Bệnh tiểu đường có di truyền không? Nguy cơ di truyền của bệnh tiểu đường tuýp 1

Nếu bạn bị bệnh tiểu đường tuýp 1, bạn có thể lo lắng rằng liệu con bạn có mắc phải căn bệnh này giống như bạn hay không. Hoặc nếu bố hay mẹ của bạn mắc căn bệnh này, thì sẽ như thế nào đối với bạn. Hay nói cách khác là bệnh tiểu đường tuýp 1 có di truyền không?

1. Bệnh tiểu đường tuýp 1 là gì?

Bệnh tiểu đường tuýp 1 là một tình trạng trong đó hệ thống miễn dịch của bạn phá hủy các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy của bạn. Chúng được gọi là tế bào beta. Tình trạng này thường được chẩn đoán ở trẻ em và người trẻ tuổi, vì vậy nó từng được gọi là bệnh tiểu đường vị thành niên.

Một tình trạng được gọi là tiểu đường thứ phát giống như tuýp 1, nhưng các tế bào beta của bạn bị xóa sổ bởi một thứ khác, chẳng hạn như một căn bệnh hoặc chấn thương tuyến tụy của bạn, chứ không phải bởi hệ thống miễn dịch của bạn.

Cả hai điều này đều khác với bệnh tiểu đường tuýp 2, trong đó cơ thể bạn không phản ứng với insulin theo cách mà nó cần.

Các triệu chứng bệnh tiểu đường tuýp 1 thường rất âm thầm, nhưng chúng có thể trở nên nghiêm trọng. Các triệu chứng đó bao gồm:

  • Khát cực độ
  • Tăng cảm giác đói (đặc biệt là ngay cả sau khi ăn).
  • Khô miệng
  • Bụng khó chịu và nôn mửa
  • Đi tiểu thường xuyên
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân, mặc dù bạn đang ăn rất nhiều và luôn cảm thấy đói.
  • Mệt mỏi
  • Mờ mắt
  • Thở nặng nhọc (bác sĩ có thể gọi đây là hô hấp Kussmaul).
  • Thường xuyên bị nhiễm trùng da, nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc âm đạo.
  • Cáu kỉnh hoặc thay đổi tâm trạng
  • Đái dầm ở trẻ không phải vào ban đêm

Các dấu hiệu cho thấy tình trạng khẩn cấp với bệnh tiểu đường tuýp 1 bao gồm:

  • Run rẩy và bối rối
  • Thở nhanh
  • Mùi trái cây trong hơi thở của bạn
  • Đau bụng
  • Mất ý thức (hiếm gặp)

Các triệu chứng của bệnh tiểu đường tuýp 1 thường rất âm thầm, nhưng chúng có thể trở nên nghiêm trọng
Các triệu chứng của bệnh tiểu đường tuýp 1 thường rất âm thầm, nhưng chúng có thể trở nên nghiêm trọng

2. Cơ chế bệnh sinh của bệnh tiểu đường tuýp 1 là như thế nào?

Insulin là một loại hormone giúp di chuyển đường, hay còn gọi là glucose vào các mô của cơ thể bạn. Tế bào của bạn sử dụng nó làm nhiên liệu.

Thiệt hại đối với các tế bào beta do bệnh tiểu đường tuýp 1 làm giảm sản xuất insulin. Khi đó glucose không di chuyển vào tế bào của bạn vì insulin không có ở đó để thực hiện công việc này. Thay vào đó, đường sẽ tích tụ trong máu của bạn và các tế bào của bạn bị đói. Tình trạng này khiến cho lượng đường trong máu cao, có thể dẫn đến:

  • Mất nước: Khi lượng đường trong máu cao, bạn sẽ đi tiểu nhiều hơn. Đó là cách cơ thể bạn loại bỏ nó. Một lượng lớn nước sẽ đi ra ngoài cùng với nước tiểu, khiến cơ thể bạn bị thiếu nước.
  • Giảm cân: Glucose đi ra ngoài khi bạn đi tiểu sẽ mang theo calo. Đó là lý do tại sao nhiều người có lượng đường trong máu cao lại giảm cân. Mất nước cũng đóng một phần gây ra tình trạng giảm cân.
  • Nhiễm toan ceton do đái tháo đường (DKA): Nếu cơ thể bạn không thể nhận đủ glucose để làm nhiên liệu, thay vào đó, nó sẽ chuyển hóa các tế bào mỡ để tạo ra năng lượng. Điều này tạo ra các chất hóa học được gọi là xeton. Gan của bạn giải phóng lượng đường mà nó dự trữ để giúp đưa vào máu.

Nhưng cơ thể bạn không thể sử dụng nó nếu không có insulin, vì vậy nó tích tụ trong máu của bạn, cùng với xeton có tính axit. Sự kết hợp giữa lượng đường dư thừa, mất nước và tích tụ axit này được gọi là nhiễm toan ceton và có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị ngay lập tức.

  • Tổn thương cho cơ thể của bạn: Theo thời gian, lượng glucose cao trong máu có thể gây hại cho các dây thần kinh và các mạch máu nhỏ trong mắt, thận và tim của bạn. Chúng cũng có thể khiến bạn dễ bị xơ cứng động mạch hoặc xơ vữa động mạch, có thể dẫn đến đau tim và đột quỵ.

3. Bệnh tiểu đường tuýp 1 có di truyền không?

Các gen của bạn chắc chắn đóng một vai trò trong việc gây ra bệnh tiểu đường tuýp 1, một dạng bệnh tiểu đường ít phổ biến hơn thường được chẩn đoán ở trẻ em và thanh niên. Nhưng cũng giống như nhiều điều trong cuộc sống, đó là sự kết hợp của môi trường và sự nuôi dưỡng.

Môi trường của bạn, từ nơi bạn lớn lên đến thực phẩm bạn ăn, cũng rất quan trọng. Các nhà nghiên cứu không biết chính xác làm thế nào và bao nhiêu yếu tố tác động vào, nhưng tất cả những điều đó ảnh hưởng đến khả năng mắc bệnh của bạn. Các gen của bạn tạo tiền đề, nhưng bạn không thể chắc chắn rằng tất cả sẽ diễn ra như thế nào.

Không có gen tiểu đường nào được bật hoặc tắt để khiến bạn bị bệnh tiểu đường tuýp 1. Thay vào đó, một nhóm gen đóng một vai trò nào đó, bao gồm hàng tá gen có ảnh hưởng lớn nhất là gen HLA. Chúng tạo ra các protein mà hệ thống miễn dịch của bạn sử dụng để giữ cho bạn khỏe mạnh.

Vì bệnh tiểu đường tuýp 1 là một bệnh tự miễn dịch, có nghĩa là cơ thể bạn phá hủy các tế bào tạo ra insulin, nên có ý nghĩa rằng các gen HLA sẽ có ảnh hưởng nhất định đến tình trạng này.

Có hàng ngàn phiên bản của chúng trong gen người. Những thứ bạn nhận được từ cha mẹ của bạn ảnh hưởng lớn đến khả năng mắc bệnh tiểu đường của bạn. Một số gen làm cho bạn có nhiều khả năng mắc phải hơn, trong khi những gen khác có thể giúp bảo vệ bạn khỏi nó. Bạn mắc tiểu đường tuýp 1 nếu cơ thể bạn tạo ra ít hoặc không có insulin, một loại hormone giúp cơ thể chuyển đường thành năng lượng.

Một số gen nhất định phổ biến ở một nhóm người hơn ở nhóm người khác. Đó là lý do tại sao chủng tộc và sắc tộc cũng ảnh hưởng đến mọi thứ. Ví dụ, người da trắng có nhiều khả năng mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 hơn những người da màu.

Nhưng ngay cả khi bạn có gen khiến bạn có nhiều khả năng mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 hơn, điều đó không có nghĩa là bạn chắc chắn sẽ mắc bệnh. Ngay cả với những cặp song sinh giống hệt nhau (những người có các gen giống hệt nhau) đôi khi một người mắc bệnh này còn người kia thì không. Đó là do tác động của môi trường.


Không có gen tiểu đường nào được bật hoặc tắt để khiến bạn bị bệnh tiểu đường tuýp 1
Không có gen tiểu đường nào được bật hoặc tắt để khiến bạn bị bệnh tiểu đường tuýp 1

4. Bệnh tiểu đường tuýp 1 gây ảnh hưởng cho bạn như thế nào?

Nhiều công cụ và mẹo có thể giúp bạn kiểm soát bệnh tiểu đường tuýp 1 của mình. Nhưng nếu nó không được kiểm soát, căn bệnh này có thể ảnh hưởng đến một số cơ quan, bao gồm cả não của bạn. Lượng đường trong máu tăng và giảm đột biến có liên quan đến chứng trầm cảm, giảm khả năng chú ý và thời gian phản ứng chậm lại, gây ảnh hưởng cả về thể chất lẫn tinh thần cho bạn.

Một nghiên cứu năm 2014 được công bố bởi Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ cho thấy rằng lượng đường trong máu thực sự cao (tăng đường huyết) có thể làm chậm sự phát triển của não khi nó đang phát triển. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của trẻ em mắc phải căn bệnh này.

Hình ảnh chụp não cho thấy sự khác biệt giữa một đứa trẻ mắc bệnh tiểu đường và một đứa trẻ không mắc bệnh. Các nhà nghiên cứu vẫn không tìm thấy sự khác biệt lớn nào về chỉ số IQ, tâm trạng, hành vi, kỹ năng học tập và ghi nhớ của họ. Vẫn chưa rõ liệu căn bệnh này có thể ảnh hưởng đến những thứ như chuyển động cơ và tốc độ xử lý thông tin của trẻ hay không.

Những người trưởng thành mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 trong thời gian dài có phản ứng chậm hơn về thể chất và tinh thần. Các nhà nghiên cứu cho biết tình trạng này dường như không ảnh hưởng đến khả năng học tập và suy nghĩ của một người. Nhưng trí nhớ và khả năng chú ý có thể bị ảnh hưởng.

Bệnh tiểu đường tuýp 1 giống như tuýp 2 ở chỗ có liên quan đến tỷ lệ mắc trầm cảm cao. Nguyên nhân là do lượng đường trong máu cao và căng thẳng trong việc quản lý một căn bệnh lâu dài. Mức độ lượng đường trong máu của bạn ở mức thực sự cao hoặc thấp hoặc dao động đến mức cực đoan càng lâu, thì não của bạn càng có nhiều khả năng bị ảnh hưởng.

Cách phòng vệ tốt nhất đối với căn bệnh này đó là kiểm soát lượng đường trong máu của bạn, ăn một chế độ ăn uống lành mạnh và tuân theo tất cả các hướng dẫn từ bác sĩ của bạn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe