“Răng nhạy cảm phải làm sao?” Đó là câu hỏi của nhiều người trước tình trạng ê buốt răng khi dùng một số loại thực phẩm. Đây có thể là dấu hiệu của các bệnh lý tiềm ẩn vì vậy ta cần có các biện pháp khắc phục và chăm sóc răng nhạy cảm.
1. Tổng quan về răng nhạy cảm
Răng nhạy cảm là một vấn đề nha khoa phổ biến hiện nay. Nó bắt đầu hình thành khi phần ngà răng ở dưới lớp men răng bị ăn mòn.
Triệu chứng của răng nhạy cảm là đau nhức, ê buốt răng khi bị kích thích bởi các tác nhân như: đồ ăn thức uống nóng – lạnh, thực phẩm có vị ngọt hoặc chua, hít thở không khí lạnh hoặc khi chải răng.
Điều quan trọng trước tình trạng này là cần phải xác định nguyên nhân để có thể khắc phục răng nhạy cảm hiệu quả.
2. Nguyên nhân khiến tình trạng răng nhạy cảm
Nguyên nhân của răng nhạy cảm được chia ra làm hai nhóm:
- Tụt nướu dẫn đến lộ chân răng: chải răng quá mạnh hoặc quá nhiều lần trong ngày, mắc các bệnh về nướu trong thời gian dài, tích tụ mảng bám và vôi răng quá nhiều hoặc lão hoá (trên 40 tuổi) cũng có thể gây tụt nướu.
- Mòn men răng gây ra bởi chải răng không đúng cách, nghiến răng hoặc do sử dụng thường xuyên các loại thực phẩm và thức uống có tính axit như nước ép trái cây, nước ngọt có gas, cà phê, trà, rượu,...
3. Điều trị tình trạng răng nhạy cảm
Khi đã tìm ra nguyên nhân, nha sĩ sẽ tiến hành các biện pháp khắc phục răng nhạy cảm để giảm triệu chứng như:
- Kem đánh răng cho răng nhạy cảm.
- Gel có chứa Fluoride.
- Trám vùng răng bị tổn thương.
- Máng bảo vệ răng miệng.
4. Chăm sóc răng nhạy cảm thế nào?
Ngoài điều trị đặc hiệu của nha sĩ thì các biện pháp chăm sóc răng nhạy cảm cũng góp phần giảm cảm giác khó chịu và tăng hiệu quả điều trị, bao gồm:
- Dùng bàn chải mềm và chải răng đúng cách, không chải răng quá nhiều lần trong ngày nếu không thật sự cần thiết.
- Chủ động dùng kem đánh răng cho răng nhạy cảm.
- Tránh lạm dụng thức ăn và đồ uống có tính axit như nước trái cây, nước ngọt có gas, kẹo dẻo, thực phẩm nhiều tinh bột.
- Cân nhắc dùng các loại thực phẩm bảo vệ răng miệng như trái cây và rau củ nhiều chất xơ, phô mai, sữa, sữa chua. Những chất này sẽ giúp làm ẩm miệng và chống lại axit cũng như vi khuẩn gây mòn men răng.
- Đánh răng sau ít nhất 1 tiếng kể từ khi ăn các loại thực phẩm có tính axit.
- Sống lành mạnh, vui vẻ để hạn chế stress giúp làm giảm nghiến răng khi ngủ.
- Tạm dừng tẩy trắng răng khi đã có triệu chứng của răng nhạy cảm.
Trên đây là những bước cần lưu ý trong việc chăm sóc răng nhạy cảm. Việc bạn thực hiện đúng sẽ giúp hàm răng chắc khỏe và hạn chế những vấn đề về sức khỏe răng miệng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com