Bệnh hoang tưởng được biểu hiện bởi tình trạng một người có những suy nghĩ sai lầm mà bản thân lại cho là đúng. Điều này nếu kéo dài dai dẳng có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống, khó hoà hợp với người xung quanh và nhất là trong mối quan hệ gia đình.
1. Bệnh hoang tưởng là gì?
Bệnh hoang tưởng (thần kinh hoang tưởng) là tình trạng mà người bệnh có những suy nghĩ không có thật nhưng họ lại tin rằng điều đó là hoàn toàn đúng. Không thể lý giải những lập luận sai lầm đó, dù những người xung quanh giải thích bằng mọi cách hay có bằng chứng đầy đủ cho tới khi bệnh được điều trị khỏi.
Theo cách suy nghĩ của người mắc bệnh hoang tưởng, nhiều chuyện không có thật nhưng họ lại luôn cho là hoàn toàn đúng. Những người mắc bệnh này thường có tính chất sau:
- Lập luận không chính xác: Người bệnh thường có lý lẽ riêng nhưng cơ sở lý luận bị rối loạn, dẫn đến những kết luận sai lầm không tự phê phán;
- Niềm tin tưởng rất vững chắc, cố định: Mặc dù những ý tưởng, phán đoán rất mâu thuẫn với hiện thực, nhưng người bệnh lại có sự tin tưởng vững chắc như một chân lý không thể bác bỏ được. Dù được chứng minh bằng lời nói hay dẫn chứng vẫn không thể lay chuyển được.
Ở những người bệnh hoang tưởng lo lắng dai dẳng thường xuất hiện những vấn đề nghiêm trọng hơn. Ví dụ như họ tin rằng họ có một biểu hiện nào đó của bệnh rất nặng nề, dù đã được kiểm tra và đưa ra kết luận bình thường thì họ vẫn không tin, đổi bác sĩ thăm khám...
2. Triệu chứng bệnh thần kinh hoang tưởng
Những biểu hiện của bệnh hoang tưởng thường không thực sự rõ ràng. Các triệu chứng bệnh thần kinh hoang tưởng thường kéo dài ít nhất 1 tháng. Các biểu hiện phổ biến của bệnh bao gồm:
- Lo ngại mọi người có bí mật gì đó mà mình không biết, nghi ngờ hành động của những người khác ảnh hưởng xấu tới mình;
- Miễn cưỡng hoặc luôn cảm thấy lo ngại khi tâm sự với người khác hoặc tiết lộ thông tin cá nhân vì sợ họ dùng nó để chống lại mình;
- Khó tha thứ và ghi thù: Những người này luôn bị hoang tưởng rằng khi họ đã làm điều gì đó với mình thì sẽ lặp lại điều đó. Nên thường rất khó bỏ qua và có thể có những hành động thù địch;
- Nhạy cảm và thường có những suy nghĩ tiêu cực: Có thể một vấn đề khá bình thường xảy ra lại khiến họ suy nghĩ tiêu cực hơn so với mức độ thực sự ảnh hưởng của vấn đề đó;
- Không có khả năng làm việc cùng người khác, bị tách rời khỏi xã hội, hay tranh luận và tính cách cứng nhắc;
- Nóng tính, dễ tấn công người khác hơn;
- Luôn cảm thấy lo lắng một vấn đề đã được chứng minh không xảy ra.
3. Nguyên nhân nào dẫn tới bệnh hoang tưởng
Hiện nay, người ta vẫn chưa thực sự rõ lý do tại sao một số người có nhận thức sai lầm, nó có thể gặp ở mọi đối tượng kể cả trẻ em. Người ta cho rằng có thể liên quan tới nhân cách, kinh nghiệm sống, sự giáo dục của họ và những đặc điểm liên quan tới yếu tố gen. Người ta nhận thấy một số yếu tố nguy cơ bao gồm:
- Từng có một căn bệnh nghiêm trọng trong thời thơ ấu;
- Có chứng rối loạn lo âu khác;
- Có thành viên gia đình có bệnh thần kinh hoang tưởng;
- Do dùng một số loại thuốc hướng thần;
- Biến chứng khi sinh có tác động tới não bộ.
4. Những ảnh hưởng của hoang tưởng lo lắng dai dẳng
Các triệu chứng thần kinh hoang tưởng lo lắng nếu kéo dài dai dẳng có thể ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người bệnh. Một số ảnh hưởng của tình trạng này bao gồm:
- Sự thay đổi tính cách khiến người bệnh khó khăn trong việc giao tiếp hay duy trì mối quan hệ xã hội. Những người mắc bệnh hoang tưởng có thể gặp phải bao gồm:
- Đa nghi: Luôn luôn ngờ vực, lo lắng thái quá việc bị người khác tấn công. Vì thế, luôn giữ một khoảng cách an toàn với người đang nói chuyện với mình;
- Tính tình cứng nhắc: Là một người độc đoán, không có khả năng tự đánh giá về bản thân mình hay cởi mở tiếp nhận những quan điểm của người khác;
- Phát triển cái tôi thái quá: Người bệnh khá kiêu ngạo, không có tính khoan dung, luôn coi thường những người khác.
- Có thể khiến cho người bệnh rất dễ nóng nảy, giận dữ và tấn công người khác. Trong trường hợp xấu nhất người bị bệnh hoang tưởng nặng có thể giết người.
- Khi sống tách biệt với mọi thứ xung quanh những người này dễ bị trầm cảm hay rối loạn lo âu.
- Thiệt hại về kinh tế: Ví dụ một người hay lo lắng kéo dài về bệnh lý nào đó, sẽ khiến cho họ thường xuyên thăm khám dù không phát hiện bệnh. Thay đổi nơi khám nhằm tìm ra bệnh hoặc điều trị không đúng.
5. Cách điều trị bệnh hoang tưởng
Việc điều trị hoang tưởng dai dẳng hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, nhưng nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì tỷ lệ thành công cũng khá cao. Một số biện pháp điều trị hiện đang được cho là hiệu quả bao gồm:
- Dùng thuốc: Một số loại thuốc chống rối loạn thần kinh có thể được sử dụng trong quá trình điều trị rối loạn hoang tưởng. Trong đó loại thuốc chống trầm cảm đã được sử dụng thành công trong điều trị rối loạn hoang tưởng.
- Tâm lý trị liệu: Đây là biện pháp hiệu quả nên kết hợp với thuốc. Bởi vì đối với hầu hết bệnh nhân bị rối loạn hoang tưởng việc điều trị hỗ trợ là rất cần thiết. Mục tiêu của liệu pháp hỗ trợ này là tạo điều kiện để giúp người bệnh tuân thủ điều trị và giáo dục cho bệnh nhân nhận biết căn bệnh, tác hại cũng như cách điều trị nó.
Để việc điều trị hiệu quả thì người bệnh cần thay đổi lối sống, tuân thủ điều trị, được sự hỗ trợ của những người xung quanh, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý.
Bệnh hoang tưởng lo lắng kéo dài có thể ảnh hưởng không nhỏ tới sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Do đó, nếu nghi ngờ bản thân hoặc người thân có dấu hiệu lo lắng thái quá, suy nghĩ lệch lạc và hoang tưởng kéo dài thì nên đưa người bệnh tới các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và điều trị hợp lý.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.