Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hồng Phúc - Bác sĩ Nội tổng quát - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
Bệnh sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính biểu hiện bằng sốt li bì, phát ban và nổi hạch. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng nặng ở các cơ quan nội tạng có thể dẫn đến tử vong.
1. Tìm hiểu về bệnh truyền nhiễm sốt mò
- Bệnh truyền nhiễm sốt mò là bệnh do vi khuẩn Rickettsia tsutsugamushi gây ra. Vi khuẩn này có nguồn gốc từ các động vật hoang dã như loài gặm nhấm chủ yếu là chuột, thỏ, lợn, các loài chim, hoặc chó, lợn, gà... Bệnh biểu hiện đặc trưng bởi tình trạng sốt, vết loét ngoài da, phát ban, sưng hạch, tổn thương nhiều cơ quan và phủ tạng.
- Bệnh xuất hiện chủ yếu về mùa mưa do có độ ẩm cao tạo điều kiện cho ấu trùng mò phát triển. Bệnh gặp chủ yếu ở vùng nông thôn, dân sinh sống ở bìa rừng núi, những người làm nghề nông lâm nghiệp.
- Bệnh lây truyền như thế nào? Vi khuẩn sốt mò từ các loài động vật hoang dã đẻ trứng vào môi trường là đất ẩm và phát triển thành ấu trùng trước khi trở thành mò đỏ. Do vậy ấu trùng mỏ đỏ có mặt khắp nhiều nơi nhất là vùng đất ẩm, ướt. Sau đó ấu trùng phát triển thành nhộng và mò trưởng thành. Người bị nhiễm bệnh khi bị ấu trùng mò đốt. Sau khi đốt xong ấu trùng trở về mặt đất, trưởng thành và sinh sản ra thế hệ sau.
+ Bệnh sốt mò có thể diễn biến nặng với viêm phổi kẽ và suy hô hấp. Bệnh thường diễn biến nặng sau 2 tuần với biểu hiện ở nhiều cơ quan như hô hấp, tuần hoàn, thần kinh. Bệnh nhân thường tử vong do suy đa phủ tạng, trong đó suy hô hấp tiến triển là nguyên nhân hàng đầu. Tỷ lệ tử vong của sốt mò trong giai đoạn trước kháng sinh có thể lên tới 50-60%.
+ Một số trường hợp không được điều trị bệnh nhân có thể hết sốt sau 10-14 ngày, bệnh thường khỏi hoàn toàn. Sốt mò ở phụ nữ có thai có thể gây biến chứng về thai sản như sảy thai, thai chết lưu, hoặc cân nặng trẻ thấp.
2. Triệu chứng lâm sàng
- Thời gian ủ bệnh kéo dài từ 6 ngày đến 21 ngày. Sau đó có thể khởi phát sau một vài ngày như mệt mỏi, đau đầu, sốt nhẹ.
- Thời kỳ toàn phát: thường gặp sốt, vết loét ngoài da, phát ban, sưng hạch lympho, tổn thương ở các cơ quan và phủ tạng.
- Sốt: sốt cao liên tục, sốt rét run hoặc ớn lạnh trong giai đoạn đầu, giai đoạn sau chủ yếu sốt nóng. Kèm theo các triệu chứng là đau đầu, đau sau hốc mắt, đau mỏi người.
- Vết loét ngoài da có hình tròn hoặc bầu dục, nông, bờ nổi gờ, không đau và ít có hiện tượng viêm. Vết loét thường cư trú ở vùng da mềm và kín như nếp lằn bẹn, cơ quan sinh dục ngoài, hậu môn, nách, nếp lằn dưới vú, ngực, tai, mắt,..
- Sưng hạch và gan lách to. Sưng hạch cạnh vết loét thường xuất hiện vào cuối tuần thứ nhất của bệnh; hạch toàn thân thường xuất hiện muộn hơn và có kích thước nhỏ hơn. Sau đó xuất hiện lách to và gan to.
- Phát ban có dạng dát hoặc dát sẩn, đôi khi có ban xuất huyết. Ban xuất hiện đầu tiên ở thân lan ra các chi, hoặc mọc khắp toàn thân, tồn tại khoảng 4-5 ngày. Da mặt thường đỏ, củng mạc mắt xung huyết đỏ có thể đi kèm với cảm giác rát và sợ ánh sáng.
- Tổn thương hô hấp: bao gồm viêm phế quản, viêm phổi kẽ, và hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) biểu hiện ho, nặng có thể có khó thở.
- Tổn thương hệ thống tuần hoàn như: Các biểu hiện tim mạch thường gặp trong sốt mò bao gồm hạ huyết áp, rối loạn nhịp tim, viêm cơ tim,...
- Tổn thương não bao gồm viêm màng não và viêm não biểu hiện mê sảng, vật vã, tinh thần chậm chạp, hôn mê, co giật, rối loạn cảm giác, giảm thính lực,..
3. Chẩn đoán bệnh truyền nhiễm sốt mò
- Chẩn đoán bệnh dựa vào các triệu chứng lâm sàng đặc biệt tìm thấy vết loét đặc trưng do ấu trùng mò đốt.
- Cận lâm sàng chẩn đoán bao gồm:
- Xét nghiệm huyết thanh học. Là phương pháp chẩn đoán đặc hiệu giúp phát hiện kháng. Các xét nghiệm huyết thanh học bao gồm kháng thể miễn dịch huỳnh quang gián tiếp (IFA), kháng thể hấp phụ miễn dịch gắn men (ELISA), và xét nghiệm nhanh.
- Một số xét nghiệm chuỗi men polymerase (PCR) giúp chẩn đoán bệnh truyền nhiễm sốt mò.
4. Điều trị đặc hiệu
Các bệnh nhân sốt mò cần được điều trị kháng sinh đặc hiệu với sốt mò theo đúng chỉ định của người thầy thuốc. Tuy nhiên bệnh có thể bị tái phát sau khi ngừng điều trị, nhất là khi sử dụng phác đồ ngắn ngày và bắt đầu sớm, trong tuần đầu của bệnh. Vì vậy điều trị bệnh truyền nhiễm sốt mò cần theo đúng chỉ định của người thầy thuốc.
5. Phòng bệnh
- Tránh đi vào vùng đang có dịch sốt mò.
- Người trong vùng sốt mò cần áp dụng những biện pháp chống ấu trùng mò đốt như mặc quần áo kín, mặc quần áo có ngâm tẩm các hóa chất chống côn trùng.
- Diệt chuột, diệt côn trùng, diệt cỏ hoặc đốt cỏ
- Dùng thuốc phòng bệnh ở đối tượng có nguy cơ cao theo chỉ dẫn của người thầy thuốc.
- Điều tra cơ bản phát hiện ổ dịch ở địa bàn nghi ngờ và có người ở (bắt thú nhỏ gặm nhấm, bắt mò, phân loại, phân lập R.orientalis, tìm kháng thể, phát hiện bệnh nhân).
- Tránh ngồi nằm phơi quần áo đặt balo trên bãi cỏ, gần bờ bụi, gốc cây; khi đi phát nương làm rẫy, hành quân dã ngoại, trinh sát vào rừng cần mang giày và tất, chít ống quần
- Diệt mò ở môi trường: phun tồn lưu vào đất ẩm, bờ bụi cây cỏ cao dưới 20 cm quanh nhà nơi dâm mát thuốc diazinon, fenthion, malathion, lindane, dieldrin, chlordane.
- Phát quang thảm thực vật quanh nhà chọn lọc các đám thực vật có nhiều ấu trùng mò.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.