Đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây tử vong và tàn tật hàng đầu trên toàn thế giới, đồng thời đây cũng là tác hại của ngủ quá nhiều. Nghiên cứu mới đây đã phát hiện ra rằng, ngủ lâu hơn 9 tiếng và chợp mắt 90 phút mỗi ngày có nguy cơ đột quỵ cao hơn.
1. Ngủ quá nhiều có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ
Đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây tử vong và tàn tật hàng đầu trên toàn thế giới. Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây đột quỵ như lối sống, hút thuốc cho tới các tình trạng bệnh có sẵn. Tuy nhiên, nguyên cứu mới phát hiện ra rằng ngủ quá nhiều làm tăng đáng kể nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch bao gồm cả đột quỵ.
Theo những phát hiện này, tình trạng thiếu ngủ thường xuyên và ngủ hơn 7 tiếng mỗi đêm đều có liên quan đến nguy cơ đột quỵ cao. Một nghiên cứu xuất hiện trên tạp chí Neurology đã phát hiện ra mối liên quan giữa giấc ngủ ngắn vào ban ngày hoặc ngủ quá nhiều với nguy cơ đột quỵ. Nhóm nghiên cứu đã thu thập thông tin từ 31750 người, trong đó không ai có tiền sử đột quỵ hay bất kỳ tình trạng sức khỏe nghiêm trọng nào khác khi bắt đầu nghiên cứu. Những người tham gia trả lời các câu hỏi về thói quen ngủ của họ và các nhà nghiên cứu đã theo dõi lâm sàng nhóm này trong 6 năm.
Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng 8% người tham gia có thói quen chợp mắt kéo dài hơn 90 phút và 24% cho biết ngủ ít nhất 9 giờ mỗi đêm. Khoảng thời gian nghiên cứu, có 1557 ca đột quỵ trong số những người tham gia. Những người ngủ từ 9 tiếng trở lên mỗi đêm có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn 23% so với những người thường xuyên chỉ ngủ 7-8 tiếng. Vì vậy, kết luận rằng những người ngủ lâu hơn 9 giờ và chợp mắt hơn 90 phút mỗi ngày có nguy cơ đột quỵ cao hơn 85% so với những người ngủ đêm và trưa vừa phải.
Chất lượng giấc ngủ dường như đóng một vai trò quan trọng. Những người báo cáo chất lượng giấc ngủ kém có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn 29% so với người có chất lượng giấc ngủ tốt. Những kết quả này tiếp tục có ý nghĩa về tác hại của ngủ quá nhiều sau khi điều chỉnh các yếu tố tiềm ẩn như tăng huyết áp, hút thuốc, đái tháo đường,... Những kết quả này nêu bật tầm quan trọng của việc ngủ trưa, thời gian vừa phải và chất lượng giấc ngủ tốt, đặc biệt là ở người trung niên và người lớn tuổi.
2. Một số hạn chế trong các nghiên cứu
Các nhà nghiên cứu thừa nhận một số hạn chế trong nghiên cứu và cần thêm thời gian thực hiện. Đầu tiên, bởi vì nghiên cứu được thực hiện chỉ là quan sát, nó không thể chứng minh quan hệ nhân quả. Thứ hai, nghiên cứu không tính đến các nguyên nhân khác như chứng ngưng thở khi ngủ hoặc các rối loạn giấc ngủ khác có thể ảnh hưởng đến kết quả. Thứ ba, dữ liệu tự báo cáo không đáng tin cậy bằng dữ liệu được ghi lại bởi các nhà nghiên cứu quan sát giấc ngủ của người tham gia. Cuối cùng, kết quả chỉ có thể áp dụng cho người lớn tuổi khỏe mạnh ở một khu vực chứ không cho các nhóm dân số khác.
Vì vậy, cần nhiều nghiên cứu hơn để hiểu cách ngủ trưa dài và ngủ nhiều giờ hơn vào ban đêm có thể liên quan đến việc tăng nguy cơ đột quỵ. Ngoài ra, ngủ trưa và ngủ lâu có thể cho thấy một lối sống tổng thể không hoạt động, điều này cũng liên quan đến việc tăng nguy cơ đột quỵ.
Tóm lại, giấc ngủ đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe con người. Một số nghiên cứu đã chỉ ra ngủ quá nhiều hoặc không đủ giấc sẽ hạn chế hoạt động của não bộ và tăng nguy cơ đột quỵ. Vì vậy, để phòng ngừa nguy cơ đột quỵ, ngoài việc duy trì lối sống lành mạnh thì bạn cần thay đổi giờ giấc ngủ sao cho phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.