn loại bỏ nốt ruồi nhưng không biết nên sử dụng phương pháp nào. Bài viết sẽ giới thiệu một số cách tẩy nốt ruồi an toàn.
1. Nốt ruồi là gì?
Nốt ruồi là những đốm màu nâu, đen hoặc đỏ, xuất hiện khi mới chào đời hoặc trong quá trình trưởng thành. Nốt ruồi do tế bào biểu bì và hắc tố tạo thành, có xu hướng sậm màu nếu tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời hoặc do ảnh hưởng của nội tiết tố trong quá trình thai kỳ.
Nốt ruồi có thể phẳng, trơn láng, thô ráp hoặc dày, nhô cao tùy thuộc vào cấu tạo tế bào biểu bì. Một số bệnh nhân còn xuất hiện nốt ruồi có lông.
Nhìn chung, nốt ruồi nhiều hay ít sẽ tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người. Ngoài ra, việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời cũng là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ xuất hiện nốt ruồi.
2. Vì sao nên tẩy nốt ruồi?
Hầu hết các trường hợp tẩy nốt ruồi xuất phát từ nhu cầu cá nhân do nốt ruồi tồn tại ở những vị trí không mong muốn gây ảnh hưởng đến phong thủy, thẩm mỹ,... Hầu hết các nốt ruồi là lành tính và không thay đổi theo thời gian. Với các nốt ruồi lành tính, không cần can thiệp điều trị. Dù không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng chúng có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ, phong thủy hay cọ sát với quần áo khiến bệnh nhân khó chịu, do đó nhiều người tìm cách tẩy nốt ruồi.
Ngoài ra, cũng có trường hợp được bác sĩ chỉ định tẩy nốt ruồi khi đánh giá nó có khả năng phát triển ác tính. Nếu nghi ngờ nốt ruồi ác tính, bác sĩ sẽ lấy mẫu tế bào, gửi đến phòng thí nghiệm để tìm tế bào ung thư. Nếu tìm thấy tế bào ung thư, cần phẫu thuật hoặc tiểu phẫu loại bỏ nốt ruồi để tránh biến chứng, di căn.
3. Cách tẩy nốt ruồi tại các cơ sở y tế
Tại cơ sở y tế, tẩy nốt ruồi thường được thực hiện theo các phương pháp sau:
- Tẩy nốt ruồi bằng laser: Đây là phương pháp hiện đại, an toàn, ít để lại sẹo và đang được sử dụng rộng rãi để tẩy nốt ruồi. Bác sĩ sẽ dùng máy laser chiếu vào nốt ruồi cần đốt, khi đó tia laser sẽ loại bỏ các tế bào sắc tố ở lớp thượng bì bằng cơ chế làm “bốc hơi” mô nốt ruồi. Cách này còn giúp tiêu diệt sắc tố nằm sâu dưới da.
- Đốt điện: Phương pháp này sử dụng dòng điện để phá hủy mô nốt ruồi. nhưng cũng dễ gây tổn thương vùng da xung quanh. Hiện nay các công nghệ đốt điện mới bằng sóng RF hoặc bằng tia Plasma có ưu điểm là ít gây đau, giúp mau lành vết thương và ít để lại sẹo.
- Tiểu phẫu: Cách này thường được áp dụng với nốt ruồi lớn, gồ ghề, sần sùi hoặc ăn sâu dưới da. Bác sĩ sẽ kiểm tra xem nốt ruồi có ác tính không. Tùy thuộc vào vị trí, kích thước và tình trạng lành hay ác tính mà bác sĩ sử dụng dao tiểu phẫu với thao tác vết rạch nông hoặc sâu. Những trường hợp nghi ngờ nốt ruồi ác tính, cần phải làm tiểu phẫu để lấy trọn vẹn mô da có chứa nốt ruồi, đưa mẫu mô về phòng xét nghiệm để tìm tế bào ung thư (không sử dụng laser hay đốt điện vì sẽ làm cháy mô, tế bào không còn nguyên vẹn nên không thể quan sát được dưới kính hiển vi).
4. Cách tẩy nốt ruồi tại nhà
Nhiều bệnh nhân chọn cách xóa nốt ruồi tại nhà vì không muốn đến bệnh viện đông đúc và lo ngại về chi phí. Hiện nay, có rất nhiều phương pháp tẩy nốt ruồi tại nhà được mô tả trên các trang mạng xã hội. Sau đây là một số cách tẩy nốt ruồi tại nhà được nhiều người áp dụng:
- Tẩy nốt ruồi tại nhà với giấm táo: Đây là phương pháp dành cho nốt ruồi ở các vị trí thông thường như tay và chân, tuyệt đối không nên thực hiện đối với những nốt ruồi ở những vị trí nhạy cảm trên khuôn mặt như đuôi mắt, mũi và miệng.
- Đắp tỏi tươi lên nốt ruồi: Để loại bỏ nốt ruồi, nhiều người đã đắp tỏi tươi lên nốt ruồi và vỗ nhẹ liên tục để dưỡng chất của tỏi phá hủy gốc mụn ruồi từ sâu bên trong.
- Sử dụng muối iot: Bệnh nhân có thể thoa muối iot trực tiếp lên trên nốt ruồi để loại bỏ chúng.
- Một số phương pháp tại nhà khác như đắp vỏ chuối tươi trực tiếp lên nốt ruồi, dùng tinh dầu tràm trà để loại bỏ dần nốt ruồi trên da hoặc thoa tinh dầu hương trầm lên những nốt ruồi cần làm mờ.
- Một số bệnh nhân tự tẩy nốt ruồi tại nhà bằng các loại kem hoặc thuốc tẩy được bán khá phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, nguồn gốc xuất xứ của các loại kem tẩy này là vấn đề cần được lưu tâm.
Nhìn chung, những phương pháp trên dường như khá dễ dàng và tiện lợi. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy các phương pháp tẩy nốt ruồi tại nhà có hiệu quả hay không. Hơn nữa, một số nốt ruồi có kích thước lớn, ăn sâu vào bên trong lớp biểu bì, do đó rất khó tẩy bằng các biện pháp thông thường.
Hiệu quả của các cách trên đôi khi sẽ vô thưởng vô phạt, ngoài ra một số bệnh nhân dùng vật sắc nhọn như da, kéo để tự tẩy nốt ruồi còn có thể gây nhiễm trùng, hình thành sẹo và thậm chí có thể kích hoạt tiến trình gây ung thư... Nhiều trang mạng quảng cáo các sản phẩm kem tẩy nốt ruồi thần thánh với nội dung như “không đau, không chảy máu, bong tróc nốt ruồi và không để lại sẹo”. Để đảm bảo an toàn, bệnh nhân cần tham khảo ý kiến của bác sĩ da liễu trước khi dùng các loại kem này.
5. Cách chăm sóc da sau khi tẩy nốt ruồi
Dù bệnh nhân tẩy nốt ruồi bằng phương pháp nào thì việc chăm sóc vết thương sau khi tẩy là rất quan trọng. Vùng da sau khi xóa nốt ruồi thường rất nhạy cảm, dễ tổn thương. Chỉ cần chăm sóc không đúng cách, nốt nuồi có thể loang lỗ, tái phát, nhiễm trùng hoặc để lại sẹo gây mất thẩm mỹ, đặc biệt là vị trí ở mặt.
Sau đây là một số lưu ý trong việc chăm sóc vết thương sau khi xóa nốt ruồi:
- Vệ sinh vùng da đã tẩy nốt ruồi: Bệnh nhân chỉ nên dùng nước muối sinh lý hoặc betadine để rửa vết thương khi thay băng. Tuyệt đối không sử dụng oxy già vì nó tác động xấu đến tốc độ liền của vết thương.
- Bệnh nhân chỉ dùng thuốc bôi sau khi vết thương đã lành và phải có chỉ định từ bác sĩ.
- Bệnh nhân cũng nên thận trọng trong việc ăn uống để tránh những thực phẩm làm tăng khả năng hình thành sẹo lồi cũng như nguy cơ kích ứng gây ngứa da.
- Không nên gãi hay chà xát mạnh vào vùng da vừa xóa nốt ruồi.
- Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với mỹ phẩm và ánh nắng mặt trời cho đến khi vết thương lành hẳn.
Bài viết đã giới thiệu một số cách tẩy nốt ruồi tại nhà và tại cơ sở y tế. Nhìn chung, bệnh nhân khi có ý định xóa nốt ruồi thì nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn cụ thể.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.