Rối loạn nhân cách là một trong những rối loạn tâm. thường xảy ra cùng với các bệnh tâm thần khác như rối loạn lạm dụng chất, trầm cảm, rối loạn lưỡng cực và rối loạn lo âu. Người ta ước tính rằng 10-13% dân số thế giới bị một số dạng rối loạn nhân cách. Điều trị rối loạn nhân cách cần có sự đóng góp của nhiều yếu tố bao gồm các phương pháp trị liệu tâm lý.
1. Rối loạn nhân cách là gì?
Tính cách là yếu tố quan trọng để xác định chúng ta là ai với tư cách cá nhân. Nó liên quan đến sự pha trộn độc đáo của các đặc điểm bao gồm thái độ, suy nghĩ, hành vi và tâm trạng cũng như cách chúng ta thể hiện những đặc điểm này trong mối quan hệ với người khác và thế giới xung quanh. Một số đặc điểm trong tính cách của một cá nhân là do di truyền, được định hình bởi các sự kiện và kinh nghiệm trong cuộc sống. Rối loạn nhân cách có thể hình thành nếu một số đặc điểm nhân cách trở nên quá cứng nhắc và không linh hoạt.
Những người bị rối loạn nhân cách có lối suy nghĩ và hành động khác với những gì xã hội coi là bình thường. Tính cách không linh hoạt của người bệnh có thể gây ra nhiều vấn đề, ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh của cuộc sống, bao gồm cả hoạt động xã hội và công việc. Những người bị rối loạn nhân cách nói chung cũng có kỹ năng ứng xử kém và khó hình thành các mối quan hệ lành mạnh.
Không giống như những người bị rối loạn lo âu - tự nhận thức được vấn đề của bản thân nhưng không thể kiểm soát nó, những người bị rối loạn nhân cách nói chung không nhận thức được vấn đề của họ và không tin rằng họ có bất cứ điều gì cần kiểm soát. Vì không tin mình bị rối loạn nên những người mắc chứng rối loạn nhân cách thường không chủ động điều trị bệnh. Vậy nên, việc điều trị rối loạn nhân cách thường gặp nhiều khó khăn và bị trì hoãn.
Hầu hết các dạng rối loạn nhân cách bắt đầu trong những năm thiếu niên, khi nhân cách phát triển và trưởng thành hơn. Kết quả là, hầu hết tất cả những người được chẩn đoán mắc chứng rối loạn nhân cách đều trên 18 tuổi.
Một số dạng rối loạn nhân cách như rối loạn nhân cách ranh giới và rối loạn nhân cách kịch tính phổ biến hơn ở phụ nữ. Những rối loạn nhân cách khác như rối loạn nhân cách chống đối xã hội và rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế phổ biến hơn ở nam giới. Nhiều tù nhân cũng mắc chứng rối loạn nhân cách có thể chẩn đoán được.
2. Nguyên nhân nào gây ra rối loạn nhân cách?
Rối loạn nhân cách là một trong những rối loạn tâm thần ít được hiểu và công nhận nhất. Người ta tin rằng cả yếu tố di truyền và môi trường sống đều đóng một vai trò trong sự phát triển của các dạng rối loạn nhân cách. Một số dạng rối loạn nhân cách dường như có liên quan đến tiền sử gia đình mắc bệnh tâm thần. Ví dụ, những người bị rối loạn nhân cách chống đối xã hội thường có nhiều thành viên trong gia đình cũng bị rối loạn nhân cách và tiền sử gia đình bị trầm cảm có thể là một yếu tố nguy cơ của rối loạn nhân cách ranh giới hoặc rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế.
Mặc dù nghiên cứu về rối loạn nhân cách còn hạn chế. Hiện nay không có nghiên cứu nào có thể chỉ ra rằng một người bẩm sinh đã bị rối loạn nhân cách. Cũng như nhiều trường hợp rối loạn tâm thần khác, xu hướng phát triển rối loạn nhân cách có thể do di truyền chứ không phải bản thân chứng rối loạn đó. Rối loạn nhân cách phát sinh khi một cái gì đó cản trở sự phát triển của một nhân cách lành mạnh.
Rối loạn nhân cách có thể phát triển như một cách đối phó với một tình huống rắc rối hoặc căng thẳng vô lý. Ví dụ, một người bị lạm dụng hoặc bị bỏ rơi khi còn nhỏ có thể phát triển chứng rối loạn nhân cách như một cách đối phó với nỗi đau, nỗi sợ hãi và lo lắng tồn tại trong môi trường xung quanh họ. Một người không đột nhiên “mắc phải” chứng rối loạn nhân cách mà nó xuất hiện một cách từ từ.
3. Các rối loạn nhân cách được chẩn đoán như thế nào?
Trước khi nói đến việc chữa rối loạn nhân cách, chúng ta cần biết rối loạn nhân cách được chẩn đoán như thế nào. Điều quan trọng là phải hiểu sự khác biệt giữa tính cách thật và rối loạn nhân cách. Một người nhút nhát hoặc thích dành thời gian một mình không nhất thiết mắc chứng rối loạn nhân cách né tránh hoặc phân liệt. Sự khác biệt giữa tính cách và rối loạn nhân cách thường có thể được xác định bằng cách đánh giá chức năng nhân cách của một người trong các lĩnh vực nhất định, bao gồm:
- Công việc
- Các mối quan hệ
- Cảm nghĩ / cảm xúc
- Bản sắc
- Nhận thức về thực tế
- Kiểm soát hành vi và xung động
Nếu các triệu chứng xuất hiện, bác sĩ sẽ bắt đầu đánh giá bằng cách thực hiện đầy đủ bệnh sử và khám lâm sàng. Mặc dù không có xét nghiệm cận lâm sàng nào có khả năng chẩn đoán cụ thể các rối loạn nhân cách, bác sĩ có thể sử dụng các xét nghiệm chẩn đoán khác nhau như chụp X-quang, xét nghiệm máu để loại trừ bệnh thực thể là nguyên nhân của các triệu chứng quan sát thấy.
Nếu bác sĩ không tìm thấy nguyên nhân thực thể nào, họ có thể giới thiệu người bệnh đến bác sĩ tâm thần hoặc nhà tâm lý học. Các chuyên gia tâm lý sử dụng các công cụ phỏng vấn và đánh giá được thiết kế đặc biệt để đánh giá một người về chứng rối loạn nhân cách. Sau đó nhà trị liệu xác định bệnh nếu các triệu chứng của người đó chỉ ra chứng rối loạn nhân cách như được nêu trong DSM-5.
4. Các biện pháp điều trị rối loạn nhân cách
Phương pháp điều trị tốt nhất cho từng người bệnh phụ thuộc vào phân loại rối loạn nhân cách cụ thể, mức độ nghiêm trọng của nó và hoàn cảnh sống của họ. Thông thường, phương pháp tiếp cận theo nhóm là cần thiết để đảm bảo đáp ứng tất cả các nhu cầu về tâm thần, y tế và xã hội. Vì rối loạn nhân cách đã tồn tại từ lâu nên việc điều trị có thể cần vài tháng hoặc nhiều năm.
Chữa rối loạn nhân cách là một việc phức tạp cần sự phối hợp của một nhóm các bác sĩ và chuyên gia đến từ nhiều lĩnh vực, bao gồm:
- Bác sĩ tâm lý
- Nhà tâm lý học hoặc nhà trị liệu
- Điều dưỡng tâm thần
- Dược sĩ
- Nhân viên chăm sóc xã hội
Nếu các triệu chứng ở mức độ nhẹ và được kiểm soát tốt, bạn có thể chỉ cần điều trị từ bác sĩ chính, bác sĩ tâm thần hoặc bác sĩ trị liệu tâm lý. Nếu có thể, hãy tìm một chuyên gia sức khỏe tâm thần có kinh nghiệm điều trị chứng rối loạn nhân cách.
4.1. Tâm lý trị liệu
Tâm lý trị liệu (còn được gọi liệu pháp trò chuyện) là biện pháp chính để điều trị chứng rối loạn nhân cách. Trong thời gian trị liệu tâm lý với chuyên gia sức khỏe tâm thần, bạn có thể tìm hiểu và chia sẻ về tình trạng cảm xúc, tâm trạng, suy nghĩ và hành vi của mình. Người bệnh cũng học được cách đối phó với căng thẳng và kiểm soát chứng rối loạn.
Liệu pháp tâm lý được cung cấp trong các phiên trị liệu cá nhân, trị liệu nhóm hoặc các phiên trị liệu bao gồm cả gia đình hoặc bạn bè. Có một số loại liệu pháp tâm lý - chuyên gia sức khỏe tâm thần của bạn có thể xác định loại nào là tốt nhất cho bạn.
Bạn cũng có thể được đào tạo các kỹ năng xã hội. Trong quá trình đào tạo này, bạn có thể sử dụng cái nhìn sâu sắc và kiến thức bạn có được để học những biện pháp lành mạnh để kiểm soát các triệu chứng và giảm các hành vi cản trở hoạt động và các mối quan hệ của bạn.
Liệu pháp gia đình cung cấp hỗ trợ và giáo dục cho các gia đình biết cách đối phó khi một thành viên gia đình bị rối loạn nhân cách.
4.2. Thuốc
Không có loại thuốc nào được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận đặc biệt để điều trị chứng rối loạn nhân cách. Tuy nhiên, một số loại thuốc điều trị tâm thần có thể giúp điều trị các triệu chứng rối loạn nhân cách khác nhau.
- Thuốc chống trầm cảm: Thuốc chống trầm cảm có thể hữu ích nếu người bệnh có tâm trạng chán nản, tức giận, bốc đồng, cáu kỉnh hoặc vô vọng, có thể liên quan đến rối loạn nhân cách.
- Thuốc ổn định tâm trạng: Như tên gọi của chúng, các chất ổn định tâm trạng chứa bên trong thuốc có thể giúp làm giảm tâm trạng thất thường hoặc giảm sự cáu kỉnh, bốc đồng và hung hăng.
- Thuốc chống loạn thần: Còn được gọi là thuốc an thần có thể hữu ích nếu các triệu chứng của người bệnh bao gồm mất liên lạc với thực tế (rối loạn tâm thần) hoặc trong một số trường hợp nếu bạn có vấn đề về lo lắng hoặc tức giận.
- Thuốc chống lo âu: Thuốc này có thể hữu ích nếu người bệnh bị lo lắng, kích động hoặc mất ngủ.
Trong một số trường hợp, rối loạn nhân cách có thể nghiêm trọng đến mức bạn cần phải nhập viện để được chăm sóc tâm thần. Điều này thường chỉ được khuyến khích khi bệnh nhân không thể chăm sóc bản thân đúng cách hoặc khi họ có nguy cơ gây hại cho bản thân hoặc người khác ngay lập tức.
Sau khi được điều trị ổn định trong bệnh viện, bác sĩ có thể đề nghị tiếp tục theo dõi trong bệnh viện một thời gian hoặc cho người bệnh xuất viện và tái khám theo lịch.
Những người bị rối loạn nhân cách có thể không tự tìm được cách điều trị; và kết quả là, nhiều người không được điều trị. Một lý do dẫn đến việc không tìm kiếm các phương pháp điều trị rối loạn nhân cách có thể là do nhiều người bị rối loạn nhân cách vẫn có thể hoạt động bình thường trong xã hội.
Hầu hết các rối loạn nhân cách xảy ra một cách liên tục, không ngừng và rất khó để chữa rối loạn nhân cách khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, điều trị có thể giúp làm giảm một số triệu chứng đáng lo ngại của nhiều loại rối loạn nhân cách.
5. Các biến chứng của rối loạn nhân cách là gì?
Nếu không được điều trị, rối loạn nhân cách có thể mang lại những tổn thất lớn cho cá nhân và xã hội, bao gồm mất năng suất lao động, nhập viện và tù tội. Những người bị rối loạn nhân cách không được điều trị cũng có nguy cơ lạm dụng rượu hoặc ma túy, có hành vi bạo lực hoặc tự hủy hoại bản thân, thậm chí tự tử.
Tại thời điểm này, không có cách nào được biết có thể ngăn ngừa rối loạn nhân cách xảy ra nhưng điều trị kịp thời sẽ giúp cải thiện tình trạng bệnh lý và hạn chế ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.