Khi mắc bệnh tan máu tự miễn, tủy xương không tạo ra đủ các tế bào hồng cầu, hoặc những tế bào này không hoạt động đúng với chức năng vốn có. Kết quả là cơ thể sẽ không nhận đủ oxy, khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi hoặc khó thở.
1. Bệnh tan máu tự miễn là gì?
Bệnh tan máu tự miễn, tên đầy đủ là thiếu máu tán huyết tự miễn mắc phải (Acquired autoimmune hemolytic anemia - AIHA), là một dạng thiếu máu hiếm gặp. Từ “Acquired” trong tên tiếng Anh của bệnh tan máu tự miễn tương tự như trong Acquired ImmunoDeficiency Syndrome - AIDS. Được dịch là “mắc phải”, nghĩa là bạn không bị bệnh này bẩm sinh. Một bệnh khác hoặc yếu tố kích hoạt khác sẽ dẫn đến rối loạn tự miễn này. Trong khi đó, từ “Autoimmune” có nghĩa là hệ thống miễn dịch của cơ thể tự động tấn công và phá hủy các tế bào hồng cầu của chính nó.
Các tế bào hồng cầu được tạo ra trong tủy xương - nằm sâu bên trong xương. Những tế bào máu này thường sống trong khoảng 120 ngày, làm nhiệm vụ mang oxy đến khắp cơ thể. Nếu bạn bị thiếu máu tan máu tự miễn, cơ thể sẽ phá hủy các tế bào hồng cầu nhanh hơn so với tốc độ tủy xương tạo ra tế bào mới. Đôi khi những tế bào hồng cầu này chỉ sống được vài ngày.
Thông thường, hệ thống miễn dịch sẽ phát hiện ra những “kẻ xâm lược” bên ngoài - như vi khuẩn và virus, sau đó tạo ra các protein kháng thể để tấn công chúng. Khi mắc bệnh tan máu tự miễn, hệ thống miễn dịch của bạn lại tạo ra các kháng thể tấn công nhầm vào tế bào hồng cầu của chính mình.
2. Nguyên nhân
Bạn có thể bị thiếu máu tán huyết tự miễn nếu mắc một bệnh tự miễn khác, ví dụ như lupus. Đối tượng dễ bị lupus là:
- 90% bệnh nhân lupus là phụ nữ, có nồng độ các nội tiết tố như estrogen, progesterone cao;
- Người Mỹ gốc Phi, châu Á, Tây Ban Nha, thổ dân gốc Mỹ;
- Con hoặc anh em của bệnh nhân lupus (tỷ lệ khá thấp);
- Làm việc hoặc sinh sống trong môi trường tiếp xúc với tia cực tím;
- Thường xuyên hút thuốc, stress,...
Một số căn bệnh và thuốc khác cũng có thể gây thiếu máu tan máu tự miễn, chẳng hạn như:
- Ung thư, bao gồm cả bệnh bạch cầu lympho bào mạn tính và U lympho không Hodgkin;
- Nhiễm khuẩn hô hấp do vi khuẩn Mycoplasma pneumonia;
- Các loại thuốc như: Penicillin, methyldopa (Aldomet), quinine (Qualaquin) và sulfonamides;
- Các loại virus như: Virus Epstein-Barr, cytomegalovirus, HIV và viêm gan.
3. Triệu chứng
Những người bị thiếu máu tán huyết tự miễn mắc phải thường có các triệu chứng bao gồm:
- Ớn lạnh;
- Nhịp tim nhanh;
- Da nhợt nhạt, có thể bắt đầu chuyển sang vàng;
- Hụt hơi;
- Yếu ớt và mệt mỏi;
- Đau ngực;
- Da hoặc tròng trắng mắt bị vàng;
- Nước tiểu sậm màu;
- Cảm giác đầy bụng do phì đại lá lách.
4. Bệnh tan máu tự miễn có nguy hiểm không?
Đa phần bệnh lý tán huyết diễn ra âm ỉ, từ từ (mạn tính) với các triệu chứng kém nổi bật. Tuy nhiên thiếu máu tan máu tự miễn nặng vẫn luôn có nguy cơ xảy ra, ảnh hưởng xấu đến vấn đề sức khỏe khác, chẳng hạn như bệnh tim và phổi.
Nếu tình trạng tán huyết cấp tính, như khi truyền nhầm nhóm máu hoặc thiếu men G6DP mà dùng một lượng lớn thực phẩm, thuốc có tính oxy hoá cao,... Phản ứng tán huyết mãnh liệt có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân.
Nhìn chung, tiên lượng của bệnh nhân thiếu máu tan máu tự miễn là khá tốt. Bệnh thường chỉ kéo dài trong một thời gian, nhưng nếu xuất hiện ở độ tuổi thanh thiếu niên thì có thể phát triển thành vấn đề sức khỏe lâu dài. Việc điều trị y tế thích hợp sẽ giúp giảm tác động xấu.
5. Chẩn đoán
Nếu nghi ngờ bản thân có dấu hiệu thiếu máu, nên đến gặp bác sĩ chuyên về các bệnh huyết học để được khai thác lịch sử y tế, những thuốc bạn từng dùng và xem xét các triệu chứng.
Bác sĩ cũng yêu cầu làm xét nghiệm công thức máu toàn bộ (complete blood count - CBC) để tìm kiếm dấu hiệu thiếu máu. Cụ thể, xét nghiệm sẽ cho kết quả về:
- Số lượng hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu;
- Kích thước của các tế bào hồng cầu;
- Protein mang oxy trong tế bào hồng cầu (huyết sắc tố - hemoglobin);
- Dung tích hồng cầu, hay còn gọi là tỷ lệ phần trăm thể tích của các tế bào hồng cầu trong máu (hematocrit).
Số lượng tế bào hồng cầu, cũng như nồng độ hemoglobin và hematocrit thấp là dấu hiệu của bệnh thiếu máu.
Nếu kết quả xét nghiệm CBC cho thấy bạn bị thiếu máu, bác sĩ có thể làm thêm một vài xét nghiệm phổ biến khác cho bệnh tan máu tự miễn, bao gồm:
Đo số lượng tế bào hồng cầu chưa trưởng thành trong cơ thể của bạn. Số lượng hồng cầu lưới cao có nghĩa là tủy xương đang phải sản xuất nhiều hơn để thay thế những tế bào đã bị cơ thể phá hủy.
- Kỹ thuật kháng globulin (Nghiệm pháp Coombs)
Giúp phát hiện xem cơ thể bạn có tạo kháng thể chống lại hồng cầu hay không.
- Phết tế bào ngoại vi
Bác sĩ sẽ xem xét các tế bào hồng cầu dưới kính hiển vi để tìm bằng chứng phá hủy tế bào máu.
- Xét nghiệm hóa học
Giúp kiểm tra mức độ của bilirubin - một chất tăng lên khi các tế bào máu bị phá hủy.
6. Điều trị
Nếu bạn bị thiếu máu tan máu tự miễn là do mắc một bệnh khác, ví dụ như lupus, bác sĩ sẽ điều trị bệnh căn nguyên trước. Nếu một loại thuốc là nguyên nhân gây bệnh tan máu tự miễn, bạn sẽ phải ngừng dùng thuốc đó. Nếu tình trạng thiếu máu tán huyết ở mức đó nhẹ, bạn có thể không cần điều trị.
Đầu tiên, các bác sĩ thường kê toa steroid, chẳng hạn như hydrocortison hoặc prednison, để ngăn chặn hệ miễn dịch tấn công các tế bào hồng cầu. Sau đó phẫu thuật để cắt bỏ lá lách và chỉ định dùng thuốc rituximab. Các loại thuốc khác như azathioprine (Imuran) và cyclophosphamide (Cytoxan) cũng có thể được sử dụng nhằm ức chế hệ miễn dịch. Trong một số trường hợp, truyền máu là biện pháp điều trị cần thiết.
Mặc dù không thể phòng ngừa bệnh tan máu tự miễn, nhưng bác sĩ sẽ theo dõi hoặc dùng một số loại thuốc để ngăn chặn rối loạn này. Để giảm nguy cơ, bạn nên tránh tiếp xúc với người bị nhiễm trùng, rửa tay và giữ vệ sinh cá nhân, tiêm phòng cúm và cố gắng giữ ấm cơ thể. Phụ nữ mang thai cần khám định kỳ, bổ sung đủ dinh dưỡng, acid folic và sắt, cũng như lắng nghe tư vấn tiền sinh để giảm nguy cơ cho con trẻ. Ngoài ra, không tự ý uống thuốc tây, hay dùng thuốc bắc, thuốc nam, vì đây là một yếu tố có thể đóng vai trò hình thành bệnh.