5 quan niệm sai lầm phổ biến về tăng động giảm chú ý

Trong quá trình tìm hiểu về bệnh, có rất nhiều người tự đưa ra hoặc nhận được những thông tin sai lầm của người khác về tăng động giảm chú ý. Những sai lầm này có thể ảnh hưởng tới việc chậm trễ chẩn đoán hay các biện pháp điều trị. Bên cạnh đó chúng có thể dẫn đến các vấn đề như khiến cho bạn bị chậm trễ trong việc chẩn đoán và tiếp cận điều trị. Sau nhiều tổng hợp, hiện có 5 lầm tưởng về rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) cần được loại bỏ ngay.

1. Con gái không bị tăng động giảm chú ý

Bệnh tăng động giảm chú ý có thể ảnh hưởng tới hầu hết mọi người. Bất kể giới tính nam hay nữ. Tuy nhiên, tỷ lệ bé gái thấp hơn so với nam giới và các bé gái thường không quá hiếu động như các bé trai hoặc chúng không có nhiều vấn đề về hành vi so với các bé trai, vì vậy mọi người thường không nhận ra tình trạng bệnh tăng động giảm chú ý ở các bé gái.

Vấn đề về quan điểm sai lầm này đó là các cô gái bị rối loạn tăng động giảm chú ý thường không được điều trị, tình trạng của họ có thể tiến triển, làm gia tăng các vấn đề với:

  • Thay đổi khí sắc, thường xuất hiện sự lo lắng
  • Tính cách của họ chống đối với xã hội.
  • Các rối loạn khác đi kèm khác có thể xảy ra ở tuổi trưởng thành.

Vì lý do này mà việc cải thiện khả năng chẩn đoán sớm trẻ gái bị tăng động giảm chú ý và có thể hỗ trợ việc điều trị sớm thực sự quan trọng.

2. Nuôi dạy con không đúng sẽ gây ra bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý

Nhiều bậc cha mẹ tự cảm thấy rất tội lỗi khi con của họ mắc phải bệnh lý này. Chính vì họ lầm tưởng rằng việc nuôi dạy con cái không tốt chính là nguyên nhân gây ra ADHD. Thực tế, bệnh lý này đến nay vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác gây ra bệnh. Mặc dù cách nuôi dạy hay phạt trẻ thường xuyên không phải nguyên nhân gây ra bệnh, nhưng nếu trong quá trình nuôi dạy trẻ bị tăng động giảm chú ý mà bạn liên tục thực thi các hình phạt với các triệu chứng của bệnh như trẻ đột nhiên thốt ra lời không phù hợp với thực tế, bồn chồn, tăng động hoặc bốc đồng quá mức, mà bạn nghĩ những điều đó là trẻ hư, thì những hình phạt liên tục này có thể gây bất lợi về lâu dài cho việc kiểm soát triệu chứng của trẻ.

Trong một số trường hợp các triệu chứng của trẻ chưa được kiểm soát tốt nên nhiều bố mẹ bị những người khác chỉ trích vì nuôi dạy trẻ không tốt, khiến trẻ hư. Chính vì vậy mà các biện pháp can thiệp chuyên nghiệp như liệu pháp tâm lý và thuốc thường được yêu cầu dùng cho trẻ mắc bệnh này để kiểm soát tốt triệu chứng.

3. Những người mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý lười biếng

Nhiều bệnh nhân bị tăng động giảm chú ý họ thường bị buộc tội là lười biếng, điều này khiến họ cảm thấy tội lỗi vì không làm việc được một cách hiệu quả và có động lực như những gì người khác mong đợi.

Những người bị tăng động giảm chú ý có xu hướng cần nhiều lời nhắc hơn để hoàn thành công việc, đặc biệt đó là các hoạt động đòi hỏi nỗ lực tập trung tinh thần. Bởi vì các triệu chứng của những người bị tăng động giảm chú ý có thể biểu hiện các triệu chứng như không quan tâm, không tập trung được, vô tổ chức và thiếu động lực làm việc trừ khi nó liên quan đến hoạt động mà họ thực sự yêu thích, điều này có thể khiến nhiều người bị nhầm với sự lười biếng.

Tuy nhiên, trên thực tế là những người mắc chứng ADHD thực sự muốn thành công nhưng có thể gặp khó khăn để bắt đầu việc này và hoàn thành những công việc mà người khác có thể coi là đơn giản. Ngay cả việc đơn giản như phân loại thư hoặc trả lời email cũng có thể gây ra khó khăn vì nó đòi hỏi nhiều năng lượng tinh thần tập trung hơn đối với những người mắc chứng này vì họ thường không tập trung được.

Quan điểm sai lầm này có thể đặc biệt có hại vì những lời phán xét từ những người xung quanh có thể khiến người bệnh cảm thấy thất bại, dẫn đến lòng tự trọng kém và thiếu tự tin để có thể theo đuổi các hoạt động trong cuộc sống.

4. Chứng bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý không nghiêm trọng lắm

Mặc dù khi ai đó bị tăng động giảm chú ý không gây ra đe dọa đến tính mạng, nhưng nó có thể có những tác động nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống tổng thể của một người. So với dân số chung, những người mắc ADHD có nhiều khả năng gặp phải các vấn đề như: Thường hay bị lo lắng, rối loạn tâm trạng và nguy cơ sử dụng chất kích thích. Không chỉ vậy, điều hay gặp nhất đó là họ rất khó để hoàn thành trách nhiệm công việc và họ liên tục bị những người khác giám sát hoặc thay đổi công việc.

Điều này có nghĩa là những người mắc bệnh này liên tục phải sống trong nỗi sợ hãi bị mất việc làm và họ sẽ không đủ khả năng tài chính, điều này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống cá nhân của họ.

5. Bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý không phải là một rối loạn y tế thực sự

Nghiên cứu đã chứng minh sự khác biệt giữa não của người mắc bệnh tăng động giảm chú ý và não của người không bị bệnh, ngoài sự khác biệt về cách thức hoạt động của các chất hóa học trong não như dopamine, norepinephrine và glutamate thì các bộ phận khác của não có liên quan tới tình trạng bệnh này cũng góp phần gây ra bệnh như phần não lập kế hoạch, tổ chức, thực thi nhiệm vụ.

Không chỉ vậy, người ta nhận thấy ở những cặp song sinh có thể liên quan tới di truyền nên các thành phần trong não giống hệt nhau, nếu một trong cặp song sinh bị tăng động giảm chú ý thì người kia cũng có khả năng mắc bệnh này.

Như vậy, trên thực tế đây là một rối loạn có sự hiện diện của việc thay đổi thực thể tại não và các chất hóa học trong não. Từ đó gây ra biểu hiện bệnh hay đó chính là một rối loạn y tế thực sự.

Trên đây là những quan điểm sai lầm về bệnh tăng động giảm chú ý. Qua đó, thấy rằng những người mắc bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý thường bị đánh giá và bị nhận xét một cách không công bằng. Chính vì vậy, họ thực sự cần được điều trị và cần được quan tâm, tránh dán nhãn sai lầm về họ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.


Nguồn tham khảo: .healthline.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe