Theo Tổ chức Y tế Thế giới, khi phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh nếu bị nhiễm virus đậu mùa khỉ đều có thể gặp phải những hậu quả bất lợi. Bài viết dưới đây giúp bạn đọc có thêm những thông tin về bệnh đậu mùa khỉ ở bà bầu, chúng ảnh hưởng như thế nào đến thai nhi?
1. Bệnh đậu mùa khỉ là gì?
Bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh do virus đậu mùa khỉ gây ra. Đây là bệnh lây nhiễm từ động vật sang người. Bệnh cũng có thể lây truyền giữa người với người. Bệnh đậu mùa khỉ thường gặp ở khu vực Trung Phi và Tây Phi, đây là nơi có nhiều rừng nhiệt đới và cũng là nơi có các loài động vật có thể mang virus đậu mùa khỉ thường sinh sống. Người mắc bệnh đậu mùa khỉ đôi khi cũng được ghi nhận ở các quốc gia khác ngoài Trung Phi và Tây Phi, sau khi chúng di chuyển từ các khu vực có bệnh đậu mùa khỉ lưu hành.
2. Con đường lây lan của bệnh đậu mùa khỉ lây truyền như thế nào?
Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây truyền cho thai nhi hoặc cho trẻ sơ sinh từ bà mẹ bị nhiễm bệnh. Mặc dù các dữ liệu liên quan đến việc nhiễm đậu mùa khỉ trong thời kỳ mang thai còn hạn chế. Tuy nhiên, virus đậu mùa khỉ có thể truyền sang thai nhi trong thời gian bà mẹ đang mang thai hoặc lây sang cho trẻ sơ sinh khi trẻ tiếp xúc gần trong và sau khi sinh. Các trường hợp sảy thai tự nhiên, thai chết lưu và sinh non, cũng đã được báo cáo ở những bà mẹ đang mang thai mà mắc virus đậu mùa khỉ.
Đậu mùa khỉ ở người lây truyền qua những con đường sau:
- Thời kỳ lây nhiễm của những người mắc bệnh đậu mùa khỉ là trong khoảng thời gian người bệnh có triệu chứng (thông thường từ 2 đến 4 tuần). Con đường lây lan có thể là do tiếp xúc gần với người có triệu chứng như: Dịch cơ thể ( dịch, mủ hoặc máu từ các tổn thương trên da), nốt ban và đặc biệt là vảy có nguy cơ làm lây nhiễm. Người lành tiếp xúc với quần áo, khăn mặt, chăn ga gối, hoặc vật dụng khác như dụng cụ nhà bếp ăn/bát đĩa của người bị nhiễm virus cũng có thể làm lây truyền bệnh
- Vết loét, nốt tổn thương trong miệng cũng có nguy cơ làm lây nhiễm, có nghĩa là virus có thể lây qua nước bọt, giọt bắn đường hô hấp. Vì vậy, người lành có tương tác gần gũi với người nhiễm virus dễ bị nhiễm bệnh. Và người có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn bình thường bao gồm cán bộ y tế, người nhà và bạn tình.
- Virus đậu mùa khỉ cũng có thể làm lây bệnh từ phụ nữ đang mang thai sang bào thai qua rau thai hoặc từ bậc cha mẹ đang nhiễm bệnh truyền bệnh sang con trong hoặc sau khi sinh do tiếp xúc trực tiếp da với da. Hiện nay vẫn chưa rõ người không có triệu chứng có thể làm lây truyền bệnh hay không.
2. Các dấu hiệu và triệu chứng của đậu mùa khỉ trong thai kỳ
Các dấu hiệu và triệu chứng khi nhiễm đậu mùa khỉ trong thai kỳ xuất cũng giống như ở những người không mang thai, bao gồm các triệu chứng khởi phát như sốt, nhức đầu, đau họng, ho, nổi hạch và phát ban.
Điều quan trọng là phải chẩn đoán phân biệt được bệnh đậu mùa khỉ với những bệnh da liễu của thai kỳ, bao gồm các nốt ban sẩn ngứa của thai kỳ.
Các tổn thương gây ra do đậu mùa khỉ có thể giống như các bệnh nhiễm trùng khác chẳng hạn như nhiễm varicella zoster hoặc nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs). Do đó, người bệnh cần được đánh giá, chẩn đoán phân biệt nốt phát ban có phải do đậu mùa khỉ hay không.
Nếu người bệnh khởi phát triệu chứng bệnh kể trên, đặc biệt là nếu có yếu tố nguy cơ dịch tễ học đối với nhiễm virus đậu mùa khỉ, cần đến cơ sở y tế chuyên nghiệp để thăm khám và làm xét nghiệm chẩn đoán, đặc biệt nếu có các yếu tố nguy cơ dịch tễ học đối với nhiễm virus đậu mùa khỉ.
Trẻ sơ sinh có nguy cơ cao mắc các triệu chứng nghiêm trọng hơn và tỉ lệ tử vong do bệnh đậu mùa khỉ cao hơn người trưởng thành. Các biến chứng của bệnh đậu mùa khỉ gây ra bao gồm nhiễm trùng da thứ phát, viêm phổi và các vấn đề về mắt khác có thể đe dọa tính mạng người bệnh. Hiện nay không có phương pháp điều trị cụ thể cho bệnh đậu mùa khỉ ở trẻ sơ sinh mà chỉ điều trị tập trung vào việc làm giảm các triệu chứng, hỗ trợ hệ thống hô hấp cũng như hệ tim mạch của em bé.
3. Các biện pháp phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ với phụ nữ mang thai
Phụ nữ đang mang thai là đối tượng có nguy cơ cao nhiễm virus đậu mùa khỉ. Do đó, để có thể đảm bảo an toàn, mẹ bầu cần phải tránh tiếp xúc gần với bất kỳ ai mắc bệnh hoặc có nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ.
Việc tiếp xúc trực tiếp với những vật dụng của người bị bệnh (đồ dùng cá nhân, chăn, ga giường quần áo, khăn tắm...) là con đường lây truyền khiến bạn có thể nhiễm virus đậu mùa khỉ. Virus có thể tồn tại trên bề mặt trong một thời gian dài, thậm chí có khi lên đến vài tuần. Do đó bà mẹ cần hết sức lưu ý những đồ dùng mà mình sử dụng.
4. Chăm sóc mẹ và bé khi thai phụ chẩn đoán bị nhiễm đậu mùa khỉ
Nếu phụ nữ mang thai mắc bệnh đậu mùa khỉ, bác sĩ sẽ thảo luận với người bệnh và người nhà về các cách thức để kiểm tra sức khỏe của mẹ và em bé trong và sau khi nhiễm virus, chẳng hạn như siêu âm bổ sung.
4.1 Chăm sóc bà mẹ
Khi một người phụ nữ đang mang thai xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ là mắc bệnh đậu mùa khỉ (chẳng hạn như phát ban hoặc các tổn thương mới ở vị trí bộ phận sinh dục) thì đầu tiên là tự cách ly bản thân và trao đổi với những người mà người phụ nữ đó tiếp xúc gần (đặc biệt là người đã có quan hệ tình dục) về bất kỳ triệu chứng nào mà bạn hoặc họ có thể mắc phải. Khi nghi ngờ đã mắc bệnh hoặc những triệu chứng trở nên rầm rộ, nặng nề hơn như sốt cao, nốt phát ban lan rộng, đau họng hoặc có các triệu chứng toàn thân khác thì cần phải thông báo sớm cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, tuyệt đối không tự ý điều trị hay giấu bệnh của mình.
Khi đã được chẩn đoán là mắc bệnh đậu mùa khỉ, người bệnh cần tiếp tục thực hiện cách ly và tuân thủ các biện pháp phòng ngừa cho đến khi bệnh được điều trị dứt điểm các triệu chứng, khi mà tất cả các tổn thương đã lành, vảy bong ra và hình thành một lớp da non.
Sau khi người bệnh đã được điều trị khỏi thì vẫn phải sử dụng bao cao su như một biện pháp phòng ngừa trong khi quan hệ tình dục trong khoảng thời gian 12 tuần sau khi đã bình phục.
4.2 Theo dõi tình trạng của thai nhi
Nếu phụ nữ đang mang thai mắc bệnh đậu mùa khỉ thì virus có khả năng lây truyền cho thai nhi, gây nguy cơ đối với thai nhi là sinh non hoặc thai chết lưu. Vì vậy, người bệnh cần được thực hiện kiểm tra đánh giá tình trạng sức khỏe thai nhi thường xuyên (2-3 lần mỗi ngày), bằng chụp tim mạch nếu tuổi thai ≥ 26 tuần hoặc nếu người mẹ thấy có bất kỳ biểu hiện bất thường nào. Việc đánh giá siêu âm của thai nhi và chức năng của nhau thai nên được thực hiện thường xuyên trong những đợt nhiễm trùng cấp tính.
Trong tam cá nguyệt đầu tiên (3 tháng đầu thai kỳ) của người mẹ sẽ xác nhận khả năng sống sót của thai nhi và có ý nghĩa sàng lọc. Trong tam cá nguyệt thứ 2, việc đánh giá nên bao gồm cả sinh trắc học thai nhi cách nhau 10-14 ngày, chụp giải phẫu chi tiết và đo thể tích của nước ối. Trong tam cá nguyệt thứ 3, việc đánh giá nên bao gồm sinh trắc học thai nhi cách nhau 10-14 ngày, chụp giải phẫu chi tiết, đo thể tích nước ối và thực hiện siêu âm Doppler thai (động mạch rốn và động mạch não giữa).
Kể cả khi bà mẹ đã được điều trị khỏi thì vẫn nên cân nhắc việc khám thai 4 tuần / lần sau đó để đề phòng các biến chứng có thể xảy ra trong thai kỳ.
4.3 Nên chọn sinh mổ hay sinh thường?
Khi phụ nữ mang thai sau khi kiểm tra đánh giá thấy có bằng chứng về sự tổn thương thai nhi ở bất kỳ thời điểm nào, hoặc người mẹ có nguy cơ bị đe dọa tính mạng, thì nên cân nhắc đến việc sinh con. Khi can thiệp để sinh sớm có tính đến tuổi thai, cân nặng ước tính của thai nhi, tình trạng của thai nhi và người mẹ.
Hiện nay vẫn chưa có nhiều bằng chứng về phương thức sinh nở tối ưu cho phụ nữ mang thai khi bị nhiễm bệnh đậu mùa khỉ. Nhiều khả năng là lây truyền dọc nên có thể em bé đã bị nhiễm bệnh từ trước khi sinh, trường hợp này mổ lấy thai có thể không có lợi. Hơn nữa, virus có thể lây truyền qua việc tiếp xúc với các vết thương hở. Vì vậy, việc chuyển dạ và sinh theo ngả âm đạo ở phụ nữ bị tổn thương bộ phận sinh dục có thể dẫn đến nhiễm trùng sơ sinh. Tóm lại, tùy tình hình thực tế về sức khỏe của thai phụ và diễn biến bệnh mà bác sĩ chuyên khoa sẽ xác định phương pháp sinh phù hợp.
Hy vọng những thông tin trên đây giúp người đọc hiểu rõ hơn về bệnh đậu mùa khỉ ở phụ nữ mang thai. Phụ nữ mang thai cần được theo dõi sức khỏe thường xuyên, thực hiện các biện pháp phòng ngừa tránh tình trạng lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ. Trong trường hợp phụ nữ mang thai có tiếp xúc với người nhiễm bệnh hoặc có bất kỳ biểu hiện bất thường nào nghi ngờ mắc virus đậu mùa khỉ, cần liên hệ ngay cơ sở y tế uy tín để được tư vấn kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.